Tiêu điểm

55 năm dai dẳng nỗi đau da cam

Cách đây 55 năm, ngày 10/8/1961, quân đội Hoa Kỳ đã thực hiện phi vụ đầu tiên rải cái gọi là “chất diệt cỏ” hay “chất khai quang”, nhưng thực chất là loại chất độc khủng khiếp mang tên da cam/dioxin, xuống khu vực đường 14 nằm ở phía Bắc thị xã Kon Tum, mở đầu cho cuộc chiến tranh hóa học quy mô nhất, dài ngày nhất và gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người, khiến cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó có tới hơn 3 triệu người phải chịu những di chứng nặng nề.
Mới đây, nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2016), một hội thảo khoa học quốc tế về chất độc hóa học da cam/dioxin đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama, cùng hàng chục nhà khoa học quốc tế, Việt Nam và các đại sứ, trưởng đại diện các cơ quan quốc tế tại Việt Nam...


Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại 
Lễ mít tinh kỷ niệm 55 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2016). Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN


Các đại biểu tưởng niệm các nạn nhân đã chết vì chất độc da cam/dioxin. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN


Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Tại hội thảo, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam đã công bố và trao đổi các kết quả nghiên cứu khoa học, tiếp tục đi sâu làm rõ hậu quả nặng nề của chất độc da cam do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người; đánh giá và đề xuất các biện pháp khắc phục; thống nhất sử dụng số liệu và kêu gọi cộng đồng tiếp tục quan tâm giúp đỡ nạn nhân cả về vật chất và tinh thần, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; tiếp tục lên án và ngăn chặn sử dụng vũ khí hóa học, cũng như các loại vũ khí hủy diệt khác.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, hậu quả của cuộc chiến tranh hoá học này để lại vô cùng tàn khốc. Khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, gần 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hàng trăm nghìn người đã chết, những nạn nhân còn sống đang phải vật lộn với các căn bệnh hiểm nghèo. Di chứng chất độc da cam đã truyền qua thế hệ con, cháu, chắt. Hàng vạn người bị tước đi quyền làm cha làm mẹ. Hàng triệu trẻ em sinh ra nhưng không được làm người hoàn thiện. Không chỉ người Việt Nam, mà cả binh lính Mỹ và đồng minh của Mỹ tham chiến ở Việt Nam cũng là nạn nhân của cuộc chiến tranh hóa học này.

Và đáng sợ hơn, ở Việt Nam, di chứng chất độc da cam/dioxin đã lan truyền đến thế hệ thứ 4 với con số nạn nhân bị ảnh hưởng lên tới khoảng 2.000 người.


Máy bay Mỹ rải chất độc da cam/dioxin xuống làng mạc và ruộng đồng của Việt Nam.
Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Chứng tích chiến tranh


Các thùng chứa chất độc hoá học của quân đội Mỹ tại sân bay quân sự Đà Nẵng. 
Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Chứng tích chiến tranh


Rừng đước Cà Mau chết rụi do quân đội Mỹ rải chất độc da cam/dioxin.
Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Chứng tích chiến tranh

 
Theo điều tra của Ủy ban Quốc gia nghiên cứu về chất độc da cam (Ủy ban 10-80) và một số nghiên cứu của nước ngoài, môi trường trên toàn miền Nam Việt Nam bị ô nhiễm nặng, các hệ sinh thái bị tàn phá, đảo lộn; hệ thống rừng ngập mặn và rừng đầu nguồn của 28 sông chính bị phá hủy nặng nề, làm suy giảm nghiêm trọng khả năng giữ nước chống lụt; một số loài động vật thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng...

