Nghệ thuật

Bài hát ra đời bên chiến hào

Chiến tranh đã qua đi. Tiếng súng không còn. Nhưng âm hưởng hào hùng của Hò kéo pháo vẫn còn mãi với thời gian.


Nhạc sĩ Hoàng Vân


"Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo...".

Chiến tranh đã qua đi. Tiếng súng không còn. Nhưng âm hưởng hào hùng của "Hò kéo pháo" vẫn còn mãi với thời gian.

Trước ngày chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, đã ra đời một khúc ca hào hùng nói lên hết thảy sự hoành tráng và vĩ đại của công cuộc chuẩn bị cho một chiến thắng được gọi là mốc son lịch sử: Đó là bài hát "Hò kéo pháo" của nhạc sĩ Hoàng Vân.

Trong không khí cả nước náo nức chào đón kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đã tìm gặp nhạc sĩ Hoàng Vân tại nhà riêng ở phố Hàng Thùng, trong khu phố cổ của Hà Nội. Ông đã dành cho tôi cuộc trò chuyện thân tình về khúc hát ấy của ông.

Xin nhạc sĩ cho biết bài hát "Hò kéo pháo" đã ra đời như thế nào?

Đợn vị tôi thuộc Đại đoàn 312 là một trong các Đại đoàn chủ lực trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ của tôi trong chiến dịch là làm đường và đi đón, hướng dẫn đoàn nhạc sĩ của Tổng cục


Bài "Hò kéo pháo" nhạc sĩ Hoàng Vân chép tặng bạn đọc
của Báo ảnh Việt Nam.
Chính trị đi thăm các đơn vị của Đại đoàn tôi. Những chiến công và sự hy sinh vô bờ bến của các đơn vị kéo pháo đã cho tôi những cảm hứng rất lớn. Hình ảnh những đơn vị bộ binh và pháo binh hành quân, kéo pháo vượt đèo cứ lởn vởn trong đầu tôi. Những đợt kéo pháo như thế thật là vĩ đại! Đêm trong hầm ngột ngạt không ngủ được. Tôi bước ra khỏi hầm. Trăng mờ. Sương đêm lành lạnh. Bỗng tiếng gà rừng gáy vang lên ngay cạnh cửa hầm của tôi. Tiếng gà gáy trong đêm báo sáng không chỉ là dấu ấn thời gian mà còn là biểu tượng khát vọng chiến thắng của các chiến sĩ. Hình tượng gà gáy đã cho tôi cảm xúc rất mạnh. Và quay về hầm tôi viết: Gà rừng gáy trên nương rồi... Giai điệu vang lên. Nhịp 2/4 phù hợp với nhịp hò dô của những đoàn dân công, bộ đội hè nhau kéo những khẩu pháo vào trận địa trong đêm giữa tiếng pháo cầm canh xa xa của đồn giặc. Có những lúc đạn đại bác nổ gần. Một mảnh đạn văng trúng vào sợi dây căng của một đơn vị đang kéo khẩu pháo nặng hàng tấn. Dây đứt. Pháo lao xuống vực. Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo... Rề sol la sol rề... (Hò dô ta nào!...) cứ thế ập đến. Ca từ và âm nhạc cùng nhau xuất hiện dưới ngòi bút. Trong những ngày đợi giờ nổ súng, tôi đã đem bài hát ra hát cho đồng đội nghe. Mọi người đều khen. Và chúng tôi tập hát, dựng thành dàn đồng ca trong những ngày đợi chờ giờ xuất trận, đợi ngày chiến thắng.

Và sau đó, tôi được đi học sáng tác ở Trung Quốc và trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp. Tôi viết giao hưởng, concerto opera như vở vũ kịch mang tên "Chị Sứ" và nhiều bản giao hưởng, nhạc thính phòng, nhạc phim, và nhạc sân khấu v.v...

Và trong đó có những ca khúc nổi tiếng như "Quảng Bình quê ta ơi", "Hà Nội - Huế - Sài Gòn", "Hai chị em", "Bài ca xây dựng", "Tôi là người thợ lò" nữa chứ?

Đúng thế. Tôi đã được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những bài hát đó. Còn "Hò kéo pháo" đã được thưởng giải nhất trong Đại hội Liên hoan toàn quân khi tiếp quản giải phóng thủ đô Bản thân tôi được được thưởng Huân chương Chiến công hạng ba vì thành tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ và huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký.

Cảm ơn nhạc sĩ.

Bài: Trần Địnhnbsp;nbsp;

Bài: Trần Định


Top