Phóng sự chuyên đề

ODA và hạ tầng giao thông Hà Nội

Hà Nội được đánh giá là địa phương sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, nhất là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhờ đó mà bộ mặt hạ tầng giao thông đô thị của Hà Nội giờ đây đã có nhiều thay đổi lớn theo hướng tiện nghi, hiện đại và đồng bộ hơn.
Mở những nút thắt giao thông
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của Việt Nam, nên những năm vừa qua, Hà Nội đã thu hút đông đảo nhân lực từ các địa phương khác về làm việc và định cư. Theo thống kê của Tổng cục Dân số, năm 2012, dân số Hà Nội đã vượt ngưỡng 7 triệu người. Dân số đông đã gây nên nhiều khó khăn cho Hà Nội như: nhà ở, môi trường, việc làm… đặc biệt là vấn đề giao thông.

Còn nhớ, cách đây khoảng 10 năm, người Hà Nội vẫn còn ám ảnh với những cảnh ùn tắc giao thông trên một số điểm nóng như: nút giao thông cửa ngõ phía Nam Thủ đô đoạn từ cao tốc Pháp Vân đến đường Giải Phóng, Ngã tư Kim Liên, Ngã tư Sở, đường Láng... Trước thực trạng đó, Nhà nước và Hà Nội đã có những giải pháp phù hợp như quyết định mở rộng địa giới Thủ đô (2008), đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn, nên việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông của Hà Nội vẫn chưa được giải quyết triệt để và đồng bộ.

Trước thực tế đó, Hà Nội đã huy động thêm nguồn vốn ODA. Vì vậy, lĩnh vực giao thông vận tải luôn được ưu tiên hàng đầu trong các dự án sử dụng vốn ODA. Tính đến hết năm 2010, vốn ODA dành cho giao thông ở Hà Nội chiếm khoảng 36,28% lượng ODA đã giải ngân (khoảng hơn 1.800 triệu USD).
 

Tình trạng dân số đông (hơn 7 triệu người) đã gây áp lực lớn lên vấn đề giao thông của Hà Nội. (Ảnh: Tất Sơn)

Sa bàn quy hoạch mở rộng địa giới và giao thông Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hà)

Tuyến đường vành đai 3 đoạn đi qua Bắc bán đảo Linh Đàm lúc đang xây dựng. (Ảnh: Trọng Chính)

Cầu vượt đường vành đai 3 đoạn Bắc Linh Đàm đến Mai Dịch dài gần 9km là tuyến đường cao tốc trên cao
hiện đại nhất Việt Nam, được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. (Ảnh: Trần Thanh Giang)

Đường cao tốc trên cao vành đai 3, đoạn đi qua khu vực Mỹ Đình, nhìn từ trên cao. (Ảnh: Công Đạt)

Một trong nhiều cầu dẫn trên tuyến đường vành đai 3. (Ảnh: Công Đạt)

Cầu vượt ở nút giao thông Láng Hạ - Thái Hà. (Ảnh: Công Đạt)

Cầu Thanh Trì, một cây cầu lớn bắc qua sông Hồng, được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. (Ảnh: Tư liệu JICA)

Hầm đường bộ Kim Liên. (Ảnh: Tất Sơn)

Chuyên gia Nhật Bản tập huấn nâng cao kỹ năng điều hành giao thông cho lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội.
(Ảnh: Tư liệu JICA)

«...
           Một số công trình giao thông tiêu biểu 
      của Hà Nội được xây dựng bằng nguồn vốn
                 ODA của Chính phủ Nhật Bản:


    - Cầu Thanh Trì có tổng chiều dài hơn 12.000m,
       rộng 33,10m với 6 làn xe, kinh phí xây dựng
       khoảng 410 triệu USD.
    - Đường vành đai 3 trên cao dài gần 9km, kinh phí 
       xây dựng hơn 300 triệu USD.
    - Cầu vượt Ngã Tư Sở.
    - Hầm đường bộ Kim Liên.
    - Cầu Nhật Tân.
    - Nhà ga hành khách số 2 tại Sân bay Quốc tế Nội Bài.
Nhờ có nguồn vốn này mà Hà Nội đã kịp thời đầu tư giải quyết được nhiều “nút thắt giao thông” vốn một thời là nỗi ám ảnh về nạn kẹt xe tắc đường của người dân Hà Nội. Trước tiên là nút thắt giao thông ngay cửa ngõ phía Nam Thủ đô, đó là tuyến đường cao tốc Pháp Vân nối với đường Giải Phóng. Trước năm 2000, tuyến đường này luôn trong tình trạng quá tải 24/24h do các phương tiện giao thông từ các nơi dồn đổ về. Chị Nguyễn Thị Phương sống ở phường Đại Kim có nhà nằm nay nút giao thông này nhớ lại: “Trước đây, vào giờ cao điểm, tuyến đường này hỗn loạn vô cùng, xe cộ chen nhau ách tắc kéo dài hàng mấy cây số. Gia đình tôi sống ngay bên đường không thể chịu nổi cảnh bụi bặm, ồn ào nên đã từng định bán nhà đi nơi khác sống”. May sao, tháng 10/2012, đường cao tốc trên không vành đai 3 đoạn Mai Dịch – Bắc Hồ Linh Đàm, tuyến đường cao tốc trên cao hiện đại nhất Việt Nam, được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản đã kịp hoàn thành, cải thiện đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông cho điểm nóng nơi cửa ngõ Thủ đô này. Tuyến đường này không những giải quyết được bài toàn ùn tắc giao thông mà còn kết nối với hàng loạt các tuyến đầu mối đường bộ khác như: QL 1, 5, 18, đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, Láng - Hòa Lạc, Thăng Long - Nội Bài… tạo thành một hệ thống giao thông liên hoàn hiện đại nối liền phía Nam đến phía Bắc thành phố Hà Nội.

