Khám phá

Dấu ấn Việt Nam qua "Nét cũ dấu xưa"

Hơn 130 cổ vật mang đậm dấu ấn lịch sử - văn hóa Việt Nam được giới thiệu đến công chúng trong triển lãm chuyên đề "Nét cũ dấu xưa" do Hội Cổ vật Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh thực hiện. Đây là hoạt động đánh dấu mốc kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Cổ vật Tp. Hồ Chí Minh.
Phần lớn những hiện vật trong “Nét cũ dấu xưa” thuộc sở hữu của các nhà sưu tập tư nhân, được chia thành nhiều chủ đề khác nhau, gồm: vũ khí, đồ dùng uống trà, ấn chương (con dấu), pháp lam (đồng tráng men), gốm Cây Mai, gốm Lái Thiêu.... Tại triển lãm, ngoài các hiện vật có xuất xứ chủ yếu từ Việt Nam, còn có sự đóng góp của các đồ vật do Trung Quốc và Nhật Bản chế tác.
    
Hiện vật trưng bày tại triển lãm có rất nhiều loại vũ khí cổ đa dạng về loại hình, kiểu dáng, chất liệu, trong đó đáng chú ý là chiếc qua (thông dụng trong chiến tranh thời cổ với các công dụng lợi hại: đâm, móc, bổ, chém, quét, lia) và kris (một loại đoản kiếm hộ thân, ngoài làm khí giới còn mang ý nghĩa tâm linh mang lại sự may mắn, sức mạnh và quyền lực). Ngoài ra, nhóm cổ vật kim khí còn có bộ sưu tập mũi giáo, qua đồng có niên đại từ 2000 năm đến 2500 năm, được xác định thuộc văn hóa Đồng Nai là những hiện vật quý hiếm chứa đựng thông tin khảo cổ rất giá trị.
    


Đông đảo du khách đến tham quan triển lãm
trong chuyên đề “Nét cũ dấu xưa” tại bảo tàng Lịch sử TP.HCM.


Du khách thích thú chụp ảnh một số hiện vật trưng bày tại bảo tàng.


Một góc triển lãm chuyên đề “Nét cũ dấu xưa” tại bảo tàng Lịch sử TP.HCM (số 02 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM).

Bên cạnh đó, bộ sưu tập các ấn chương (con dấu) từ thế kỷ 14 – 19 được giới thiệu tại triển lãm là những đồ vật đặc biệt, được xem là một phát minh của con người nhằm xác định tính trung thực, tính quyền lực, tính sở hữu và niên đại của những văn bản.
    
Các vật dụng làm từ chất liệu gốm được trưng bày khá nhiều tại triển lãm, gồm có: liễn, bát, chậu gốm hoa nâu (thế kỷ 13 - 14), nổi bật là dòng gốm men xanh trắng của Việt Nam niên đại thế kỷ 15 có hai chiếc bình, ấm Tỳ bà và chiếc ấm hình con voi..., đều là những món cổ vật lạ. Các loại kendy (loại bình có dáng bầu tròn, cổ thẳng, cao, ở phần vòi có hình dạng bầu vú) được sản xuất nhiều ở thế kỷ 15. Đặt ở vị trí trung tâm trong không gian triển lãm của chuyên đề “Nét cũ dấu xưa” là bộ sưu tập gốm Cây Mai với các sản phẩm gốm thờ cúng và gốm trang trí.
    
Gốm Lái Thiêu của Việt Nam được đặt cạnh gốm men xanh trắng Trung Quốc như một sự so sánh về kỹ thuật chế tác và nét hoa văn đặc trưng trong các dòng gốm.
    
Các đồ vật này được dùng khi thưởng thức rượu, trà, ăn trầu và sinh hoạt thường nhật của người Việt xưa, gắn liền với những nét đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước, tạo ra sự đặc sắc của văn hóa phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng.



Bộ tượng Phúc – Lộc – Thọ chất liệu gốm men xanh trắng thế kỷ 19,
xuất xứ Việt Nam của nhà sưu tập Nguyễn Đông Nhựt.


Qua – một vũ khí bằng đồng khá độc đáo có cấu tạo hình dáng đặc biệt, có thể đâm, bổ móc, chém, quét, lia.


Bộ sưu tập các mũi giáo, loại vũ khí bằng kim loại được giới thiệu tại triển lãm.


Bộ đồ rượu gốm men xuất xứ Việt Nam thuộc giai đoạn thế kỷ 1 – 3.


Kendy – gốm men xanh trắng xuất xứ Việt Nam có niên đại vào thế kỷ 15.


Bộ sưu tập ấn chương (con dấu) từ thế kỷ 14 - 19 là một phát minh của con người
nhằm xác định tính trung thực, tính quyền lực, tính sở hữu và niên đại của những văn bản.


Pho tượng Di Đà tam tôn có xuất xứ từ Nhật Bản làm bằng gỗ (thế kỷ 19) vô cùng độc đáo.


Nhiều hiện vật có hình dáng và chất liệu độc đáo được các nhà sưu tập giới thiệu trong dịp triển lãm lần này.


Bình vôi tráng men xanh, xuất xứ Việt Nam.


Chậu đồng tráng men Việt Nam niên đại thế kỷ 19.


Đĩa pháp lam xuất xứ Việt Nam thuộc thế kỷ 19.


Ly tách pháp lam Việt Nam thuộc thế kỷ 19 có cách thiết kế đẹp và sang trọng.


Bộ đĩa gốm men xanh trắng của Việt Nam có niên đại vào thế kỷ 15.


Chiếc lư đồng cách điệu hình quả lựu (bên trái) hay lư đồng có hình song long (phải)
có niên đại đầu thế kỷ 20 được liệt vào hàng độc, lạ mắt.


Khu vực trưng bày các loại chum, chóe Việt Nam làm bằng gốm men xanh trắng thuộc thế kỷ 15.


Chậu có nắp làm từ gốm Hoa Nâu có từ thế kỷ 13 – 14, xuất xứ Việt Nam.


Bộ sưu tập đĩa pháp lam của Việt Nam thế kỷ 19.


Bộ sưu tập gốm sứ vật dụng trong nhà (ấm, chén, bình, ly tách…) 
như một thú chơi tao nhã của người xưa dùng khi uống rượu, trà, ăn trầu...


Bộ sưu tập các bình gốm Lái Thiêu với đặc trưng nước men bóng và màu sắc đa dạng.
    
“Các hiện vật tại triển lãm mang đến cái nhìn hoài cổ, minh chứng cho những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, góp phần thu hút đông đảo người yêu cổ vật tìm đến bảo tàng tham quan, giao lưu, học hỏi” - Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Chủ tịch Hội Cổ vật TP.HCM chia sẻ./.

 
Bài và ảnh: Sơn Nghĩa

Độc đáo Lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng

Độc đáo Lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng

Nằm tại phía Bắc Việt Nam, Cao Bằng tự hào là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Trong số đó, Lễ hội Nàng Hai ở xã Tiên Thành, Cao Bằng là một điểm sáng nổi bật vì nó mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Tày. Lễ hội diễn ra nhằm thể hiện lòng biết ơn, tôn kính với thiên nhiên và cầu mong cầu cho mùa màng bội thu.

Top