Nghệ thuật

Độc đáo tranh giấy cuộn

Gần đây giới chơi tranh Hà Thành thích sưu tầm tranh giấy cuộn bởi những tác phẩm này mang đến nhiều cảm xúc mới lạ, độc đáo và đồng thời cũng thể hiện sự khéo léo của người họa sỹ trên những chất liệu lạ, đề tài mang đậm tính truyền thống của Việt Nam.

Theo sự giới thiệu của một chủ Gallery trên phố Hàng Bông, chúng tôi tìm về thôn Khúc Thủy, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội) để gặp gặp ông Đặng Hữu Tiến, người rất nổi tiếng trong giới nghệ sĩ làm tranh giấy cuộn của đất Hà Thành.

Ông Tiến trạc tuổi ngoài 60, thoạt nhìn chẳng có dáng dấp hay phong thái và chất “nghệ” như giới hội họa vẫn hay tô điểm. Ông chân chất như nông dân, hay nói đúng hơn, qua cách trò chuyện, chúng tôi hình dung, ông như một người thủ từ luôn sống hòa trong vẻ cổ kính của vùng quê Khúc Thủy nhiều đình, lắm chùa đậm chất nông thôn Bắc Bộ.

Ông bảo, làng Khúc Thủy quê ông không có nghề vẽ tranh, cả lảng cũng chăng có ai là họa sỹ cả. Từ bao đời nay, quê ông chỉ có nghề truyền thống là làm đèn kéo quân, đèn ông sao, làm vàng mã, làm thiếp mời phục vụ chốn kinh kỳ xưa. Bản thân ông cũng được bố dạy lại nghề làm thiếp mời để mưu sinh. Nhưng từ khi tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, ông bắt đầu mày mò sáng tạo thêm cái nghề truyền thống của gia đình bằng cách thử nghiệm làm thiếp mời bằng các loại vật liệu tự nhiên như hoa lá, cây cỏ, thay vì giấy bồi và mực màu như trước đây.

Vào những năm cuối thế kỷ XX, những tấm thiếp được trang trí bằng hoa, cỏ tự nhiên của ông rất được khách hàng ưa chuộng và trở thành một trào lưu trong giới học sinh, sinh viên Hà Nội. Nhưng rồi, trào lưu ấy cũng qua đi, ông lại phải tìm tòi để làm mới nghề của mình. Trong một lần quan sát cậu con trai của mình cắt dán những tờ giấy màu để làm bài tập thủ công, ông phát hiện ra rằng, những mẫu giấy màu nếu biết sắp xếp, dàn dựng thì nó cũng đủ để thể hiện một ý đồ nghề thuật. Từ ý tưởng đó, ông lại mày mò mua giấy màu, đi đặt khung giấy và bắt đầu sáng tạo nên những bức tranh giấy cuộn đầu tiên. Và nghệ thuật làm tranh giấy cuộn cũng bắt đầu ra đời từ đó. Và tính cho đến nay, ông Tiến cũng đã có thâm niên khoảng 13 năm trong nghề làm tranh giấy cuộn.
 

Ông Đặng Hữu Tiến, chủ cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Việt Tâm
đang hoàn thiện bức tranh giấy cuộn Chùa Một Cột.

Giấy màu được cắt thành từng sợi nhỏ.

Những sợi giấy màu được cuộn tròn...

...và ghép phối màu với nhau để tạo nên
đường nét, mảng miếng của bức tranh.

Bức tranh giấy cuộn Chùa Một Cột
trong quá trình hoàn thiện.

Tranh giấy cuộn được làm hoàn toàn thủ công bằng đôi bàn tay tài hoa của người thợ.

Tìm hiểu về kỹ thuật làm tranh giấy cuộn của ông Tiến, chúng tôi mới biết rằng, để làm nên một bức tranh giấy cuộn thì thời gian và công phu của người họa sỹ chẳng kém gì những bức tranh được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu hay sơn mài. Từ khâu cắt giấy, cuộn giấy, thiết kế mẫu tranh, trên khung, dán giấy cuộn vào khung… cũng mất cả tháng để hoàn thành.

Có lẽ vùng quê Khúc Thủy đậm chất nông thôn nên những đề tài trong tranh giấy cuộn của ông Tiến cũng mang hơi hướng làng quê với những chủ đề như: đền chùa, sinh hoạt làng quê, phong cảnh làng quê và hoa lá, cây cỏ tự nhiên…

Đến bây giờ, tranh giấy cuộn của ông Tiến đã được bày bán ở nhiều cửa hàng tranh ở Hà Nội và được cả những người sành sưu tầm tranh ở Tp. Hồ Chí Minh đặt hàng, nhưng kỷ niệm về nghề vui nhất, để lại cho ông động lực để tiếp tục sáng tác là vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội có rất nhiều đoàn khách nước ngoài tìm đến tận nhà ông để mua tranh. Trong các đoàn khách đó, có một ông họa sỹ người Nhật Bản đã nhờ phiên dịch nói lại với ông rằng: “Nhìn tranh giấy cuộn, tôi có thể hình dung được Việt Nam là đất nước của những con người sáng tạo, cần cù và rất bản sắc”.
 

Tranh con cá.


Tranh con cú mèo.


Tranh con gà.


Tranh đôi chim phượng.


Tranh hoa.


Tranh phố cổ Hà Nội.


Tranh chú bé chăn trâu.


Tranh bịt mắt bắt dê.


Tranh mẹ con nhà lợn.


Tranh hái đào.
 
Bài: Thông Thiện - Ảnh: Trần Thanh Giang

Bài: Thông Thiện - Ảnh: Trần Thanh Giang

Những trang sử bằng hình sắc – Hòa quyện nghệ thuật và ký ức lịch sử

“Những trang sử bằng hình sắc” – Hòa quyện nghệ thuật và ký ức lịch sử

Sáng 19/12/2024 tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, Hà Nội), triển lãm nghệ thuật “Những trang sử bằng hình sắc” chính thức khai mạc thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật và những người muốn tìm lại ký ức lịch sử hào hùng.

Top