Phóng sự chuyên đề

Trên quê hương mới

Cách đây gần 10 năm, tại 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đã diễn ra một cuộc thiên di lớn nhất trong lịch sử. Hơn 20.000 hộ với hơn 96.000 nhân khẩu đã tự nguyện rời quê hương bản quán để nhường đất xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La. Đến nay, cuộc sống của bà con trên quê hương mới đã ổn định và sung túc hơn trước rất nhiều.
Vào tháng 12 năm 2012, tại buổi lễ long trọng khánh thành Nhà máy thủy điện Sơn La, công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á, trước đông đảo công nhân, kỹ sư và đồng bào các dân tộc vùng cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiệt liệt biểu dương đồng bào các dân tộc 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đã ủng hộ nhường đất cho công trình vì tương lai của đất nước. Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp chính quyền địa phương phải tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào yên tâm ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế ở nơi tái định cư.

Nhớ lại thời điểm năm 2004, Ban Quản lý Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La được thành lập và bắt tay vào thực hiện thì gặp trăm nghìn cái khó. Nhưng cái khó lớn nhất, như ông Lò Ngọc Ón, Phó trưởng Ban Quản lý Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La tỉnh Sơn La ví von: “Chinh phục lòng sông đã khó rồi nhưng chinh phục lòng người càng khó hơn”.
 

Trước khi về nơi ở mới, bản Ít Ong (huyện Mường La) nằm ven sông Đà,
nơi đây nay đã là công trình Nhà máy thủy điện Sơn La. Ảnh: Thông Thiện


Những chuyến xe giúp đồng bào Pác Ma (Quỳnh Nhai - Sơn La) di chuyển đến nơi ở mới. Ảnh: Trọng Chính
 

Lực lượng bộ đội, đoàn thanh niên… giúp dân dựng nhà trên quê hương mới. Ảnh: Thông Thiện


Dân bản Sơn Pha (huyện Mai Sơn) phấn khởi rủ nhau đi nhận tấm lợp do Nhà nước hỗ trợ về dựng nhà mới. Ảnh: Thông Thiện


Dân bản Nà Tân (huyện Mộc Châu) giúp nhau dựng nhà trên quê hương mới. Ảnh: thông Thiện


Đồng bào Dao chuyển đồ về nhà mới. Ảnh: Thông Thiện

Điện được kéo về bản mới để phục vụ cuộc sống của người dân tái định cư. Ảnh: Thông Thiện

Với mục tiêu phải tìm “nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” cho bà con, việc lo cho 12.000 hộ thuộc diện phải di dời của 3 huyện Mường La, Thuận Châu và Quỳnh Nhai là điều không hề đơn giản. Ông Lò Ngọc Ón và các đồng nghiệp đã mò mẫm trên những vùng đất hoang sơ để khảo sát và xây dựng địa điểm tái định cư. 10 năm làm công tác di dân thủy điện Sơn La, ông nhớ nhất những ngày đầu tiên xuống bản Púa, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai để thuyết phục 100 hộ dân di chuyển. Cứ mỗi lần họp người dân chỉ đến đứng dưới gầm nhà sàn nghe một lúc rồi về hết, chẳng hiểu tại sao?

Khi đến gặp già làng Cầm Bôi, trưởng bản Púa, chúng tôi mới hiểu nguyện vọng của dân rằng, Đảng, Nhà nước bảo chuyển đến nơi mới bà con xin nghe theo nhưng chỗ ấy phải tốt hơn chỗ ở cũ và bà con chỉ mong đến nơi nào có ruộng, có nước, có đất… để làm ăn sinh sống thôi.

Nắm bắt được tâm tư người dân, Ban Quản lý Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La đã tổ chức cho đại diện các dân bản đi thăm và tìm hiểu nơi vùng đất mới của mình sẽ chuyển đến sinh sống. Bà con cũng được phổ biến về chính sách hỗ trợ đền bù của Nhà nước cho mỗi hộ từ 2-4 người là 50 triệu đồng, hỗ trợ lương thực bằng tiền có giá trị tương đương 20kg gạo/người/tháng trong thời gian 2 năm.

Phấn khởi và an lòng, bà con đồng tình và sẵn sàng di dời vì họ đã hiểu rằng, đến nơi ở mới họ sẽ được nhà nước tạo điều kiện để có một cuộc sống ổn định và phát triển hơn.

Sau những ngày Tết năm 2005, các bản di dời tấp nập như ngày hội. Với khẩu hiệu “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, những đợt di dân về bản mới đã được tổ chức đồng bộ trên cả 3 huyện. Tỉnh Sơn La đã huy động hàng vạn người tham gia giúp đỡ các hộ dân tháo dỡ nhà ở bản cũ và dựng lại tại nơi ở mới. Hàng trăm chiếc ô tô ngày đêm ngược xuôi bản cũ - bản mới để phục vụ chuyển đồ, chuyển nhà cho dân.

