Phóng sự chuyên đề

Công trình thế kỷ

Sau 7 năm thi công, Nhà máy Thủy điện Sơn La, công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á đã về đích trước thời hạn đề ra. Công trình vừa là niềm tự hào của đất nước vừa đánh dấu cho sự phát triển vượt bậc của ngành điện Việt Nam hôm nay.
Bản hùng ca Tây Bắc
Trên đường đi vào địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, từ xa nhìn lại, ít ai có thể tưởng tượng được gần mười năm trước, dưới hẻm núi bản Pá Vinh, nơi con sông Đà chảy qua chỉ có vài ba chục nóc nhà của đồng bào Thái, nhưng hôm nay ở đó sừng sững dáng hình của một công trình mang tầm thế kỷ. Đó là Nhà máy Thủy điện Sơn La, công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.

Hôm chúng tôi lên Sơn La đúng vào dịp Nhà máy Thủy điện Sơn La đang hối hả, nhộn nhịp chuẩn bị cho ngày lễ khánh thành. Khi xe chạy hết con dốc đã được hạ bớt độ cao và bắt đầu lăn bánh trên con đường rộng mở, làn gió lạnh của những ngày cuối đông ở vùng cao trước thềm xuân Quý Tỵ dường như bị xua tan bởi không khí tưng bừng chào đón ngày hội lớn của mảnh đất nơi vùng Tây Bắc này.


Thủy điện Sơn La rực rỡ về đêm. (Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN)

Toàn cảnh Nhà máy Thủy điện Sơn La nhìn từ trên cao. (Ảnh: Đức Tám – TTXVN)


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu tham quan Nhà máy Thuỷ điện Sơn La vào ngày khánh thành. (Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN)

Cầu Mường La trên sông Đà, đoạn dưới hạ lưu Thủy điện Sơn La. (Ảnh: Thông Thiện)

Từ Thủy điện Sơn La nhìn xuống phía hạ lưu sông Đà. (Ảnh: Việt Cường)

Cửa xả lũ của đập thủy điện. (Ảnh: Việt Cường)
 
Hồ chứa Thủy điện Sơn La có sức chứa hơn 9,26 tỷ m3 nước. (Ảnh: Việt Cường)

Giám sát hệ thống vận hành tua bin. (Ảnh: Việt Cường)

6 tổ máy với công suất 2.400MW sẽ cung cấp hơn 10tỷ kWh/năm. (Ảnh: Điêu Chính Tới - TTXVN)

Hệ thống cẩu phục vụ cho cửa lấy nước Nhà máy Thủy điện Sơn La. (Ảnh: Việt Cường)

Trung tâm điều hành của Nhà máy Thủy điện Sơn La. (Ảnh: Việt Cường)

Khuôn viên Nhà máy Thuỷ điện Sơn La. (Ảnh: Điêu Chính Tới - TTXVN)

Diện mạo mới của thị trấn Mường La sau khi có Nhà máy Thủy điện. (Ảnh: Việt Cường)

«...
          Với công suất 2.400MW, mỗi năm Nhà máy Thủy điện Sơn La sản xuất được hơn 10 tỷ KWh, góp phần đắc lực vào công cuộc đẩy mạnh Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước.
Với những con người đã gắn bó với “nhịp thở sông Đà” trong gần 10 năm qua, đây chính là thời khắc vui sướng và hạnh phúc nhất. Bởi để xây dựng công trình kỳ vĩ này, hơn 20.000 hộ đồng bào các dân tộc ở 3 tỉnh (Điện Biên, Sơn La, Lai Châu) đã tự nguyện chuyển đến nơi ở mới, nhường đất cho việc xây dựng thủy điện, cùng hàng vạn công nhân, kỹ sư đã lăn lộn, bám sát với công trường trong suốt 7 năm trời để thi công, bất chấp điều kiện cuộc sống và thời tiết khó khăn khắc nghiệt. Và điều đáng tự hào nhất của công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á này đó là tất cả các hạng mục công trình đều do chính bàn tay, khối óc và trái tim của những người thợ Việt Nam tự thiết kế và thi công.

Với tổng mức đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng, Nhà máy có công suất lắp đặt 2.400 MW, gồm 6 tố máy đã về đích sớm hơn rất nhiều so với tiến độ đề ra, đem lại lợi ích kinh tế rất lớn, bởi mỗi năm vận hành sớm sẽ tạo ra doanh thu 500 triệu USD, tiết kiệm hơn 5 triệu tấn than để sản xuất ra lượng điện năng tương đương. Không những thế, nguồn điện năng của Nhà máy sẽ kịp thời bổ sung cho lưới điện quốc gia bình quân 10,2 tỷ KWh/năm.

