Phóng sự chuyên đề

Cà Mau – điểm sáng miền cực Nam

Cà Mau là tỉnh tận cùng nơi miền cực Nam của Tổ quốc. Nơi đây thiên nhiên ưu đãi, nguồn lợi thủy hải sản dồi dào, những cánh rừng tràm, rừng đước xanh thẳm điệp trùng, sông nước mênh mang, cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp. Đó chính là những nguồn lợi để Cà Mau phát triển kinh tế và du lịch.
Khám phá Cà Mau:
«
          Cà Mau có diện tích 5.211 km2, dân số hơn 1.205.000 người (thống kê 2009). Theo sử liệu, người Việt có mặt ở vùng đất Cà Mau từ cuối thế kỷ 17. Trước đây Cà Mau thuộc tỉnh Bạc Liêu. Năm 1947 Cà Mau được tách khỏi Bạc Liêu và nâng cấp thành tỉnh An Xuyên. Năm 1976, tỉnh An Xuyên và Bạc Liêu hợp nhất thành tỉnh Minh Hải. Từ 1/1/1997, tỉnh Cà Mau được tái lập từ sự chia tách tỉnh Minh Hải thành tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau như ngày nay. Năm 2010, thành phố Cà Mau được Chính phủ công nhận là đô thị loại II.
             »
Từ thành phố Cà Mau, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình khám phá mảnh đất nơi miền cực Nam của Tổ quốc. Sừng sững và kiêu hãnh giữa trung tâm thành phố là tượng đài Chiến Thắng thể hiện thế mạnh đặc trưng của vùng đất và con người Cà Mau. Từ đây, chúng tôi đi qua các ngả phố êm đềm với những xóm nhà bình yên và giản dị nằm ven sông, vào tham quan trại đóng ghe xuồng, ghé thăm những khu chợ buôn bán sầm uất với vô vàn các loại đặc sản miền biển đặc trưng của Cà Mau cùng vô số sản vật của những xứ miệt vườn...

Nói đến Cà Mau là nói đến một vùng đất thiên nhiên hoang sơ với những cánh rừng tràm, rừng đước bạt ngàn và những dòng sông, kênh rạch mênh mông bát ngát, ẩn chứa nhiều sắc màu văn hóa đặc trưng không đâu có được.

Cà Mau có 8 dòng sông chảy qua địa phận tạo thành các cửa sông lớn cùng với hơn 7000km chiều dài sông rạch, tạo nên vẻ đẹp sông nước đặc sắc cùng với nhiều đặc sản ẩm thực đa dạng. Đây chính là kho báu mang đến cho Cà Mau lợi thế phát triển một ngành du lịch mang sắc thái riêng.

Từ thành phố Cà Mau theo hướng biển Tây không xa là đến Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Lên Vọng Lâm Đài lộng gió, ngắm nhìn bốn phía, thấy rừng tràm trải rộng một màu xanh ngắt. Vườn Quốc gia U Minh Hạ được ví là “lá phổi xanh” của miền Tây Nam bộ, đồng thời là nơi trú ngụ, sinh sôi của các loài chim, thú, thủy hải sản. Đến đây, hấp dẫn nhất là được thưởng thức món cá lóc U Minh nướng trui và theo người dân đi gác kèo ong và ăn ong trong những cánh rừng tràm bát ngát, mênh mông.


Thành phố Cà Mau là một trong 4 đô thị động lực trong vùng kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Nguyễn Luân


Cửa biển Đất Mũi, Cà Mau. Ảnh: Nguyễn Luân


Cảnh sắc sông nước ở huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Nguyễn Luân


Du khách tìm mua các loại hải sản khô đặc sản của Cà Mau ở huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Nguyễn Luân


Du khách có thể chọn mua trái cây tươi ngon ở chợ trái cây Cà Mau vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Ảnh: Nguyễn Luân


Một khu đô thị mới xây dựng của thành phố Cà Mau. Ảnh: Nguyễn Luân


Năm 2013, Cà Mau đón  848.500 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. Ảnh: Nguyễn Luân


Lễ hội nghinh Ông ở Sông Đốc hàng năm thu hút hàng ngàn người dân và khách du lịch tham gia. Ảnh: Dư Minh Chiến


