Phóng sự chuyên đề

Điện về Lý Sơn

Cách đây hơn 4 thế kỷ, những hùng binh Hải đội Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn đã dùng ngọn đèn dầu soi sáng vượt biển đến quần đảo Hoàng Sa dựng mốc chủ quyền. Hàng thế kỷ qua, ngọn đèn dầu ấy gắn chặt với cuộc sống của ngư dân trên đảo. Đến hôm nay, một hệ thống đường cáp ngầm hiện đại đã vượt biển thành công đưa điện từ đất liền ra đảo Lý Sơn, thắp lên ánh sáng của niềm tin về một tương lai tươi sáng trên hòn đảo nơi tiên tiêu của Tổ quốc.
Dòng điện xuyên lòng biển

Trong vòng bốn năm gần đây, tôi đã có bốn chuyến công tác ra huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Tôi cứ mặc định rằng, người dân ở huyện đảo chưa đầy 5 cây số vuông này chỉ có hai nghề chính là đi biển và trồng hành tỏi. Nhưng trong lần tác nghiệp tại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào năm 2013, tôi mới biết thêm, trên huyện đảo này còn một nghề lạ, đó là nghề kéo máy nổ. Nghề kéo máy nổ chỉ mỗi gia đình ông Võ Hiển Linh ở xã An Hải đảm nhận và nhờ có chiếc máy nổ của ông mà điện đã thắp sáng trong ba đêm diễn ra Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm ấy.

Tìm hiểu mới biết, nghề kéo máy nổ tuy có mỗi gia đình ông Linh làm nhưng cực kỳ quan trọng với cuộc sống người dân trên đảo. Cứ theo như lời ông Linh: “Tôi đã có 27 năm kéo máy nổ thuê trên đảo này rồi. Anh tính, huyện họp cũng mướn tôi kéo máy nổ đến để lấy ánh sáng, rồi ma chay, hiếu hỉ, tôi cũng là người đầu tiên người dân nghĩ đến…”. Thế mới biết, cái chuyện ánh sáng điện trên đảo xa có ý nghĩa quan trọng thế nào đối với cuộc sống của người dân.

Tháng Chín năm 2014 này, tôi lại có dịp ra đảo Lý Sơn. Đi đến đâu cũng thấy người dân hào hứng, phấn khởi kể chuyện đảo sắp có điện lưới Quốc gia. Theo thuyền đánh cá của một ngư dân trên đảo, tôi ra xem đội thi công cáp ngầm đang làm việc ở ngoài biển. Tổ hợp thi công cáp ngầm trên biển gồm một sà lan rải cáp và hai chiếc thuyền lớn chạy hai đầu để định vị cáp dưới lòng biển.
 

Liên danh nhà thầu Prysmian - Thái Dương bố trí hơn 80 kỹ sư, công nhân cùng nhiều máy móc thiết bị hiện đại
để thi công tuyến cáp ngầm vượt biển ra Lý Sơn. Ảnh: Thông Thiện


Nhà thầu đã đưa sà lan dài 72m, rộng 21m, trọng tải hơn 5.000 tấn từ Singapore về Việt Nam
phục vụ thi công kéo cáp ngầm xuyên biển ra huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Thông Thiện


Cáp ngầm sử dụng kéo điện ra Lý Sơn được đặt hàng sản xuất tại Italia. Ảnh: Thông Thiện


Thợ lặn kiểm tra cáp ngầm tại vùng biển gần bờ đảo Lý Sơn. Ảnh: Thông Thiện


Sau khi vượt qua hơn 26km ngầm dưới lòng biển, đường cáp ngầm đã được các kỹ sư
của liên danh nhà thầu Prysmian - Thái Dương kéo tiếp bờ an toàn lên bờ biển đảo Lý Sơn. Ảnh: Thông Thiện


Những mét cáp cuối cùng đã nối bờ an toàn lên đảo Lý Sơn. Ảnh: Thông Thiện


Gần 3 km đường dây trên không và hơn 4.200 công tơ điện được triển khai lắp đặt đồng bộ
trên đảo Lý Sơn để đưa điện về phục vụ đời sống của người dân. Ảnh: Thông Thiện
 