Thời điểm diễn ra lễ khánh thành cũng chính là lúc những người thợ ở Thủy điện Sơn La chuẩn bị lên đường đến với công trình thủy điện mới ở Lai Châu. Trước hôm chia tay công trường cũ, họ đã không quên các đồng nghiệp của mình đã hy sinh thân mình nằm lại nơi đây vì dòng điện của tổ quốc. Hàng trăm người đã ngồi dọc thân đập Thủy điện Sơn La làm lễ cầu siêu cầu nguyện cho linh hồn những người đã nằm xuống được yên nghỉ và cũng để báo cho các anh biết tin vui ngày công trình về đích sớm sau hơn 2000 ngày lao động đầy vinh quang nhưng cũng lắm nhọc nhằn.

Nói về những người thợ đã gắn bó với công trình đặc biệt này, anh Bùi Phương Nam, Trưởng Phòng Kỹ thuật Ban Quản lý Thuỷ điện Sơn La tâm sự: “Để có được công trình thế kỷ này, chúng ta phải có hy sinh và mất mát. Lễ cầu siêu hôm nay là để tưởng nhớ đến những người đã dành toàn bộ tâm sức, trí tuệ và cả máu thịt của mình cho công trình Thuỷ điện thế kỷ Sơn La, góp phần làm nên bản hùng ca trên dòng Đà giang cuộn sóng”.

Ngày khánh thành công trình, trước sự chứng kiến của hàng nghìn công nhân, kỹ sư và đồng bào các dân tộc vùng cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiệt liệt biểu dương đồng bào các dân tộc 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đã ủng hộ nhường đất cho công trình vì tương lai của đất nước; biểu dương tất cả cán bộ, công nhân của các đơn vị thi công trực tiếp trên công trường, những người đã dũng cảm vượt bao khó khăn chung tay xây dựng nên công trình thế kỷ.

Nhà máy Thủy điện Sơn La đi vào hoạt động không chỉ góp phần giải quyết được bài toán điện năng của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế, chính trị, xã hội. Việc xây dựng công trình đã tạo điều kiện cho vùng cao Tây Bắc có cơ hội cải tạo, xây dựng lại hệ thống cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường tự nhiên – sinh thái, điều tiết lũ, cung cấp nước tưới cho vùng hạ du, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Tây Bắc, sắp xếp và ổn định lại cuộc sống cho hàng vạn đồng bào dân tộc vùng cao để đồng bào có thể yên tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống...

Kỳ tích của người thợ Việt
Ngay sau lễ khánh thành, buổi chiều chúng tôi được anh Nghiêm Công Tấn, Phó Phòng Kỹ thuật Ban điều hành Thủy điện Sơn La, dẫn đi thăm khu vực Nhà máy. Khi ra khỏi tòa nhà của Ban điều hành, anh Tấn chỉ tay về phía cây cầu dài đằng xa mà tự hào kể rằng: “Có lẽ trong lịch sử ngành điện Việt Nam chưa có dự án thủy điện nào có nhiều yếu tố “lạ” như Thủy điện Sơn La. Để chuẩn bị cho việc tiến hành lễ khởi công và cũng là ngày ngăn sông đúng vào ngày 2/12/2005 như Trung ương đã định, toàn thể đội ngũ kỹ sư và công nhân chúng tôi đã phải ra sức chạy đua với thời gian, với thời tiết lũ lụt để làm xong cây cầu dài 500m này cùng với 125km đường giao thông, gần 200km hệ thống lưới điện 110-220kV, gần 60.000m2 nhà ở cho hàng vạn công nhân và hàng loạt công trình dẫn dòng, đê quai thượng lưu, hạ lưu... Chỉ chừng ấy công việc khởi đầu thôi cũng đáng được xem là kỳ tích rồi!”

Vào thang máy, xuống độ sâu gần 40m, anh Tấn dẫn chúng tôi đi xem 6 tổ máy, mỗi tổ máy nặng hàng chục tấn đang vận hành và giới thiệu hệ thống điều khiển trung tâm, các thiết bị theo dõi, giám sát hoạt động của từng tổ máy và trong thân đập… Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan Nhà máy, người kỹ sư bao năm gắn bó lăn lộn với công trình này đã kể cho chúng tôi nghe những công việc mà hàng chục ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân đã không quản ngại thời tiết khắc nghiệt, hăng say bám máy bám công trường thi công ba ca liên tục để có thể hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ trên công trường Thủy điện Sơn La. Cho đến lúc này anh vẫn nhớ như thuộc lòng bàn tay mình những con số đầy ấn tượng, đó là hơn 16,6 triệu mét khối đất đá được đào xúc; hơn 20 triệu mét khối đất đá được vận chuyển; đầm hàng triệu mét khối đất nền, đổ gần 6 triệu mét khối bê tông; lắp đặt 115.000 tấn thiết bị… Hàng loạt những con số khổng lồ cứ thế được dẫn giải đưa ra khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về công trình thế kỷ này.
 