Trong buổi lễ khánh thành Nhà máy thủy điện Sơn La, ông Ón vui mừng nói với chúng tôi: “Đến giờ phút này, gần 10 năm sau đợt di dân lịch sử, tỉnh Sơn La đã thành lập được 274 điểm tái định cư, các khu điểm tái định cư đã ổn định, bà con phấn khởi nhiều rồi, mời các nhà báo đến thăm bản mới”.
 

Tự nguyện nhường đất cho công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La để sang nơi ở mới,
đến nay cuộc sống của 40 hộ đồng báo Thái ở bản mới Nà Tân (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La)
đã ổn định và phát triển hơn trước rất nhiều. Ảnh: Thông Thiện



Để người dân về bản mới sớm ổn định cuộc sống, song hành cùng việc di dân
là sự đầu tư có hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm và đất canh tác… Ảnh: Thông Thiện


Người dân vùng tái định cư ở xã Tân Lập đã được Nhà nước đầu tư xây dựng bể để dự trữ nước sạch. Ảnh: Thông Thiện


Nước về bản mới. Ảnh: Thông Thiện


Học sinh các bản tái định cư ở xã Tân Lập (Mộc Châu - Sơn La)
đến trường bằng xe buýt thay vì phải đi bộ vất vả như trước đây. Ảnh: Thông Thiện


Trường Tiểu học Sơn Pha đã được xây mới khang trang, phục vụ tốt nhu cầu học tập của học sinh vùng tái định cư. Ảnh: Thông Thiện



Hệ thống trường học mầm non ở bản mới được Nhà nước quan tâm
đầu tư khang trang, sạch đẹp và khá đầy đủ tiện nghi. Ảnh: Việt Cường



Học sinh trường mầm non Sơn Pha giờ đã có cơ sở vui chơi tốt hơn trước rất nhiều. Ảnh: Việt Cường

Từ Nhà máy thủy điện Sơn La đến bản tái định cư Sơn Pha, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn khoảng 100km. Trên xe ông Ón cho biết thêm: “Trước đây bà con quen với tập quán canh tác trồng lúa nước, đánh bắt thủy sản trên sông Đà, cuộc sống theo hình thức du canh du cư nên gặp nhiều khó khăn. Muốn thoát nghèo thì phải chuyển đổi sản xuất. Cái khó nhất nhưng cũng thành công nhất của người làm công tác di dân còn là vận động bà con chuyển đổi sang cách làm ăn mới”.

Sơn Pha là một trong những bản tái định cư của 68 hộ đồng bào Thái từ huyện Quỳnh Nhai chuyển về vào năm 2007. Dọc đường vào bản, chúng tôi nghe thấy tiếng trẻ em trường mầm non của bản đang vui đùa rộn ràng trong sân trường. Ông Ón phấn khởi nói: “Giờ về bản mới, các thầy cô giáo không phải đến từng nhà vận động cho trẻ em đến lớp như ở bản cũ. Về đây việc học hành và đi lại của các cháu thuận tiện hơn nhiều. Các cháu đi học cách khoảng 7km có xe buýt đưa đón sướng lắm, không phải đi bộ như ngày xưa nữa”.

Trong ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái, anh Lò Văn Hội, trưởng bản Sơn Pha kể cho chúng tôi nghe câu chuyện từ năm 2007: “Ngày ấy nghe cán bộ đến bản vận động, vì chưa hiểu nên bà con cũng dùng dằng mãi chuyện đi, ở. Hồi mới chuyển về đây cuộc sống cũng nhiều xáo trộn nhưng được sự hỗ trợ nhiệt tình của các cán bộ, bà con cũng giúp đỡ lẫn nhau lúc tối lửa tắt đèn, nên cuộc sống đã ổn cả rồi”.

Nhanh nhẹn dẫn chúng tôi đi thăm bản, vừa đi anh vừa khoe: “Trước đây, ở bản cũ vất vả lắm, cái ăn không đủ, đàn ông thì săn bắt con thú con chim trên rừng, phụ nữ thì trồng lúa trồng bắp trên nương xa, trẻ con đi đến trường quá khó khăn nên bỏ học nhiều. Nhưng nay về bản mới này, có nhà cửa rộng rãi, có cái nước tự chảy vào bể, có cái điện sáng cái nhà... Nhà nào cũng có xe máy để đi lại, đời sống khấm khá hơn, bà con mừng lắm”.
 

