Giáo sư sử học Văn Tạo không chỉ là tác giả của những bộ sách đồ sộ về sử học Việt Nam (hơn 10 cuốn sách viết riêng, khoảng 100 cuốn là chủ biên và đồng tác giả), mà còn có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lí và đào tạo. Ông từng là Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam giai đoạn 1980-1989; đào tạo, hướng dẫn, phản biện gần 80 luận án tiến sĩ…
GS Văn Tạo, người được mệnh danh là “người đi giải oan cho các nhân vật trong lịch sử”. (Ảnh: Trần Thanh Giang)
Một số công trình khoa học tiêu biểu của GS Văn Tạo,
trong đó có công trình "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử". (Ảnh: Trần Thanh Giang)
Nay tuy tuổi đã cao nhưng GS Văn Tạo vẫn say mê với công việc nghiên cứu của mình. (Ảnh: Trần Thanh Giang)
Là một nhà sử học nên những lúc rảnh rỗi, GS Văn Tạo có thú vui sưu tầm và nghiên cứu các đồ gốm cổ. (Ảnh: Trần Thanh Giang)
Trong giới sử học Việt Nam, GS Văn Tạo được mệnh danh là “người đi giải oan cho các nhân vật trong lịch sử”, bởi ông là người đã có công làm sáng tỏ nhiều vấn đề từng gây tranh cãi về một số nhân vật và triều đại trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ví dụ như việc ông đã làm rõ công lao của họ Khúc (TK X), giải oan cho họ Mạc (TK XVI), minh oan cho nhà Trịnh (TK XVI – XVIII) để cuối cùng di tích “Phủ chúa Trịnh" đã được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia…
Tất cả những việc làm đó của GS Văn Tạo cho thấy rõ một triết lí sống, một đạo lí làm nghề sử của ông đó là, luôn hướng tới công minh lịch sử để đi đến công bằng xã hội. Theo giáo sư, cái cốt lõi của những nhà làm sử là phải ghi chép và tôn trọng tính khách quan, chân thực của lịch sử. Người làm sử phải luôn đặt chữ “TÂM” lên hàng đầu và họ phải nhận thức rõ được sứ mệnh đó của mình. Người làm sử phải nhận thức rõ được trách nhiệm làm sử là phải vì dân tộc, vì con người, quan trọng nhất là “tấm lòng đem khoa học phụng sự xã hội, phụng sự đất nước”. Chính vì lẽ đó, luận thuyết “công minh lịch sử và công bằng xã hội” của ông đã được các nhà khoa học đánh giá rất cao. Với GS Văn Tạo, lịch sử phải nói đúng, phải công minh, công – tội rõ ràng thì xã hội mới có công bằng.
Nguyên phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh từng nhận xét: “Anh Văn Tạo là một nhà sử học chân chính, khách quan, trung thực. Và tôi rất tâm đắc với anh về quan điểm công minh lịch sử. Tôi cho rằng đó là thái độ, cách nhìn khách quan, vô tư, nhất thiết phải có của mọi người Việt Nam có ý thức và có tri thức, có hiểu biết về lịch sử nước nhà và lịch sử thế giới…”. Giáo sư Furuta Motoo, Đại học Tokyo, Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật - Việt cũng đánh giá: “Giáo sư Văn Tạo là một nhà sử học có ý thức trách nhiệm cao đối với dân tộc và xã hội. Điểm xuất phát của ý thức trách nhiệm này nằm ở tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử…”.
GS Văn Tạo trình bày ý kiến nhận xét tại Hội nghị nghiệm thu cấp Nhà nước
công trình khoa học lịch sử "Khởi nghĩa Nam Kỳ", năm 2001. (Ảnh: Tư liệu)
GS Văn Tạo trình bày ý kiến nhận xét tại Phiên họp Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước
nghiệm thu công trình lịch sử "Quá trình hình thành và phát triển Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam", năm 2006.
