Văn hóa

Đặc sắc đám cưới người Dao đỏ ở Tả Phìn

Đám cưới chú rể Lý Láo Tả và cô dâu Phàn Lở Mẩy ở xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai còn giữ nguyên được các nghi lễ truyền thống của người Dao đỏ, thể hiện sự nhân văn, tinh thần đoàn kết cộng đồng được trao truyền nghìn đời nay.

Theo tục lệ từ xa xưa của người Dao đỏ ở Tả Phìn, được sự đồng ý của hai bên gia đình, lễ hỏi sẽ diễn ra trước đám cưới một năm. Trong thời gian này, cô dâu chú rể không được đi chơi hay nói chuyện với nhau. Đám cưới cổ truyền của người Dao đỏ trải qua các nghi lễ: dạm hỏi, cưới và lại mặt.
 
Khoảng tháng 2 âm lịch, nhà trai của chú rể Lý Láo Tả chọn ngày lành sang nhà cô gái Phàn Lở Mẩy để cùng ấn định lễ vật dẫn cưới và ngày giờ tổ chức rồi ghi vào hai bản giấy đỏ gọi là “lộc mệnh”, mỗi bên giữ một bản để làm tin. Lễ dạm hỏi thành công, nhà trai trao cho nhà gái đôi vòng tay bạc đính ước để cha mẹ cô gái đeo cho con. Với đôi vòng bạc trên tay, cô gái đã là người “có nơi có chốn”.
 
Sau lễ dạm hỏi, cô dâu Lở Mẩy phải chuẩn bị quần áo mới cho mình và chú rể. Nhà trai Lý Láo Tả lo chuẩn bị lễ vật dẫn cưới, rượu, thịt cho hôn lễ, nhà trai nuôi khoảng 10 con lợn, vài chục con gà, nấu hàng trăm lít rượu và thóc gạo để làm cỗ cưới. Các gia đình khác trong bản tự đem gà, rượu, lợn, thóc lúa đến giúp, chủ nhà sẽ ghi lại và sau nhà đó có việc họ lại đem lại đúng những thứ mà nhà kia đã giúp họ lúc trước.
 


Nhà trai chú rể Lý Láo Tả tiếp đón nhà gái đưa cô dâu Phàn Lở Mẩy đến.


Mẹ cô dâu Phàn Lở Mẩy dặn dò con gái trước khi về nhà chồng.



 Cô ruột chú rể luộc gà cho bữa cỗ cưới đón nhà gái đưa dâu sang.



Rượu được chuẩn bị cho buổi tiệc đón dâu.



 Các loại phông bạt trong nhà cũng được chuẩn bị hết sức trang trọng theo phong cách cổ truyền.


Đoàn đưa dâu chỉnh trang lại trang phục cô dâu trước khi vào phòng tân hôn.



Họ hàng nhà gái đưa cô dâu vào phòng tân hôn của nhà trai.


Vợ chồng mới cưới bái thiên địa, song thân và phu thê giao bái được giữ gìn từ ngàn năm nay của người Dao.

Người Dao đỏ ở Tả Phìn thường coi công việc của mọi gia đình trong bản như việc của chính gia đình mình. Còn Lở Mẩy sau lễ ăn hỏi chỉ ở nhà dệt vải, thêu thùa, tự tay chuẩn bị trang phục cưới.
 
Đám cưới của chú rể Lý Láo Tả và cô dâu Lở Mẩy được tổ chức vào tháng 10 và diễn ra liên tục ba ngày đêm.
 

Đám cưới trong cộng đồng của người Dao ở Tả Phìn như một ngày hội, là sự kiện để thể hiện tinh thần đoàn kết, tương hỗ được giữ gìn hàng nghìn đời nay.
Ngày thứ nhất, hai bên gia đình làm lễ trình báo tổ tiên. Ngày thứ hai, nhà Lở Mẩy đưa dâu sang nhà Lý Láo Tả. Nhà trai lập đội nhạc thay mặt nhà trai đón đoàn nhà gái ở ngoài làng. Đêm hôm ấy, ông bà mối, phù dâu, cô dâu cùng bố mẹ Lở Mẩy nghỉ tại gian buồng tạm ngoài hiên. Khách khứa nhà gái vào nhà trai bằng lối cửa phụ. Ngày thứ ba là ngày cưới chính. Mở màn là lễ nhập khẩu cho cô dâu Lở Mẩy. Thầy cúng khấn báo tổ tiên về việc gia đình tổ chức đón dâu, mong tổ tiên chấp nhận và nhập thêm khẩu vào gia đình. Tiếp theo là lễ đặt tên cho chú rể Lý Láo Tả. Thầy cúng khấn báo cho tổ tiên biết gia đình có con trai đã xây dựng gia đình, xin tổ tiên phù hộ cho vợ chồng hạnh phúc, làm ăn phát đạt, sinh nhiều con cái thông minh, tài giỏi... Cô dâu chú rể đã chính thức thành vợ chồng trước sự chứng kiến của tổ tiên và dân bản.

Nhà trai Lý Láo Tả sắp mâm bày tiệc rượu để quan khách hai họ cùng chung vui. Đội nhạc tấu nhạc mua vui trong suốt thời gian tiệc rượu. Cô dâu, chú rể đến từng mâm chúc rượu cảm ơn. Trước khi về, mỗi người trong đoàn nhà gái sẽ được bố chú rể tặng cho 1kg thịt lợn. Đích thân chú rể phải tự tay đan hai chiếc rọ bằng tre để tặng bố mẹ vợ mang thịt về./.

 Bài và ảnh: Nguyễn Luân


Top