Cũng trong năm 2012, bằng nguồn vốn ODA, Hà Nội đã giải quyết được phần nào bài toán ách tắc giao thông nội đô bằng việc xây dựng và đưa vào sử dụng có hiệu quả 5/18 cầu vượt tại các điểm: Chùa Bộc - Tây Sơn, Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, Láng - Lê Văn Lương, Láng - Trần Duy Hưng, nút Nam Hồng.

Nói về tính hiệu quả của những công trình này, đại úy Nguyễn Phương Nam thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội, người phụ trách điều khiển giao thông ở nút giao thông Chùa Bộc – Tây Sơn cho biết: “Trước đây, điểm này là nơi ùn tắc giao thông nghiêm trọng trong nội đô Hà Nội. Từ khi công trình cầu vượt đưa vào sử dụng, việc phân làn dễ hơn, thời gian chờ đèn đỏ cũng được rút ngắn hơn nên sự ùn tắc đã giảm đáng kể”.

Bên cạnh những công trình giao thông được xây dựng từ nguồn vốn ODA thì những dự án phần mềm về giao thông cũng đang phát huy hiệu quả. Nhật Bản là nước tiên phong đầu tư các kỹ năng phần mềm giao thông với dự án “Tăng cường an toàn giao thông trên các quốc lộ phía Bắc Việt Nam” bằng vốn vay Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với kinh phí lên đến 65 triệu USD.

Ông Takao Inami, Giám đốc tư vấn Dự án này cho biết: “Dự án được chúng tôi triển khai trên 10 tỉnh, thành phố, trong đó Thủ đô Hà Nội là trung tâm. Hiện nay chúng tôi đã và đang tập trung tổ chức đợt tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 300 cảnh sát giao thông của Hà Nội. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã triển khai được 18 khóa tập huấn cho trên 900 cán bộ và 30.204 lượt người dân của nhiều tỉnh thành lân cận Thủ đô về vấn đề an toàn giao thông”.

Vừa qua, trong chuyến tham quan thực tế một số dự án ODA Nhật Bản tiêu biểu ở Hà Nội, ông Tsuno Motonori, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam đánh giá: “Hà Nội đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Các công trình này sẽ góp phần hình thành một phần mạng lưới giao thông hiện đại cho Hà Nội, cải thiện hệ thống vận tải hàng hóa cũng như giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố”.

Trên những công trình trọng điểm
Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các Nhà tài trợ (CG) diễn ra vào cuối năm 2012, các nhà tài trợ song phương và đa phương đã cam kết tiếp tục tài trợ ODA cho Việt Nam với số tiền khoảng 6,5 tỉ USD trong tài khóa năm 2013. Trong đó, riêng Nhật Bản đã cam kết tài trợ cho Việt Nam khoảng 2,6 tỷ USD, tập trung cho việc phát triển cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực.

Điển hình cho vấn đề này là việc Hà Nội đang tập trung cho hai công trình trọng điểm được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, đó là công trình cầu Nhật Tân và Nhà ga hành khách T2 của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài.

Công trình cầu Nhật Tân được Chính phủ xác định là công trình trọng điểm quốc gia. Trên thiết kế, đây là cây cầu dây văng liên tục 6 nhịp với tổng chiều dài 1.500m, trong đó có 5 trụ tháp khổng lồ cao 110m, tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội chào đón bạn bè quốc tế. Cầu được thiết kế dạng dây văng đa nhịp hết sức độc đáo và sẽ trở thành kết cấu nổi bật trong lịch sử cầu thế giới.

Ông Kenji Matsuno, Phó Giám đốc điều hành liên doanh Nhà thầu IHI - Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) cho biết: “Nhật Tân là cây cầu có tính thẩm mỹ cao nên trong suốt thời gian qua các đơn vị thi công rất nỗ lực để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án. Với tiến độ như hiện tại, các nhà thầu cam kết sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác toàn bộ cầu Nhật Tân vào cuối năm 2014”.

