Chân dung

Cuộc đời nhỏ, giấc mơ lớn

Chỉ cân nặng 20kg nhưng Nguyễn Thị Vân, cô gái khuyết tật 32 tuổi vẫn không ngừng ấp ủ những giấc mơ lớn cho cộng đồng người khuyết tật. Điều hành một trung tâm dạy nghề và một công ty đạt nhiều giải thưởng danh giá, Vân vẫn có giấc mơ xây dựng một “vườn ươm”, nơi sẽ nuôi dưỡng và chắp cánh cho những người khuyết tật mang hoài bão, ước mơ và dám chấp nhận mạo hiểm.
Duy trì tâm huyết cả đời của anh trai ở Trung tâm Nghị lực sống

Tuy mọi hoạt động đều gắn với chiếc xe lăn nhưng cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Vân vẫn điều hành Trung tâm Nghị Lực sống, nơi nhận đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết tật trên khắp cả nước. Đến với vai trò điều hành Trung tâm, với Vân, đó là một “sự cố” không mong muốn.

Năm 2012, người anh trai của cô, 
"hiệp sĩ công nghệ thông tin" Nguyễn Công Hùng ra đi đột ngột. Để tiếp tục duy trì tâm huyết cả đời của anh trai, Vân đã bất đắc dĩ tiếp quản Trung tâm trong tình trạng "chật vật" như lời chia sẻ của cô: “lúc ấy chẳng ai biết tôi và tôi cũng chẳng biết ai”.

Học viên của Trung tâm giảm đáng kể do bị cú sốc tinh thần về sự ra đi đột ngột của anh Hùng. Các đối tác thì lưỡng lự trong việc tiếp tục ký hợp đồng với Trung tâm. Lúc này Vân phải bắt đầu lại mọi việc, từ gây dựng lại niềm tin đến việc xây dựng một tinh thần mới cho học viên.

Sau gần 10 năm kiên định chéo lái, Nghị lực sống đã đào tạo cho hơn 1000 người khuyết tật và hơn 80% trong số đó đã tìm được việc làm ổn định, thu nhập tốt, tự lập và có gia đình. Vân cho biết, có những bạn sau 6 tháng đào tạo đã có thể kiếm được công việc cho thu nhập 300 – 600 USD/tháng.



Chị Nguyễn Thị Vân, Giám đốc Trung tâm Nghị Lực sống. Ảnh: Trần Thanh Giang


Chị Nguyễn Thị Vân cùng các đồng nghiệp công ty Imagtor trao đổi với các đối tác. Ảnh: Trần Thanh Giang


Không gian làm việc hiện đại của công ty Imagtor. Ảnh: Trần Thanh Giang


Chị Nguyễn Thị Vân giới thiệu với đối tác nước ngoài quy trình làm việc tại Công ty của mình. Ảnh: Trần Thanh Giang


Chị Nguyễn Thị Vân trao đổi kinh nghiệm với học viên trong 1 giờ học tại Trung tâm Nghị lực sống. Ảnh: Trần Thanh Giang


Các học viên Trung tâm Nghị lực sống trong 1 tiết học kỹ năng do chị Nguyễn Thị Vân là người hướng dẫn. Ảnh: Trần Thanh Giang


Chị Vân luôn được người bạn đời của mình đến từ nước Úc chăm sóc ân cần. Ảnh: Trần Thanh Giang

Dù Nghị lực sống đã làm được rất nhiều điều mà ít trung tâm nào có thể làm được nhưng Nguyễn Thị Vân vẫn luôn trăn trở về mô hình hoạt động của nó.

Theo quan điểm của cô, mô hình trung tâm thiện nguyện, thường không mạnh và không chủ động về tài chính. Do đó, Trung tâm sẽ không bền vững và khó phát triển lâu dài. Và đó là lý do khiến Vân chuyển mô hình Nghị lực sống từ Trung tâm thiện nguyện trở thành một Doanh nghiệp xã hội (DNXH).