«
      Dự án cấp điện từ hệ thống điện lưới Quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn có tổng mức đầu tư 652 tỷ đồng. Quy mô dự án gồm 2 phần: Đoạn đường dây 22kv đi trên không thuộc huyện Bình Sơn dài 8,7km và đấu nối vào Trạm biến áp 110kv E17 Dung Quất. Đoạn cáp ngầm đi dưới biển từ đất liền ra đảo Lý Sơn dài 26,6km. Song hành cùng dòng điện xuyên lòng biển, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã kéo thêm dây cáp quang internet có đường truyền tốc độ cao và băng thông rộng đến đảo Lý Sơn.

»
Được biết, đơn vị thi công công trình này là Liên danh nhà thầu Prysmia - Thái Dương. Các kỹ sư, công nhân của công trình này đều là những người có kinh nghiệm đến từ các quốc đảo như Indonesia và Philippines.

Tại đây tôi gặp anh Ronald Dolocsaribu, kỹ sư điện người Indonesia. Anh là chuyên gia hàng đầu của Indonesia về lĩnh vực kéo cáp ngầm dưới biển và cũng chính là người đã trực tiếp tham gia thi công công trình kéo đường điện cáp ngầm từ đất liền ra huyện đảo Cô Tô ở Quảng Ninh trước đó.

Ronald Dolocsaribu nói được tiếng Việt, anh vui vẻ cho biết: “Tôi đã nghe truyền thông thế giới nói nhiều về đảo Lý Sơn và những câu chuyện cảm động về việc đội hùng binh Lý Sơn năm xưa đã dũng cảm dùng thuyền nhỏ vượt biển ra Hoàng Sa để vừa đánh bắt làm ăn sinh sống, vừa bảo vệ chủ quyền của mình. Vì thế, tôi vừa tò mò, vừa hào hứng khi nhận nhiệm vụ thi công tuyến cáp điện ngầm ra hòn đảo kì lạ này”.

Trở lại với công việc kéo cáp điện ngầm, kỹ sư Ronald Dolocsaribu cho biết, vào cuối tháng Chín là cận mùa mưa bão nên biển luôn có sóng lớn, thi công càng xa bờ thì độ sâu sẽ tăng lên và địa hình đáy biển càng phức tạp. Có nơi đáy biển sâu hơn 100 mét nên rất khó khăn cho những thợ lặn định vị cáp. Tuy nhiên, với quyết tâm của Liên danh nhà thầu Prysmia - Thái Dương và kinh nghiệm của nhiều kỹ sư người Indonesia nên công việc được tiến hành đúng với kế hoạch đề ra.

Khi những mét cáp điện ngầm đầu tiên chạm vào bãi cỏ biển trên đảo Lý Sơn thì ông Nguyễn Hồng Thái - Tổng Giám đốc Liên danh nhà thầu Prysmia - Thái Dương mới thở phào nhẹ nhõm. Ông Thái cho biết: “Theo kế hoạch, Nhà thầu chúng tôi sẽ đấu nối điện ở Lý Sơn vào cuối tháng Chín, trước mùa mưa bão năm nay. Đến thời điểm này, chúng tôi tự tin có thể thông tin cho nhà báo rằng, công trình kéo cáp ngầm điện ra Lý Sơn đã thành công 99%”.

Lý Sơn chuyển động

1% còn lại theo như lời ông Nguyễn Hồng Thái nói đã hoàn thành vào ngày 28/9. Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVN CPC – Chủ đầu tư) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức lễ khánh thành dự án cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm.