Cầu Nhật Tân sau khi hoàn thành sẽ kết nối trung tâm Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc và các Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Đông Anh, Cổ Loa, Gia Lâm, Yên Viên. Cây cầu này trong tương lai còn có sứ mệnh hoàn thiện tuyến đường vành đai 2, rút ngắn tuyến đường từ trung tâm Thủ đô đến sân bay Nội Bài. Sau khi hoàn thành, đây là cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam và sẽ là một điểm nhấn trong kiến trúc cảnh quan Thủ đô.


Trên công trường xây dựng công trình cầu Nhật Tân. (Ảnh: Tất Sơn)

Ông Tsuno Motomori (ngoài cùng bên trái) - Trưởng đại diện Tổ chức JICA Việt Nam
thị sát tiến độ thi công cầu Nhật Tân. (Ảnh: Tư liệu JICA)

Thi công kết cấu thép cầu Nhật Tân. (Ảnh: Tất Sơn)

Công nhân thi công cầu Nhật Tân. (Ảnh: Tất Sơn)

Dầm bê tông cầu Nhật Tân. (Ảnh: Tất Sơn)

Hệ thống trụ cạn cầu Nhật Tân. (Ảnh: Tất Sơn)

Với sự nỗ lực của liên doanh các nhà thầu Việt Nam - Nhật Bản
cầu Nhật Tân sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2014. (Ảnh: Tất Sơn)

Nhà ga T2 của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài được thi công dưới sự hợp tác chặt chẽ
giữa các chuyên gia xây dựng Nhật Bản và các nhà thầu Việt Nam. (Ảnh: Tất Sơn)

Thi công giằng kết cấu thép trên công trường Nhà ga T2. (Ảnh: Tất Sơn)

Thi công móng trụ Nhà ga T2. (Ảnh: Tất Sơn)

Chuyên gia Nhật Bản và các nhà thầu Việt Nam giám sát thi công trên công trường Nhà ga T2. (Ảnh: Tất Sơn)

Toàn cảnh công trường Nhà ga T2. (Ảnh: Tất Sơn)

Theo giới thiệu của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, chúng tôi cũng đã đến tham quan tìm hiểu về dự án công trình xây dựng Nhà ga hành khách T2 của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Công trình có tổng đầu tư gần 900 triệu USD, trong đó có gần 700 triệu USD là từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Nhà ga T2 được thiết kế gồm 4 tầng, diện tích mặt bằng hơn 139.000m2, công suất dự kiến sẽ đưa đón 10 triệu hành khách/năm. Theo dự kiến, công trình này sẽ hoàn thành vào tháng 11/2014 và khi đưa vào sử dụng sẽ giảm tải cho Nhà ga T1 hiện đang bị quá tải.

Theo cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Nhật Bản xác định song hành với các khoản tiền viện trợ ODA là sự hỗ trợ, bàn giao cho Việt Nam về công nghệ xây dựng các công trình lớn. Điều này đang được thể hiện rõ nhất trên công trường cầu Nhật Tân và Nhà ga T2 khi liên doanh các nhà thầu Việt Nam – Nhật Bản phối hợp xây dựng hiệu quả những công nghệ thi công giao thông tiên tiến nhất thế giới hiện nay.

Có người ví rằng, nếu việc xây dựng hạ tầng giao thông Hà Nội giống như xây một “ngôi nhà” thì ODA chính là nguồn vốn giúp Hà Nội hoàn thiện các "mặt tiền" và "nội thất" của ngôi nhà. Trong đó, mặt tiền phía Nam chính là các công trình đã được đưa vào sử dụng hiệu quả, ví dụ như đường vành đai 3; mặt tiền phía Bắc là những công trình trọng điểm như cầu Nhật Tân, Nhà ga T2; và “nội thất” của ngôi nhà chính là hệ thống cầu vượt nội đô cùng với các dự án hỗ trợ kỹ năng mềm giao thông.

“Ngôi nhà giao thông” Hà Nội đang trong quá trình hoàn thiện, trong đó có sự đóng góp quan trọng của nguồn vốn ODA, đặc biệt là nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các công trình giao thông hiện đại ở Thủ đô không chỉ khẳng định rằng Hà Nội đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA mà nó còn thể hiện tình hữu nghị giữa hai nước đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, là điểm nhấn quan trọng chào mừng Kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973 - 2013)./.
Bài: Thông Thiện - Ảnh: Báo ảnh Việt Nam & Tư liệu JICA

Bài: Thông Thiện - Ảnh: Báo ảnh Việt Nam & Tư liệu JICA

Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Cách thành phố Hà Nội chừng 70km về phía Tây Nam, tỉnh Hòa Bình được biết đến là “miền đất sử thi”, nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Mường. Trải qua nhiều thế hệ, đồng bào Mường nơi đây đã tạo dựng nên một kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Top