Đời sống Việt

Chung tay tiếp sức cho đội ngũ bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19

Với mong muốn tiếp sức, động viên đến đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu đang cứu chữa cho các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, nhiều cá nhân và đơn vị doanh nghiệp đã chung tay làm những suất cơm gửi đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Chúng tôi đến nhà hàng Kampong Chicken House trên đường Hoàng Đạo Thúy (Hà Nội). Hôm nay họ đang chuẩn bị 380 suất cơm bữa tối để gửi đến cho các y, bác sĩ của bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Đây là những suất ăn do các cư dân Ciputra và Công ty Khóa Huy Hoàng cùng cộng đồng đại lý chung tay quyên góp thể hiện sự san sẻ với sự vất vả của những người đang chiến đấu ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.
 
Với mong muốn góp một phần công sức và thể hiện lòng biết ơn đối với đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19, hàng trăm suất cơm do các cư dân Ciputra cùng nhiều cá nhân, đơn vị Thủ đô góp sức để gửi tới các bệnh viện.


Đảm bảo những món ăn vẫn còn ấm nóng khi đến tay các bác sĩ.


Một khẩu phần ăn có giá trị khoảng 50.000 đồng, thực đơn được đơn vị cung cấp thay đổi mỗi ngày để đảm bảo dinh dưỡng.


Khẩu phần ăn hàng ngày ngoài cơm, canh, 1 món chính và 4 món phụ, còn có đồ uống, bánh ngọt, sữa chua…


Canh được đóng vào hộp để tiện cho quá trình vận chuyển.


Các nhân viên và tình nguyện viên đều rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, găng tay... khi chuẩn bị thức ăn.
 
Anh Lưu Đức Phong, Trưởng phòng Marketing của Công ty Khóa Huy Hoàng cho biết: “Quỹ bảo trợ Khóa Huy Hoàng được thành lập 4 năm nay bởi cán bộ nhân viên công ty cùng các đại lý trên toàn quốc để hỗ trợ cho các trẻ em nghèo vùng cao và những hoàn cảnh khó khăn. Hưởng ứng Chỉ thị của Chính phủ về việc cả nước chung tay chống dịch Covid-19 nên công ty đã trích ra 700 triệu đồng, kết hợp với số tiền của cộng đồng cư dân Ciputra nhằm tài trợ bữa ăn cho đội ngũ y, bác sĩ ở bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và Giải Phóng trong 30 ngày kể từ ngày 1/4/2020”.

Để những bữa ăn của đội ngũ y, bác sĩ được đảm bảo chất dinh dưỡng, đại diện cộng đồng cư dân Ciputra và Công ty  Khóa Huy Hoàng đã phối hợp với Nhà hàng lên thực đơn thay đổi hàng ngày. Anh Nguyễn Hồng Tĩnh, đầu bếp trưởng của Nhà hàng cho biết, nguyên liệu chế biến luôn tươi sống và được cung cấp từ đơn vị nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng ngày, hơn 10 nhân viên, quản lý của Nhà hàng bắt đầu làm việc từ 8h sáng đến 4h chiều, thực hiện các công việc như nhập hàng, kiểm tra chất lượng thực phẩm, chế biến và đóng gói, vận chuyển... sao cho kịp tới tay của đội ngũ y, bác sĩ vào bữa ăn tối. 

Mỗi suất ăn ngoài cơm, canh cùng các món chính được chế biến đa dạng còn kèm theo đồ uống, bánh ngọt, sữa chua với mức giá khoảng 50.000 đồng. Đặc biệt, trên mỗi hộp cơm còn dán thông điệp cảm ơn, nhằm thể hiện tâm ý động viên, san sẻ với sự vất vả của đội ngũ y, bác sĩ đang ngày đêm cứu chữa cho những bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

Nguồn thực phẩm được nhập từ công ty nông sản, doanh nghiệp có uy tín, nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm,
chị Nguyễn Ngọc Diệp (đại diện đơn vị phụ trách suất ăn) cho biết.



Những suất cơm được đóng gói kèm dòng chữ thân thương nhắn nhủ tới đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.


Những suất cơm được đưa lên xe để chuyển tới bệnh viện cho các bác sĩ.


Những suất cơm còn ấm nóng được chuyển đến Bệnh viện để tiếp thêm một phần sức khỏe và động lực
cho các y, bác sĩ tuyến đầu trong công cuộc chiến đấu chống dịch Covid-19.

 
Số lượng suất ăn được Nhà hàng làm theo số lượng của phía bệnh viện báo cho nhà hàng mỗi ngày, tuy nhiên trung bình Nhà hàng cung cấp số lượng suất ăn từ 300 đến 600 suất cho cả 2 cơ sở Đông Anh và Giải Phóng của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Bà Phạm Thị Nguyệt, Phụ trách Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: “Những suất ăn được gửi đến từ cộng đồng là nguồn động viên lớn để đội ngũ y, bác sĩ có thêm sức mạnh và niềm tin trong cuộc chiến chống dịch Covid-19”./.
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Trần Thanh Giang

Nghề dệt của người Lự ở Bản Hon

Nghề dệt của người Lự ở Bản Hon

Từ bao đời nay, người Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu coi nghề dệt thổ cẩm truyền thống là thước đo đánh giá sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ. Vì thế khung cửi dệt thổ cẩm truyền thống là vật dụng quan trọng không thể thiếu trong gia đình người Lự.

Top