Người Thái ở Tân Lập đã được quy hoạch đất để trồng lúa nước sau khi di dân đến nơi ở mới. Ảnh: Thông Thiện


Tính đến năm 2013, đồng bào tái định cư ở huyện Mai Sơn (Sơn La)
đã phát triển được 3.800 ha trồng mía nguyên liệu phục vụ cho Công ty Cổ phần mía đường Sơn La. Ảnh: Việt Cường



Người dân khu tái định cư Sơn Pha thu hoạch mía. Ảnh: Việt Cường


Mía trở thành nguồn thu nhập chính của người dân tái định cư bản Sơn Pha. Ảnh: Việt Cường


Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, từ năm 2005, gia đình chị Lò Thị Én ở bản Sơn Pha đã đầu tư nuôi bò.
Sau 8 năm gia đình chị đã xuất chuồng được hơn 30 con bò, mang lại thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Ảnh: Thông Thiện



Và cũng từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, gia đình anh Lý Văn Tươi ở bản Sơn Pha
đã mạnh dạn phát triển trang trại chăn nuôi lợn, mỗi năm xuất chuồng khoảng 5 tấn lợn thịt. Ảnh: Thông Thiện


Đến nay, đồng bào Thái ở bản tái định cư Nà Tân (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La)
cũng đã trồng mới được khoảng 45ha chè giống Bát Tiên, giúp ổn định và phát triển kinh tế. Ảnh: Việt Cường



 Huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) có 1.300ha ngô của 1500 hộ dân tái định cư
và được được mệnh danh là “vương quốc ngô” của vùng Tây Bắc. Ảnh: Thông Thiện



Đồng bào dân tộc Thái ở khu tái định cư Sơn Pha vẫn giữ được
các nghề truyền thống như may, đan các trang phục truyền thống. Ảnh: Việt Cường

Trước đây ở bản cũ, bà con quen với cuộc sống du canh du cư nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Sang bản mới, nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ sản xuất 10 triệu đồng/hộ và 5 triệu đồng/người về chi phí đào tạo chuyển đổi ngành nghề, mua sắm phương tiện sản xuất từ công tác “hậu tái định cư”, bà con chuyển sang trồng mía để cung cấp nguyên liệu cho Công ty Cổ phần mía đường Sơn La nên kinh tế khá giả, ổn định hơn trước.

Qua cánh đồng mía, chúng tôi gặp anh Lò Văn Hướng đang chặt mía, gương mặt đẫm mồ hôi anh nở nụ cười chia sẻ: “ Từ nguồn tiền nhà nước hỗ trợ và 1ha đất được cấp để canh tác, gia đình tôi trồng cây mía cũng được khá tiền, đến vụ là Công ty Cổ phần mía đường Sơn La đến thu mua hết. Sau mùa mía thì lại trồng cây ngô, mỗi năm gia đình tôi để dành gần 100 triệu đồng đấy”.

Thời điểm này đang vào chính vụ mía, từng đoàn xe đến thu mua mía đầy ắp. Tiếng gọi hối hả người bê kẻ vác và tiếng cười trên khắp cánh đồng mía với diện tích 57ha ở bản Sơn Pha, khiến chúng tôi như vui lây với niềm vui của bà con nơi đây.

Xe chúng tôi tiếp tục xuôi về phía bản Nà Tân, nơi có 40 hộ đồng bào Thái của huyện Mường La chuyển về hồi năm 2005.

Phải ngồi đợi một lúc lâu, anh Lý Văn Tươi - trưởng bản Nà Tân mới từ trên nương chè về nhà. Pha trà mời khách rồi anh phấn chấn: “Chè Bát Tiên đấy! Các bác thấy hương vị thế nào? Đây là sản phẩm của dân tái định cư chúng tôi trên quê hương mới đây! Hồi mới chuyển đến đây, bà con chưa quen khí hậu, người già cứ ngẩn ngơ vì nhớ quê cũ nhưng rồi các cán bộ hướng dẫn trồng chè thu nhập khá lắm”.

Được biết, để có những cánh đồng chè bạt ngàn hôm nay ở bản Nà Tân, Hội Nông dân phối hợp với Trung tâm khuyến nông huyện Mộc Châu đã mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật thâm canh và chăm sóc cây chè cho người dân trong bản trong khoảng nửa năm. Giờ đây bản Nà Tân nhà nhà đều phát triển kinh tế gia đình theo hướng trồng chè. Hiện cả bản có 45ha, người sản xuất giỏi thu nhập bình quân đạt 10-15 triệu/năm, bà con ai cũng phấn khởi.

Đang mùa chè ra búp, nên dân bản Nà Tân hầu hết đi lên nương chăm sóc và hái chè. Không khí trên những cánh đồng chè trải dài xanh mướt nơi đây cũng không kém phần nhộn nhịp như ngày mùa thu hoạch mía ở bản Sơn Pha.

Tạm biệt bản tái định cư Nà Tân khi mặt trời gác núi, từng đàn bò lũ lượt từ trên nương về bản, làn khói lam chiều bay lên từ những nếp nhà sàn san sát và đều tăm tắp dưới ánh nắng chiều, điện đã sáng trong từng ngôi nhà, tiếng trẻ nhỏ chơi đùa cười vang. Cuộc sống đã ổn định và đang khởi sắc trên quê hương mới của bà con dân tộc, những người gần 10 năm trước đã tự nguyện rời nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc./.
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Việt Cường, Thông Thiện, Trọng Chính

Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Cách thành phố Hà Nội chừng 70km về phía Tây Nam, tỉnh Hòa Bình được biết đến là “miền đất sử thi”, nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Mường. Trải qua nhiều thế hệ, đồng bào Mường nơi đây đã tạo dựng nên một kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Top