Đến nay, các căn cứ do quân đội Mỹ dùng làm kho chứa, pha trộn, tiêu hủy chất khai quang trước kia nồng độ dioxin vẫn còn cao gấp hàng nghìn lần nồng độ cho phép. Tháng 9/2009, công ty tư vấn môi trường Hetfield của Canada đã đưa ra 28 điểm nóng về ô nhiễm dioxin, trong đó có 3 điểm nặng nhất được khảo sát có số liệu tương đối đầy đủ là sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), sân bay Đà Nẵng và sân bay Phù Cát (Bình Định).

Có thể nói, hậu quả của chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam là rất khủng khiếp. Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn nỗ lực, cố gắng đưa ra nhiều chính sách, cũng như huy động mọi nguồn lực xã hội để giúp đỡ các nạn nhân da cam. Hàng năm, Chính phủ dành khoảng 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân da cam, hỗ trợ những vùng khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc này. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy vẫn chưa thấm vào đâu so với nỗi đau mà các nạn nhân da cam Việt Nam đang phải gánh chịu.


Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Tp. Hồ Chí Minh), nơi lưu giữ nhiều bằng chứng
liên quan đến thảm họa chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Ảnh: An Hiếu


Một cháu nhỏ bị di chứng chất độc da cam/dioxin
đang được chăm sóc và điiều trị tại Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ, Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Minh


Nụ cười trên thân thể tật nguyền của hai em nhỏ bị di chứng chất độc da cam/dioxin
ở Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ, Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Minh


Điều trị phục hồi chức năng cho trẻ bị di chứng da cam/dioxin
ở Làng Hữu Nghị Việt Nam, huyện Hoài Đức, Tp. Hà Nội Ảnh: Trọng Chính



Em Thái Thị Nga, quê ở Tân Kỳ (Nghệ An), nạn nhân chất độc da cam,
người 4 lần tham gia Ban giám khảo Giải thưởng “Vì quyền trẻ em thế giới”
trong các năm 2005, 2006, 2007 và 2008. Ảnh: Trọng Chính



Một cựu binh Mỹ đến thăm cháu nhỏ bị di chứng da cam/dioxin ở Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam


Chị Barbora Sollerova, sinh viên đến từ Anh, tình nguyện chăm sóc các cháu
bị nhiễm chất độc da cam/dioxin ở Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ, Tp.HCM. Ảnh: Lê Minh



Benard J.Duff, cựu binh Mỹ và cũng chính là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, cùng các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam
tham gia chuyến đi bộ xuyên Việt mang tên "Hành trình cam" dài 
hơn 1.700 cây số  từ Tp. Hồ Chí Minh ra Hà Nội vào năm 2008 
để gây quỹ từ thiện ủng hộ các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam. Ảnh: Trọng Chính


Ngày càng có nhiều tổ chức, bạn bè quốc tế quan tâm,
ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ảnh: An Hiếu

 
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, nỗ lực của bất kỳ ai, dù bằng tinh thần, tri thức hay vật chất để khắc phục hậu quả thảm họa da cam/dioxin, hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng đều là vô giá.

Ông nói: “Người Việt Nam không sản xuất, không đi mua, không nhập khẩu, không rải chất da cam ở Việt Nam nhưng người Việt Nam đang và tiếp tục là nạn nhân của thứ chất độc chết người này!”.

Vì thế Phó Thủ tướng kêu gọi: “Không cách nào khác là phải tăng cường hợp tác, phải bằng tiếng nói của khoa học, của lương tâm, của sự thật để tất cả nạn nhân chiến tranh, đặc biệt là nạn nhân chất độc dioxin được hỗ trợ, được trả lại công bằng.”./.



Tại Việt Nam, Trong vòng 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học (trong đó chiếm tới 61% là chất da cam/dioxin) xuống gần 26.000 thôn bản với diện tích hơn 3 triệu ha. Ước tính mỗi người Việt Nam phải hứng chịu gần 3 lít chất độc da cam/dioxin, tạo nên một thảm họa chất độc da cam chưa từng có trong lịch sử loài người.


Thực hiện: TTXVN/Báo ảnh Việt Nam


Top