Thể thao

Đức Nam nhị khúc côn

Trên thế giới có rất nhiều võ phái khác nhau, ngay ở Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên, những võ phái chuyên riêng về binh khí xem ra khá ít, nếu không nói là đếm trên đầu ngón tay như Kendo chuyên về kiếm tre của Nhật Bản, Arnis chuyên về võ gậy của Philippines. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của võ phái Đức Nam nhị khúc côn ở Việt Nam, một võ phái chuyên biệt về các loại côn nhị khúc, được xem như một bước phát triển mới của làng võ Việt.
 
Võ thuật là nghệ thuật chiến đấu bậc cao của con người dựa trên kĩ thuật và cả nghệ thuật sử dụng tay chân và các loại binh khí. Thông thường, các võ phái trên thế giới luôn có hệ thống bài bản huấn luyện bao gồm cả các đòn tay, chân và cách sử dụng các loại vũ khí. Ví dụ như Thiếu Lâm Tự của Trung Quốc ngoài các bài quyền tay chân còn có các bài quyền về binh khí như côn, đao, kiếm, kích… Tương tự như vậy, võ cổ truyền của Việt Nam cũng có đủ “thập bát ban võ nghệ”. Vì thế, người ta ít thấy có một môn phái hay võ phái nào chỉ dạy riêng một hoặc một vài, hoặc thậm chí đủ các loại binh khí, ngoại trừ một số ít môn phái như Kendo của Nhật Bản và Arnis của Philippines.

Võ sư Lâm Giang (áo vest đứng giữa) cùng với ban huấn luyện và các môn sinh của võ phái Đức Nam nhị khúc côn. 
 
Các môn sinh cấp hoàng đai (đai vàng) của võ phái Đức Nam nhị khúc côn.
 
Lễ rước cờ tại Đại hội võ thuật Đức Nam nhị khúc côn lần thứ nhất năm 2018. 
 
Đoàn vận động viên Đức Nam nhị khúc côn tỉnh Quảng Ngãi tham dự
Đại hội võ thuật Đức Nam nhị khúc côn lần thứ nhất năm 2018.

 
Võ sư Hoàng Ngọc Hùng, Trưởng Ban điều hành võ phái Đức Nam nhị khúc côn tặng hoa
cho các vận động viên tham gia thi đấu tại Đại hội.

 
Đức Nam nhị khúc côn có luật thi đấu đối kháng khá hiện đại với cách tính điểm gần giống với các môn võ
có trong hệ thống thi đấu Olympic như Karate, Taekwondo. 

Tại Việt Nam, cách đây đúng 5 năm, một võ phái Việt Nam được hình thành, vừa đánh dấu lịch sử nói chung của các võ phái chuyên về võ khí, vừa đánh dấu sự ra đời một võ phái do người Việt Nam sáng lập - chuyên dùng cây côn nhị khúc với các kiểu dáng khác nhau – đó là võ phái Đức Nam nhị khúc côn. Hay nói cách khác, Đức Nam nhị khúc côn là võ phái đầu tiên của Việt Nam, và cũng có thể là thứ ba trên thế giới, chuyên riêng về một loại võ khí, đó là côn nhị khúc.
 
Người sáng lập ra võ phái này là võ sư Lâm Giang, anh vốn là cử nhân thể dục thể thao chuyên ngành Karatedo, huấn luyện viên cao cấp môn phái Vovinam và hiện là Trưởng Phòng Công tác sinh viên trường Đại học FPT Đà Nẵng. 
 
Về cơ bản, Đức Nam nhị khúc côn là võ phái có tính kế thừa và phát huy cao. Kĩ thuật đòn thế của võ phái này cơ bản dựa trên kĩ thuật của côn nhị khúc có trong các môn phái như Karatedo, Taekwondo, võ cổ truyền Việt Nam và võ gậy của Philippines… sau đó phát triển lên một mức cao hơn với đầy đủ hệ thống các bài tập từ thấp đến cao, từ đơn luyện, song luyện cho đến đa luyện… Năm 2016, chương trình huấn luyện nhị khúc côn của võ sư Lâm Giang biên soạn đã được Cục Bản quyền Tác giả của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận bản quyền. Đây có thể xem là một dấu ấn mới đáng khích lệ trong làng võ Việt Nam.
 
Theo Võ sư Hoàng Ngọc Hùng, Trưởng Ban điều hành võ phái thì tên võ phái Đức Nam nhị khúc côn ngoài cụm từ ”nhị khúc côn” định danh loại võ khí chuyên dùng, có chữ “Đức” thể hiện sự tập chú của môn sinh về rèn đức và chữ “Nam” là trời Nam, là nước Việt Nam.
 
Côn nhị khúc ở võ phái Đức Nam không chỉ có 1 kiểu côn ngắn như người ta thường thấy diễn viên Lý Tiểu Long biểu diễn trên phim ảnh mà còn thêm kiểu nhị khúc dài hơn; đặc biệt, có thêm 1 kiểu nhị khúc cổ truyền nước Việt đã được Bộ Binh triều Nguyễn đưa vào danh mục binh khí với tên gọi là Thiết lĩnh, hay còn gọi là Mẫu tử côn, Trường sao tử.
 