Công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La được khởi công xây dựng từ năm 2005. (Ảnh: Thông Thiện)

Công nhân khai thác đá xây dựng công trình. (Ảnh: Thông Thiện)

Công nhân phun bê tông trong quá trình xây dựng đập Thủy điện. (Ảnh: Thông Thiện)

Chỉ huy giàn cẩu trong quá trình thi công. (Ảnh: Thông Thiện)

Hoàn thiện những khâu cuối để phục vụ công việc lắp đặt các tua bin. (Ảnh: Thông Thiện)

Đội ngũ kỹ sư kiểm tra các thông số kỹ thuật của tổ máy số 5. (Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN)

Tổ máy số 6 trước khi hoàn thiện. (Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN)

Lắp đặt hệ thống tua bin tổ máy số 6. (Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN)

Công nhân xử lý chống thấm cho đập thủy điện.
(Ảnh: Thông Thiện)

Xử lý các mối nối của ống cao áp.
(Ảnh: Thông Thiện)

Lắp đặt roto nặng 1000 tấn của tổ máy số 6. (Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN)


Một góc công trình Thủy điện Sơn La trong quá trình đang xây dựng. (Ảnh: Thông Thiện)

Các tổ máy của Thuỷ điện Sơn La trong giai đoạn sắp hoàn thành. (Ảnh: Điêu Chính Tới - TTXVN)

Rời khu vực bên trong nhà máy, chúng tôi lên tham quan khu vực thân đập thủy điện. Dẫn chúng tôi đi trên thân đập cao lớn như một khối núi khổng lồ nằm chắn ngang con sông Đà hùng vĩ, anh Tấn hào hứng ví von: “Nếu công trình thủy điện Sơn La là bông hoa nở trên thượng nguồn Tây Bắc thì đập thủy điện giống như một cơ thể sống và nó chính là “linh hồn” của Nhà máy”.

Được biết, để xây dựng con đập khổng lồ này, các kỹ sư đã táo bạo đề xuất ứng dụng phương pháp thi công bằng công nghệ bê tông đầm lăn, một công nghệ tiên tiến trên thế giới mà trước đó Việt Nam chưa từng ứng dụng ở bất cứ công trình thủy điện nào. Vì vậy, lúc đầu, nhiều người đã tỏ ra lo lắng và cho rằng không nên thử nghiệm với một công trình trọng điểm quốc gia như Thủy điện Sơn La. Cuối cùng, sau bao nhiêu tranh luận, phương án bê tông đầm lăn đã được thông qua. Ban đầu các chuyên gia Việt Nam đã đi tham khảo học hỏi kỹ thuật thi công đầm lăn ở nhiều nước, đồng thời mời các chuyên gia hàng đầu thế giới về giám sát. Sau đó dây chuyền sản xuất bê tông đầm lăn hiện đại từ Đức và Nhật Bản đã được đem về. Với đội ngũ cán bộ công nhân lành nghề, sử dụng thành thạo công nghệ tiên tiến, trong vòng 32 tháng, thân đập chính của công trình đã được hoàn thành với 2,7 triệu mét khối bê tông, trở thành đập thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với chiều dài 961,6m, cao 228,1m và có sức chứa hơn 9,26 tỷ m3 nước.

Hơn 2000 ngày căng thẳng với một khối lượng công việc khổng lồ đầy tinh vi và phức tạp, bằng trái tim và khối óc cùng lòng quyết tâm, dũng cảm và sự đoàn kết cao độ, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân xây dựng công trình Thủy điện Sơn La đã phối hợp gắn kết nhịp nhàng, tuân thủ quy trình để đưa 6 tổ máy đi vào vận hành trước thời hạn, đảm bảo yêu cầu chất lượng đề ra. Việc xây dựng thành công Nhà máy Thủy điện Sơn La cho thấy bước trưởng thành mạnh mẽ mang tính đột phá của ngành Thủy điện Việt Nam nói chung và ngành cơ khí nói riêng.

Rời khỏi Ít Ong lúc chiều tà, từ trên cao nhìn xuống, dòng sông Đà uốn khúc lượn quanh co qua các triền núi xanh rì, bảng lảng trong sương chiều, đập thủy điện Sơn La hiện lên như một trái núi hùng dũng nằm chắn ngang con sông, kìm hãm những đợt sóng hung dữ đang cuồn cuộn đổ về xuôi, bắt con sông phải phục tùng ý chí của con người để làm nên dòng điện sáng ngời cho Tổ quốc./.
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Thông Thiện, Việt Cường & TTXVN

Bài: Ngân Hà - Ảnh: Thông Thiện, Việt Cường & TTXVN

Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Cách thành phố Hà Nội chừng 70km về phía Tây Nam, tỉnh Hòa Bình được biết đến là “miền đất sử thi”, nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Mường. Trải qua nhiều thế hệ, đồng bào Mường nơi đây đã tạo dựng nên một kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Top