Khám phá

Dấu ấn Mùa thu Tháng Tám qua những hiện vật lịch sử

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam gắn liền với Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 luôn mang lại nhiều cảm xúc đối với mỗi người dân Việt Nam dù ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2020), 150 tài liệu, hiện vật, hình ảnh mang dấu ấn mùa thu Cách mạng Tháng Tám có giá trị lịch sử liên quan đến hai chủ đề “Sức mạnh dân tộc” và “Ngày Độc lập 2/9” lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Du khách đến với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam những ngày này đã cảm nhận được không khí hào hùng và náo nức của người dân Việt Nam kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9.

Công chúng có dịp khám phá kho tư liệu quý giá về những ngày toàn dân kháng chiến dành độc lập giải phóng dân tộc. Những tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu được trưng bày ở đây gồm có các nghị quyết, chỉ thị, những sưu tập báo chí, truyền đơn, vũ khí, cờ, hình ảnh người dân trong ngày độc lập… đã mang đến một cái nhìn tổng thể để thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về lịch sử đấu tranh dành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt nhất phải kể đến những hình ảnh, tài liệu, hiện vật về: Lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình với Quốc kỳ, Quốc ca, Hiến pháp, sưu tập tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (hay còn gọi là giấy bạc Cụ Hồ), tem thư… vẫn như còn nguyên vẹn màu mực đen, màu cờ đỏ Sao vàng.



Chuyên đề "Ngày Độc lập 2/9" được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.


Một góc trưng bày chuyên đề "Ngày Độc lập 2/9"  tại phòng trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.


Người xem trong ngày khai mạc chuyên đề tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội từ nay đến hết tháng 12/2020.


Micro Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn 
Độc lập.


Bộ quần áo kaki Bác Hồ mặc trong các sự kiện quan trọng sau Cách mạng Tháng Tám 1945.


Sổ ghi chép công việc hàng ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 2/9/1945 đến ngày 17/10/1945.


Bộ sưu tập cờ Tổ quốc các địa phương dùng trong Tổng khởi nghĩa năm 1945.


Nghị quyết của Quốc dân Đại hội Tân Trào thể hiện sự đoàn kết nhất trí của toàn thể dân tộc ta trong giờ phút quyết định trước ngày giành độc lập.


Chỉ kim tuyến phụ nữ Hà Nội dùng thêu cờ đỏ sao vàng chuẩn bị cho ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.


Chiếc kèn đồng ông Bùi Thanh Thử - mục sư Hội giáo Tin lành - dùng tham gia giành chính quyền ở Sơn Tây - Hà Nội tháng 8-1945.


Bản gốc báo Việt Nam Độc lập số 228 ra ngày 20/9/1945 đăng danh sách các thành viên Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Họa bản báo Việt Nam Độc lập. Cơ quan tuyên truyền Việt Minh Cao- Bắc- Lạng, số 2, ra ngày 25/06/1945.
Kêu gọi Sĩ – Nông – Công – Thương – Binh đoàn kết, giành độc lập, tự do, thái bình.


Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945.


Hòm phiếu dùng trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I của nhân dân huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình ngày 06/01/1946.


Hiền pháp được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua tại kỳ họp thứ 2. Quộc hội khóa 1, ngày 09/11/1946.


Nhiều hiện vật gốc liên quan đến Ngày Độc lập 2-9 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Người xem nhất là những cựu chiến binh đều rưng rưng cảm động như tìm lại được ký ức của mình trong những giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Nhiều bạn trẻ hôm nay khi xem hiện vật này đã thấy được sự đóng góp to lớn từ sức mạnh của nhân dân, mỗi người dân Việt Nam bằng tấm lòng cao đẹp với đất nước đã góp từng đồng tiền cũ để giúp Chính phủ mua vũ khí chuẩn bị Tổng khởi nghĩa năm 1945, những tín phiếu Tổ quốc ghi công Mặt trận Việt Minh cấp cho người dân ủng hộ Quỹ cứu quốc vẫn còn nguyên màu giấy hay những chỉ kim tuyến phụ nữ Hà Nội dùng thêu cờ đỏ sao vàng chuẩn bị cho ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 vẫn còn đậm dấu ấn sợi chỉ dù đã qua nhiều năm tháng thời gian.

Hình ảnh để lại dấu ấn với mỗi người đó là chiếc micro mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Hình ảnh Bác đứng trước quảng trường Ba Đình trong nắng mùa thu với tiếng nói vang vọng tuyên bố chủ quyền dân tộc như vẫn còn ngân vang đến tận hôm nay. Hai cuốn sổ ghi chép công việc hàng ngày của Bác Hồ từ ngày 2/9 đến 17/10/1945 là cuốn nhật ký lịch sử cho thấy sức mạnh dân tộc và những quyết sách chiến lược Bác Hồ ghi lại trong từng câu chữ.

Chị Trần Thu Hà, phó trưởng phòng Trưng bày, bảo tàng Lịch sử Quốc gia chia sẻ: Trong quá trình chọn lựa hiện vật để thực hiện triển lãm này, chị có thật nhiều cảm xúc, lật giở từng trang sách, chạm tay vào từng kỷ vật, chị thấy như ký ức sống động về ngày độc lập 2/9/1945 dù đã 75 năm còn trọn vẹn trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Hình ảnh đi vào lòng người nhất là những lá cờ Cách mạng của Mặt trận Việt Minh biểu tượng hiệu triệu nhân dân đứng lên giành chính quyền. Mỗi lá cờ trưng bày đều mang dấu ấn lịch sử: cờ Tổ quốc treo tại Đại hội Quốc dân Tân Trào trước tổng khởi nghĩa, Cờ đội Việt Nam Giải phóng quân dùng trong ngày tiến quân Thái Nguyên ngày 20/8/1945. Lá cờ treo trên tường chính là cờ Việt kiều Paris (Pháp) treo trong mít tinh mừng Việt Nam độc lập vào tháng 9.

Triển lãm hai chủ đề “Sức mạnh dân tộc” và “Ngày Độc lập 2/9” sẽ được kéo dài từ 2/9 đến 31/12/2020./.

 
Bài: Bích Vân - Ảnh: Việt Cường

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Đến với Quy Nhơn (Bình Định), du khách không chỉ được khám phá những bãi biển đẹp, các danh lam thắng cảnh hùng vĩ mà còn được chiêm ngưỡng những tòa tháp Chăm cổ kính có niên đại trên dưới ngàn năm tuổi. Trong số đó, Tháp Đôi là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan và khám phá.

Top