Imagtor - d
oanh nghiệp xã hội thành công với những sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng

Trong hoạt động “tái cơ cấu” này, Imagtor cũng là một DNXH được Vân thành lập vào tháng 2/2016.

Nếu không quan sát kỹ những chiếc xe lăn được đặt xen kẽ ở các hàng ghế, ít ai dám hình dung đây là văn phòng làm việc của những người khuyết tật, bởi đó là một văn phòng rộng rãi, tràn ngập ánh sáng và cây xanh.

Theo Vân, khoảng 50% khách hàng của Công ty từ Mỹ, phần còn lại từ Úc, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Imagtor cung cấp các dịch vụ chỉnh sửa hình ảnh, video 2D/3D cho các công ty Bất động sản nước ngoài.

Năm 2018, công ty có doanh thu hơn 10 tỉ đồng, Imagtor dành một phần lợi nhuận cho trung tâm Nghị Lực Sống. Thu nhập trung bình của nhân viên trong công ty là 9 triệu.



Chị Nguyễn Thị Vân tại lễ vinh danh “ 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019” do tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức. Ảnh: Forbes Việt Nam.


Chị Nguyễn Thị Vân phát biểu tại phiên thảo luận trong chương trình “50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019” do tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức.
Ảnh: Forbes Việt Nam.


Chị Nguyễn Thị Vân nhận giải thưởng Sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng tại chương trình Én Xanh. Ảnh: Trần Thanh Giang


Chị Nguyễn Thị Vân tham gia một chương trình biểu diễn thời trang với trang phục áo dài. Ảnh: Trần Thanh Giang

Từ môi trường thiện nguyện sang môi trường kinh doanh, việc đầu tiên Vân làm là thiết lập lại nguyên tắc và quan điểm làm việc tại công ty.

Năm 2018, Imagtor đã một lúc giành ba giải thưởng tại cuộc thi sáng kiến xã hội lớn nhất châu Á mang tên Social Venture Asia, đó là: DNXH trong lĩnh vực công nghệ, DNXH trong lĩnh vực giáo dục và DNXH tiềm năng của châu Á.
Vân cho biết, khi đã xác định làm kinh doanh thì phải trên tinh thần kinh doanh, có như vậy thì mới cạnh tranh được với thị trường. Bởi vậy, Vân luôn đặt giá cả dịch vụ và chất lượng lên hàng đầu khi tiếp cận khách hàng.

Trong công ty, Vân có quan điểm làm việc rất rõ ràng với nhân viên. Dù khuyết tật hay không, mọi vi phạm về kỷ luật lao động đều thưởng phạt công bằng. Vân đã tạo ra môi trường làm việc mà ở đó mọi người cùng tôn trọng nhau.

Theo Vân, cũng như người anh trai, cô có thể ra đi đột ngột vì căn bệnh của mình. Đó là lý do Vân làm hết sức mình để Imagtor vẫn đứng vững mà không phụ thuộc quá lớn vào người đứng đầu.

Tại công ty cũng như Trung tâm Nghị lực sống, Vân luôn tập trung vào đào tạo và phát triển tiềm năng cho những bạn khuyết tật trẻ.

Mong ước của Vân là không chỉ đào tạo ra được nhiều “mini Vân”, mà còn giúp cho những người khuyết tật được học hành đàng hoàng, được sống với ước mơ khát vọng của họ./.

 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Thanh Giang và Forbes Việt Nam

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Với bàn tay tài hoa và cái tâm của người thầy thuốc, Lương y Cao Văn Minh - người được kế thừa các bài thuốc quý gia truyền của dòng tộc Cao và được đào tạo bài bản tại trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, đã và đang điều trị các bệnh lý về xương khớp, đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ và bại liệt cho hàng chục ngàn bệnh nhân ở Việt Nam và nước ngoài.

Top