Việc đưa cây Thiết lĩnh cổ truyền vào chương trình đào tạo cao cấp của võ phái không chỉ để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa chiến đấu của người Việt xưa mà hơn nữa võ phái đã phát triển kĩ thuật của cây Thiết lĩnh này thành cây Đoản thiết lĩnh ngắn gọn hơn, nhưng uy lực hơn. Và từ các kiểu dáng côn nhị khúc cơ bản trên, võ phái Đức Nam đã nghiên cứu phát triển thành nhiều loại côn khác nhau với lối đánh khác nhau, làm phong phú thêm cho “gia đình” côn nhị khúc Việt Nam.
 
Côn nhị khúc là một loại binh khí cực kì nguy hiểm, có tính sát thương rất lớn. Vì vậy, trong khung chương trình huấn luyện được thiết kết công phu, bài bản, hiện đại mang tính sư phạm cao, võ phái Đức Nam đặc biệt coi trọng đến yếu tố “Võ Đức” để rèn luyện, giáo dục các võ sinh của mình.

Để đảm bảo tính an toàn khi thi đấu, vận động viên được trang bị mũ bảo hiểm
cùng với côn nhị khúc được làm bằng xốp cứng ít gây chấn thương.

 
Kĩ thuật tấn công và phòng thủ của Đức Nam nhị khúc côn rất dũng mãnh và linh hoạt. 

Một trận thi đấu gồm 3 hiệp, mỗi hiệp kéo đai 3 phút, giữa mỗi hiệp có nghỉ giải lao 1 phút.
 
Võ sĩ đội mũ đỏ choáng váng bật ngửa ra sau vì dính đòn hiểm của đối phương.
 
Một cú đánh vắt hông điển hình của kĩ thuật đánh côn nhị khúc. 
 
Côn nhị khúc vừa có thể dùng để tấn công (VĐV mũ xanh) 
đồng thời vừa có thể sử dụng để phòng thủ (VĐV mũ đỏ). 

Theo đó, võ phái Đức Nam nhị khúc côn nêu rõ, môn võ Đức Nam nhị khúc côn là sản phẩm văn hoá truyền thống của nhân loại, do người Việt sáng lậpnhằm góp phần dưỡng nhân tính, rèn nhân cách, tu nhân đức để tự thắng. Đức Nam nhị khúc côn không chỉ là loại hình vận động thể dục thể thao giản đơn mà còn là văn hoá võ đức thượng tôn võ đạo, trọng pháp luật, tôn sư trọng đạo. Đường lối phát triển của võ phái trước tiên coi trọng võ đức, hiểu công lí, coi trọng học vấn. Vì thế, để nhận đẳng hiệu võ sư Đức Nam nhị khúc côn, môn sinh phải tốt nghiệp đại học và phải bảo vệ thành công luận án võ học về côn nhị khúc trước hội đồng võ sư của võ phái.
 
Có thể nói, đây là một yêu cầu rất mới đối với người luyện võ ở Việt Nam, và có lẽ với cả nhiều võ phái khác trên thế giới, đó là để được phong cấp võ sư người luyện võ bắt buộc phải có trình độ đại học. Điều cho thấy Đức Nam nhị khúc côn rất coi trọng trình độ học vấn của người luyện võ. Bởi như võ sư Lâm Giang cho biết, trong thời đại ngày nay, khi mà khoa học và trí tuệ đang quyết định đến sự phát triển của nhân loại thì võ thuật không thể tách rời với trình độ học vấn, có học vấn mới có thể tiếp thu và lĩnh hội được chân giá trị của võ thuật chân chính.
 
Sau 5 năm hình thành và phát triển, đến nay võ phái Đức Nam nhị khúc côn đã quy tụ được khoảng hơn 3.000 môn sinh, phát triển được 24 võ đường tại 8 tỉnh thành ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, bước đầu đã có chỗ đứng trong làng võ Việt và bắt đầu tìm hướng hợp tác phát triển ra thế giới. Theo võ sư Lâm Giang, nếu không có gì thay đổi, năm 2019 võ phái sẽ lần đầu tiên “đem chuông đi đấm xứ người” bằng việc cử đoàn vận động viên sang giao lưu, biểu diễn và quảng bá, giới thiệu tại Myanmar. Hi vọng rằng, với nỗ lực và tính độc đáo riêng có của mình, Đức Nam nhị khúc côn sẽ có bước phát triển nhanh, mạnh, góp phần làm phong phú và rạng danh thêm cho kho tàng võ học đồ sộ của Việt Nam./.

Bài và ảnh: Thanh Hoà

Mãn nhãn Giải vô địch thế giới mô tô nước UIM-ABP Aquabike World Championship

Mãn nhãn Giải vô địch thế giới mô tô nước UIM-ABP Aquabike World Championship

Sau 2 ngày tranh tài diễn ra đầy kịch tính, Giải đua mô tô nước thế giới 2024 (UIM-ABP Aquabike World Championship) – chặng đua Grand Prix of Binh Dinh, đã lựa chọn được những gương mặt vận động viên xuất sắc nhất để vinh danh tại đầm Thị Nại (tp.Quy Nhơn, Bình Định).

Top