“Đã hơn 50 lần tôi đến Việt Nam nhưng luôn có một điều không thay đổi là tôi vẫn cảm thấy như được trở lại chính quê hương mình sau mỗi chuyến đi xa. Chắc có lẽ tôi vẫn còn nhiều việc phải làm tại mảnh đất này.”- Đó là câu trả lời bằng tiếng Việt giống như một người Việt Nam mà GS Ivo Vasiliev người Séc đã trả lời tôi nhân dịp ông đến tham dự Hội thảo về Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại Hà Nội.
GS.TS Ivo Vasiliev là một nhà ngôn ngữ học. Ông sinh năm 1935 tại Praha (Cộng hòa Séc). Năm 1959, Viện Hàn lâm Khoa học Praha thành lập bộ môn Việt Nam học tại Đại học Tổng hợp Praha nên cần một người biết tiếng Việt và hiểu văn hóa Việt Nam để làm việc. Đúng lúc ấy họ tìm thấy Ivo Vasiliev vừa mới thi đỗ vào nghiên cứu sinh và bắt đầu học tiếng Việt chính quy dưới sự giảng dạy của ông Trần Xuân Đài, giảng viên trường Đại học Sư Phạm I Hà Nội, người được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cử sang giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp Praha.

GS.TS Ivo Vasiliev (tháng 11/2011). (Ảnh: Tư liệu)

GS Ivo Vasiliev (thứ hai sang) làm lễ dâng hương tại Lễ giỗ Phật hoàng Trần Nhân Tông lần thứ 703. (Ảnh: Trần Thanh Giang)

GS Ivo Vasiliev giao lưu trao đổi với các nhà khoa học trẻ Việt Nam
bên lễ Hội thảo về Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu)

GS Ivo Vasiliev trong một chuyến nghiên cứu điền dã về ngôn ngữ Việt Nam qua những di tích lịch sử. (Ảnh: Tư liệu)

GS Ivo Vasiliev đến thăm và tìm hiểu về các nông cụ tại Khu du lịch địa đạo Củ Chi. (Ảnh: Tư liệu)

Một độc giả Việt Nam xin chữ kí của GS Ivo Vasiliev. (Ảnh: Tư liệu) |
Sau 3 năm học tiếng Việt, đến năm 1963, Ivo Vasiliev đến Việt Nam để bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu về địa lí, lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Sau những lần quay trở lại Việt Nam, dựa trên những gì được học và tìm hiểu, vào những năm 70 của thế kỉ XX, ông đã bắt tay vào dịch sang tiếng Séc những bài thơ của Dương Hương Ly, Xuân Diệu, Giang Nam… Đặc biệt, vào những năm 80, ông đã bắt tay vào đọc và nghiền ngẫm nguyên bản chữ Hán cuốn “Nhật kí trong tù” để dịch sang tiếng Séc. Ông chia sẻ rằng: “Càng đọc tôi càng ấn tượng về những câu thơ mang đậm triết lí phương Đông của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi dịch xong tôi đã tổ chức một số buổi đọc thơ “Nhật kí trong tù” tại quảng trưởng thủ đô và người dân Tiệp Khắc lúc bấy giờ khi nghe xong đều reo hò và phấn khích”.
Ngoài những công trình dịch thuật các tác phẩm văn chương Việt Nam, GS Ivo Vasiliev còn tham gia trực tiếp công trình khai quật nghiên cứu tàu đắm cổ tại vùng biển Cù lao Chàm, cộng tác với làng nghề Một thoáng Việt Nam ở Củ Chi.
GS Ivo Vasiliev còn cho biết, hiện tại ông đang tham gia vào dự án quốc tế với sự hợp tác của 9 trường đại học ở châu Âu để nghiên cứu về tình hình đa ngữ ở châu Âu, trong đó có tập trung nghiên cứu tình hình đa ngữ trong cộng đồng người Việt Nam ở Séc. Ngoài ra, ông còn thực hiện Dự án “Nâng cao vị thế của cộng đồng người Việt Nam tại Séc” với nội dung kêu gọi các gia đình người Việt tại Cộng hòa Séc cố gắng dạy dỗ con em mình giữ gìn tiếng mẹ đẻ bên cạnh việc học tiếng Séc. Bởi theo ông, việc xây dựng và phát triển đội ngũ thanh thiếu niên trẻ người Việt tại Séc biết cả 2 thứ tiếng sẽ giúp chính các em có khả năng học ngoại ngữ khác cao hơn và điều này cũng rất có ích trong việc phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc.
GS Ivo Vasiliev nhận Giải thưởng nhà Việt Nam học năm 2010 tại Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu)

GS Ivo Vasiliev (ngoài cùng bên trái) tại Lễ trao giải văn hoá Phan Châu Trinh 2010. (Ảnh: Tư liệu)
|
Lần này, ông quay trở lại Việt Nam để tham dự Hội thảo về Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ông chia sẻ rằng: “Thực tế tôi đã tìm hiểu và viết rất nhiều bài về vua Trần Nhân Tông đăng trên các tạp chí về văn hóa phương Đông tại Cộng hòa Séc. Điều khiến tôi quan tâm đến Phật giáo ở Việt Nam chính là mối quan hệ giữa hạnh phúc cá nhân và vai trò của Phật giáo trong lịch sử cũng như đời sống của người Việt Nam. Và tôi cho rằng đây là việc sẽ không chỉ đem lại nhiều điều bổ ích cho riêng người Việt Nam mà còn rất có giá trị đối với người nước ngoài”.
Với những đóng góp của mình trong lĩnh vực nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, dịch thuật, quảng bá văn hóa Việt Nam trong cộng đồng người Séc cũng như góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Cộng hòa Séc, GS Ivo Vasiliev đã được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao tặng Giải thưởng nhà Việt Nam học năm 2010./.
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Trần Thanh Giang & Tư liệu
Bài viết: Ngân Hà - Ảnh: Thanh Giang & Tư liệu