(Ảnh: Tư liệu)
GS Văn Tạo phát biểu tại Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành khóa V,
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, năm 2006. (Ảnh: Tư liệu)
GS Văn Tạo đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. (Ảnh: Tư liệu)
GS Văn Tạo trong một lần đi nghiên cứu bãi đá cổ Sa Pa ở Lào Cai. (Ảnh: Tư liệu)
GS Văn Tạo nói chuyện với đoàn sinh viên Nhật Bản về nạn đói Việt Nam năm 1945. (Ảnh: Tư liệu)
Với việc nhận thức rõ sứ mệnh của người làm sử, GS Văn Tạo đã cống hiến và để lại cho nền sử học nước nhà những công trình nghiên cứu lịch sử mang tầm quốc gia với những ý nghĩa xã hội nhân văn sâu sắc. Điển hình, đầu năm 2012 này, công trình “Nạn đói ở Việt Nam năm 1945 – Những chứng tích lịch sử” do ông làm chủ biên đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010. Công trình này đã lên án tội ác chiến tranh của những kẻ phát xít tàn bạo, từ đó kêu gọi nhân loại ngăn ngừa chiến tranh hủy diệt, bảo vệ hòa bình… Nó đã thuyết phục được cả thế giới bởi những lời kể của chính các nhân chứng còn sống sót sau nạn đói lích ử năm 1945. Những lời kể của các nạn nhân được ghi âm lại thành những cuộn băng tư liệu đã khiến cho bất cứ ai khi nghe lại cũng không khỏi xúc động vì sự bi thương, mất mát.
GS Văn Tạo cho biết, ông đã ấp ủ đề tài này từ năm 1957 nhưng phải đến năm 1991 mới có đủ điều kiện và cơ hội để thực hiện nó. Công trình được hoàn thiện trong 4 năm: từ năm 1991 – 1995. Để thực hiện công trình này, Giáo sư đã cùng đội ngũ cán bộ của mình đi đến 23 điểm từ Quảng Trị đến Cao Bằng, Lạng Sơn…
Để thông tin được chính xác, khách quan, ông và mọi người đã phải lặn lội về từng xóm làng, đến từng nhà, gặp từng vị trưởng xóm để điều tra thu thập thông tin xem vào năm 1945 vùng đó có bao nhiêu nhân khẩu, mỗi gia đình có bao nhiêu người sống, bao nhiêu người chết, gia sản gồm có những gì… Tất cả mọi thông tin ấy đều được thu thập và kiểm chứng một cách cẩn thận và đầy đủ.
Chính vì vậy mà ông biết rằng, năm 1945, có gia đình có 35 người thì chết đến 31 người; lại có gia đình có 20 người, chết đến 19 người, còn
«...
Một số thành tích nổi bật của GS Văn Tạo: - Năm 1984 được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất - Năm 1997 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. - Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2000 với cụm công trình: “Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam” và “Chúng ta kế thừa di sản nào”. - Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2005 với công trình khoa học “ATLAS Quốc gia Việt Nam” do Cục Đo đạc Bản đồ Nhà nước xuất bản năm 1996. - Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010 với công trình khoa học “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam – Những chứng tích lịch sử”. |
Với công trình này, bằng những số liệu thống kê công phu và chính xác, GS Văn Tạo đã khiến thế giới và người Nhật phải công nhận con số người Việt Nam chết đói năm 1945 là 2 triệu người. Điều này thêm một lần nữa cho thấy, GS Văn Tạo đã sống và cống hiến hết mình vì sứ mệnh đi tìm sự “công minh của lịch sử”. Và ở đây chính là việc đi tìm lại sự thật của nạn đói khủng khiếp năm 1945 ở Việt Nam, một nỗi đau không dễ xóa nhòa trong tâm thức của mỗi người Việt.
Hiện nay, công trình “Nạn đói ở Việt Nam năm 1945 – Những chứng tích lịch sử” đã được Nhật dịch nguyên bản sang tiếng Nhật và Mỹ dịch sang tiếng Anh. Nói về công trình này, GS Văn Tạo tâm sự: “Phần bi thương nhất của cuốn sách và cũng chính là phần được dư luận quốc tế chú ý nhất, trân trọng nhất chính là lời kể của các nhân chứng. Mỗi khi đọc lại những đoạn này tôi đều khóc và tôi cũng không dám nghe lại các băng ghi âm vì nó ám ảnh tôi về nỗi bi thương của nạn đói khủng khiếp này”./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Thanh Giang & Tư liệu