Phóng sự chuyên đề

Diện mạo mới của “Hòn ngọc Viễn Đông”

Theo dự báo, đến năm 2020, dân số Tp. Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất của Việt Nam, sẽ vượt con số hơn 10 triệu người. Vì thế, Tp. Hồ Chí Minh đang có bước phát triển mạnh mẽ, vươn lên xứng danh là “Hòn ngọc Viễn Ðông” và để trở thành một “siêu đô thị” tầm cỡ thế giới.
Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cũng như nhiều thành phố khác trên cả nước, Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh phải bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết, khôi phục, xây dựng lại Thành phố.

Đến những năm 80 của thế kỉ trước, khi cả nước bước vào thời kì Đổi mới, Tp. Hồ Chí Minh trở thành “miền đất hứa” của người nhập cư từ khắp mọi miền đất nước đổ về làm ăn sinh sống. Điều này đã tạo nên những sức ép không hề nhỏ cho Thành phố về mặt quy hoạch đô thị. Cũng từ đây, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh bắt đầu có ý tưởng về việc phải quy hoạch lại Thành phố sao cho có thể vừa đáp ứng được với tình trạng dân số tăng nhanh, vừa đảm bảo được mục tiêu phát triển văn minh, hiện đại.



Việc cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông cùng hàng loạt công trình mang dấu ấn lịch sử như Khu đô thị mới Thủ Thiêm,
đại lộ Võ Văn Kiệt, đại lộ Nguyễn Văn Linh... đã góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thông Hải


Phối cảnh không gian quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh.



Đại lộ Nguyễn Văn Linh, công trình đánh dấu một bước phát triển mang tính đột phá
của vùng đất phía Nam Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Kim Phương

Tp. Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất của Việt Nam, là đầu tàu kinh tế của cả nước. Dù chỉ chiếm khoảng trên 10% dân số và 0,6% diện tích, nhưng Tp. Hồ Chí Minh đã tạo ra khoảng 23% GDP, 30% số thu ngân sách, thu hút 20% nguồn vốn FDI của cả nước, và đây cũng là nơi tập trung gần 40% tổng số cán bộ khoa học của cả nước.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng ra đời chính là sự khởi đầu cho ý tưởng mang tính đột phá này. Từ một vùng đầm lầy hoang vu ở phía Nam thành phố, một khu đô thị đẳng cấp quốc tế mang tên Phú Mỹ Hưng được hình thành. Khu đô thị mới đầu tiên này của Tp. Hồ Chí Minh đã chứng minh được giá trị của mình khi giành nhiều giải thưởng quốc tế danh giá, điển hình như giải thưởng "Khu đô thị có quy hoạch tổng thể xuất sắc nhất khu vực Châu Á" do Viện Kiến trúc Hoa Kỳ bình chọn vào năm 1997.

Có thể nói, mọi tiện ích sinh hoạt trong “Khu đô thị kiểu mẫu” này được đánh giá là hoàn hảo. Chia sẻ về cuộc sống ở đây, bà Vũ Minh Tuyết (70 tuổi), cư dân sống ở khu Nam Thông 3 của Khu đô thị cho biết: “Trước đây tôi sống ở Hà Nội, từ khi chuyển vào Phú Mỹ Hưng sinh sống tôi thực sự rất hài lòng. Cư dân ở đây sống văn minh, nền nếp. Đường sá thì thênh thang, công viên bốn mùa xanh mát, khí hậu trong lành nên ai cũng thích”.

Không chỉ dành cho cư dân trong Khu đô thị, Phú Mỹ Hưng còn là điểm thu hút người dân và du khách bên ngoài đến tham quan, tận hưởng không gian vui chơi thoáng đãng, văn minh, hiện đại. Vào mỗi dịp lễ tết, Phú Mỹ Hưng thường tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn để phục vụ cư dân Khu đô thị và du khách như: hội chợ hoa xuân, ngày hội quốc tế thiếu nhi, đêm hội Trung thu...

Hiện tại, Phú Mỹ Hưng thu hút được gần 30.000 người đến an cư, trong đó có khoảng 43% là người nước ngoài. Chính sự góp mặt đông đảo của cộng đồng người nước ngoài đã hình thành nên nét văn hóa rất riêng của khu đô thị này.



Khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xây dựng trên cơ sở quy hoạch mở rộng Tp. Hồ Chí Minh về phía Nam,
tiến ra Biển Đông, theo xu hướng phát triển đô thị hướng ra biển mà nhiều quốc gia đang làm. Ảnh: Kim Phương


Những biệt thự sang trọng ở Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Kim Phương






Sự phát triển của các Khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm đã góp phần giúp cho người dân Tp. Hồ Chí Minh 
có được không gian và môi trường sống thoáng đãng, văn minh và hiện đại. Ảnh: Kim Phương


Khu đô thị Harbor City của Tập đoàn Novaland, ở Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh Ảnh: Kim Phương


Khu đô thị Sala nằm trong vùng lõi xanh của Khu đô thị mới Thủ Thiêm với bầu không khí trong lành
mang đặc trưng sinh thái tự nhiên của vùng châu thổ phía Nam. Ảnh: Kim Phương




Các khu đô thị mới với thiết kế hiện đại, tiện nghi sang trọng
đang có sức hấp dẫn rất lớn đối với người dân Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Kim Phương




Các khu đô thị mới ra đời đã đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của người dân
như: mua sắm, tiêu dùng và vui chơi giải trí. Ảnh: Kim Phương

Sự thành công của Phú Mỹ Hưng đã tạo cú huých về sự thay đổi trong tư duy chiến lược quy hoạch đô thị của chính quyền Tp. Hồ Chí Minh, để rồi sau đó hàng loạt công trình mang dấu ấn lịch sử đã ra đời như: Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm), đại lộ Võ Văn Kiệt, đại lộ Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, tòa tháp Bitexco... và hiện nay là các tuyến metro đang trong quá trình xây dựng.