“Điện về” là cụm từ mà hơn 22 nghìn người dân Lý Sơn nhắc đến nhiều nhất trong những ngày ấy. Người dân trên đảo ai cũng vui, và ai cũng có những dự định cho riêng mình. Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: “Trước khi chưa có điện lưới Quốc gia, người dân Lý Sơn chúng tôi “khát” nhiều thứ lắm! Ngư dân thì “khát” nơi sơ chế thủy sản, nông dân thì “khát” nước và phương tiện tưới tiêu cho cây hành, tỏi. Học sinh thì “khát” công nghệ thông tin. Giới công chức thì khát internet để phục vụ công tác. Còn toàn bộ người dân huyện đảo thì khát nước vào mùa khô. Có điện chúng tôi đã giải được bài toán “khát” của huyện đảo”.

Sự vui mừng khi điện về thể hiện rõ trên nét mặt ông Trần Phúc Sinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lý Sơn. Ông Sinh cho biết, thiếu điện đã ảnh hưởng nhiều đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh, đặc biệt là bộ môn Công nghệ thông tin. Từ trước đến nay, học sinh huyện đảo phải học chay môn này, có nghĩa là có học lý thuyết nhưng không thể thực hành trên máy vi tính. Có điện lưới Quốc gia, ngành giáo dục huyện Lý Sơn sẽ triển khai và ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong trường học.
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Lễ khánh thành Dự án cấp điện từ hệ thống điện Quốc gia
cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm. Ảnh: Đăng Lâm


Điện bừng sáng đảo Lý Sơn. Ảnh: Thông Thiện


TÀu cao tốc đưa khách du lịch ra tham quan huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Thông Thiện


Những chuyến tàu đầy ắp các thiết bị điện dân dụng như tivi, tủ lạnh, máy điều hòa...
được chở từ đất liền ra đảo Lý Sơn để phục vụ nhu cầu đời sống đang đổi thay nhanh chóng của người dân. Ảnh: Ngọc Hà


Người dân Lý Sơn phấn khởi mua sắm nhiều thiết bị điện để phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống. Ảnh: Ngọc Hà


Kể từ khi có điện, mọi hoạt động vui chơi giải trí trên đảo Lý Sơn cũng trở nên sôi động hơn. Ảnh: Ngọc Hà


Đường diện được kéo đến tận cảng An Hải để phục vụ nhu cầu nghề cá xa bờ của ngư dân Lý Sơn. Ảnh: Thông Thiện


Sắp tới Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt ở đảo Bé (cách đảo Lý Sơn khoảng 5km)
cũng sẽ giảm được chi phí sản xuất khi tỉnh Quảng Ngãi đầu tư tuyến cáp ngầm từ đảo Lý Sơn sang đảo Bé. Ảnh: Thông Thiện


Điện giúp dân đảm bảo việc tưới tiêu cho hơn 300ha hành, tỏi trên đảo. Ảnh: Thông Thiện


Khi điện về huyện đảo, hệ thống hạ tầng viễn thông cũng được Nhà nước đầu tư đồng bộ trên huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Thông Thiện
 
Cuối ngày, ông Võ Hiển Linh gọi điện thoại di động mời chúng tôi về nhà dự một buổi lễ trọng. Thì ra, tối nay gia đình ông sửa soạn lễ lạt để dâng hương tại đền thờ họ Võ báo cáo với tổ tiên sẽ thực hiện chuyến ra khơi đầu tiên sau 27 năm làm nghề kéo máy nổ. Ông Linh vui mừng thổ lộ rằng: “Tổ tiên nhà tôi là cụ Võ Văn Khiết – Đội trưởng Đội Hoàng Sa - vâng mệnh vua đưa dân binh đến quần đảo Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền vào năm 1786. Bây giờ đảo đã có điện nên tôi bỏ nghề kéo máy nổ để theo lại nghề xưa của các cụ dong thuyền ra Hoàng Sa đánh cá”.

Cũng trong buổi lễ tại nhà thờ tổ họ Võ, chúng tôi gặp lại một người quen cũ. Đó là anh Võ Văn Út – cháu đích tôn của dòng họ Võ ở Lý Sơn mà tôi đã có dịp trò chuyện trong lần ra đảo Lý Sơn năm trước. Lan man câu chuyện về nghề cá, hứng chí anh Út khẳng định chắc nịch: “Đảo có điện, dân đi biển như tụi tôi sướng lắm anh ạ! Giờ không còn nỗi lo thiếu điện nạp ắc quy dự trữ, không còn phải lo thủy sản bị rớt giá hoặc ép giá do không có điều kiện bảo quản. Mừng hơn cả là đá lạnh, thứ nguyên liệu quan trọng hàng đầu dùng để bảo quản cá đã rẻ bằng 1/3 so với trước”.

Được biết, trước đây, một cây đá lạnh để bảo quản thủy sản trên thuyền đi đánh cá dài ngày có giá bán tại Lý Sơn khoảng gần 30 nghìn đồng. Từ khi có điện, nhà máy nước đá được xây dựng, giá bán một cây đá chỉ còn 8 nghìn đồng. Điều này đã giảm chi phí đáng kể cho hơn 400 chiếc tàu công suất lớn của huyện đảo, góp phần tăng thu nhập cho ngư dân.

Câu chuyện vui về điện tại Nhà thờ họ Võ tưởng như không có hồi kết khi chị Lưu Thị Bình, vợ ông Võ Hiển Linh góp chuyện: “Đừng tưởng điện về thì cánh ngư dân các anh sướng nhé, còn cánh đàn bà chúng tôi làm nghề trồng hành, tỏi cũng được nhàn hạ rồi”. Chị Bình khoe, kể từ khi có điện, nhà chị sắm luôn một hệ thống bơm tưới tự động để phục vụ cho việc trồng hành tỏi.

Xem ra nghề trồng hành, tỏi Lý Sơn vốn từ lâu đã nổi tiếng cả nước, giờ lại có cơ hội được phát triển hơn khi điện về giúp đảm bảo điều kiện tưới tiêu cho hơn 300ha và sấy khô sản phẩm sau thu hoạch.

Hôm sau, tôi chuẩn bị hành lý rời đảo Lý Sơn sau khi đã hoàn thành chuyến công tác thì chủ nhà nghỉ Bình Yên là anh Nguyễn Thới ở thôn Tây (xã An Vĩnh) hồ hởi thông báo rằng: “Nhân chuyện vui điện về đảo, giảm giá 1/3 tiền nghỉ cho nhà báo là khách quen”. Anh Thới còn cho biết, lần sau tôi ra Lý Sơn, nhà nghỉ Bình Yên của anh sẽ được nâng cấp lên thành khách sạn với đầy đủ các tiện nghi hiện đại như: điều hòa, bình tắm nóng lạnh, wifi miễn phí…

Nhân chuyện này, tôi lại nhớ tới cuộc trò chuyện với bà Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Thị Hương. Bà Hương cho biết, sau khi đảo có điện, nhiều doanh nghiệp du lịch đã liên hệ xin được đầu tư ở huyện Lý Sơn. Trong thời gian tới, đảo sẽ có thêm nhiều khách sạn, khu du lịch quy mô để phục vụ du khách một cách chuyên nghiệp hơn. Dự kiến, đến cuối năm 2014 này, đảo sẽ có hai khách sạn 3 sao được hoàn thành để kịp phục vụ du khách.

Trở về Hà Nội khi phố phường rực rỡ ánh sáng đèn hoa chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô, tôi lại nhớ tới bầu không khí nhộn nhịp tưng bừng ở Lý Sơn. Ở đó, một nhịp sống mới tràn đầy năng lượng cũng bắt đầu bừng dậy với những hứa hẹn về một tương lai tươi sáng, làm rạng rỡ quê hương của những hùng binh Hải đội Hoàng Sa./.
 
Bài: Thông Thiện - Ảnh: Thông Thiện, Đăng Lâm, Ngọc Hà

Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Cách thành phố Hà Nội chừng 70km về phía Tây Nam, tỉnh Hòa Bình được biết đến là “miền đất sử thi”, nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Mường. Trải qua nhiều thế hệ, đồng bào Mường nơi đây đã tạo dựng nên một kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Top