Tp. Hồ Chí Minh hiện có 11 dự án khu đô thị mới quy mô từ 200ha trở lên và 44 dự án khu dân cư, khu đô thị mới có quy mô nhỏ hơn 200ha, với tổng dện tích đất khoảng 23.370ha.
Nằm ngay trung tâm Quận 1 là tòa nhà 65 tầng Bitexco với kiến trúc độc đáo mang hình búp sen, biểu tượng mới của một Tp. Hồ Chí Minh năng động và hiện đại. Đứng trên tầng cao nhất của tòa nhà này, chúng ta sẽ có được cái nhìn bao quát về một không gian đô thị năng động và hiện đại đang hiện hữu bên sông Sài Gòn.

Sau bao biến thiên của thời gian và lịch sử, vùng nội đô Thành phố nay vẫn còn đó những công trình kiến trúc cổ kính như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm, Chợ Bến Thành, Dinh Thống Nhất, và cả những con đường rợp bóng cây xanh với những hàng cây có tuổi đời hàng trăm năm tuổi... song song cùng tồn tại bên những tòa cao ốc mới.

Nếu như Phú Mỹ Hưng được đánh giá là công trình mang tính lịch sử trong thời kì đầu phát triển của Thành phố, thì Khu đô thị mới Thủ Thiêm là công trình trọng điểm của những năm đầu thế kỉ 21.

Hình ảnh bán đảo Thủ Thiêm xưa với những 
khu xóm nghèo, nhà mái lá lụp xụp nằm xen giữa các khóm dừa nước um tùm nay đã trở thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện đại, được nối sang khu vực trung tâm Thành phố bằng tuyến đường hầm ngầm vượt sông Sài Gòn hiện đại nhất Đông Nam Á. Trong tương lai không xa, đây sẽ là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp mang tầm quốc tế, với thiết kế đảm bảo cho khoảng hơn 300 nghìn người sinh sống và làm việc thường xuyên, và có thể đón hơn 1 triệu người vào các dịp lễ hội. Khu đô thị Thủ Thiêm được kì vọng sẽ là khu đô thị đẹp nhất Đông Nam Á với cảnh quan trên bến dưới thuyền.


Trụ sở UBND Tp. Hồ Chí Minh, một công trình kiến trúc có từ thời Pháp,
vẫn được gìn giữ để phát huy những giá trị kiến trúc, lịch sử trên nền tảng quy hoạch đô thị mới. Ảnh: Thông Hải


Nhà thờ Đức Bà, công trình kiến trúc tiêu biểu của Tp. Hồ Chí Minh được khởi công vào năm 1877 và hoàn thành
vào năm 1880, một địa điểm tham quan hấp dẫn không thể bỏ qua đối với du khách khi đến với Thành phố này.
Ảnh: Kim Phương


Bưu điện Trung tâm Tp. Hồ Chí Minh, một công trình kiến trúc cổ nổi tiếng có từ thời Pháp của Tp. Hồ Chí Minh.
Ảnh: Nguyễn Luân


Cùng với việc phát triển các khu đô thị mới, Tp. Hồ Chí Minh cũng chú trọng việc bảo tồn các công trình kiến trúc cổ
có giá trị văn hóa - lịch sử . Trong ảnh: Tòa biệt thự cổ số 110 – 112 Võ Văn Tần, Quận, Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thông Hải


Hầm ngầm vượt sông Sài Gòn, công trình giao thông hiện đại nhất Đông Nam Á, kết nối trung tâm Tp. Hồ Chí Minh 
với Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Thu Ba


Cầu Phú Mỹ kết nối từ Quận 2 Qang quận 7 của Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Kim Phương


Hệ thống giao thông đô thị hiện đại, đồng bộ kết nối giữa Quận 1 và Quận 4 của Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Kim Phương


Tòa tháp Bitexco hiện là cao ốc cao nhất Tp. Hồ Chí Minh với kiến trúc có hình dáng búp sen cách điệu,
được xem là biểu tượng hiện đại của đô thị Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Kim Phương


Tp. Hồ Chí Minh ngày càng có nhiều trung tâm thương mại hiện đại, đẳng cấp quốc tế. Ảnh: Kim Phương


Phố đi bộ Nguyễn Huệ, một khu vui chơi giải trí công cộng hiện đại ngay giữa trung tâm Thành phố. Ảnh: Thông Hải


Tp. Hồ Chí Minh luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách nước ngoài. Ảnh: Kim Phương

Cùng với chiến lược quy hoạch phát triển đô thị, từ nhiều năm nay chính quyền Tp. Hồ Chí Minh cũng tập trung mọi nguồn lực nhằm đảm môi trường sống an lành cũng như các vấn đề an sinh xã hội cho người dân. Chính quyền Thành phố  luôn khuyến khích tối đa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phát triển mạnh sản xuất kinh doanh để tạo nhiều việc làm, hỗ trợ người dân có việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo; nâng cao chất lượng hệ thống bảo hiểm; gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường… hướng tới mục tiêu: “Tp. Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” xứng danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”./.



Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nếu dân số tăng trung bình 3,9%/năm như trong giai đoạn 2000-2010, dự kiến đến năm 2020 dân số Tp. Hồ Chí Minh sẽ hơn 10 triệu người, chưa kể số người nhập cư. Vì thế, Tp. Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2020 diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 20m2/người, và đến năm 2025 đạt 22,4 m2/người.

Bài: Nguyễn Vũ Thành Ðạt 
Ảnh: Ðặng Kim Phương, Thông Hải, Thu Ba và Nguyễn Luân


Top