Toàn cảnh khu du lịch Hòn Đá Bạc Ảnh: Dư Minh Chiến


Du khách tham quan Đất Mũi bằng cano. Ảnh: Nguyễn Luân


Phố đêm Cà Mau nhộn nhịp đông vui. Ảnh: Nguyễn Luân


“Cà Mau sẽ đầu tư toàn diện để phát triển kinh tế – xã hội, đổi mới diện mạo đô thị và nông thôn, ưu tiên giải quyết việc làm, nhà ở, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...”
(Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi)
Cách U Minh Hạ không xa, ở huyện Trần Văn Thời có Khu du lịch Hòn Đá Bạc rất kỳ thú với niên đại khoảng 180 triệu năm. Nơi đây thiên nhiên như một bức tranh thủy mặc với hình ảnh núi non nổi bật trên nền trời biển bao la, kỳ vỹ.

Theo con đường uốn lượn giữa màu xanh của những cánh đồng lúa, chúng tôi đến thị trấn Sông Đốc, nơi suốt ngày rộn rã tiếng máy tàu thuyền vào ra cập bến với tôm cá đầy khoang. Đến với Sông Đốc, du khách không những được ngắm nhìn cảnh biển Tây mênh mang, khoáng đạt như tính tình phóng khoáng của người dân nơi đây, mà còn được khám phá nhiều sắc màu văn hóa độc đáo, đặc sắc nhất là lễ hội Lăng Ông Nam Hải, một lễ hội truyền thống của cư dân miền biển cực Nam.

Hấp dẫn nhất và cũng ý nghĩa nhất là tuyến du lịch đến Mũi Cà Mau, nơi địa đầu mũi cực Nam của Tổ Quốc ở ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Để đến được điểm cực Nam của Tổ quốc, chúng tôi đi bằng xuồng máy. Từ thị trấn Năm Căn ra Đất Mũi chừng hơn năm chục cây số, đi xuồng máy chừng hơn một tiếng đồng hồ là tới nơi nhưng thú vị vô cùng, vì được tận hưởng cái cảm giác được ngồi xuồng máy lướt ào ào trong gió giữa bốn bề trời nước và rừng đước bạt ngàn mát rượi gió biển.

Mũi Cà Mau thiêng liêng của Tổ quốc hiện dần lên với cột mốc tọa độ quốc gia và biểu tượng Mũi Cà Mau hình con tàu quay ra hướng biển. Mũi Cà Mau cũng là nơi duy nhất trên đất liền của nước ta thấy được Mặt Trời mọc lên từ Biển Đông và lặn xuống mặt biển Tây.

Phía Tây Đất Mũi có khu vực bãi bồi, nơi đây cây mắm tiên phong mở đất, cây đước theo sau tỏa rễ chùm giữ chặt, cứ thế từng ngày, mỗi năm đất nước vươn xa ra biển hàng chục mét. Chúng tôi bơi xuồng len lỏi giữa rừng đước, ngắm những thân cây vươn thẳng, chùm rễ tỏa rộng vững chãi cắm sâu vào lòng đất, vào thăm những ngôi nhà không cửa mộc mạc của ngư dân, thưởng thức món đặc sản cá thòi lòi nướng, hàu nướng, tôm, cua biển... Đó là những cảm giác không thể nào quên khi đến với Đất Mũi yêu thương.

Ở huyện Ngọc Hiển, ngoài địa danh Đất Mũi còn có các điểm du lịch hấp dẫn khác như đảo Hòn Khoai, bến Vàm Lũng, cột mốc số không trên con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Sắp tới, khi cây cầu Năm Căn khánh thành, nối Ngọc Hiển với đất liền, nơi đây sẽ có cơ hội phát triển kinh tế, xã hội và du lịch nhiều hơn nữa.

Tuyến du lịch Mũi Cà Mau góp phần khởi sắc du lịch Cà Mau. Năm 2013, Cà Mau đón khoảng hơn 800.000 lượt khách du lịch, trong đó có khoảng hơn 18.000 lượt khách quốc tế. Để khai thác tốt hơn nữa tiềm năng du lịch sẵn có, thiết nghĩ Cà Mau cần xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, kết nối các tuyến du lịch, đẩy mạnh các giải pháp kích cầu và xây dựng cơ sở lưu trú tiện nghi tại các điểm đến chính.

Đi lên nhờ thế “chân kiềng”:
Điều kiện tự nhiên giúp cho Cà Mau có những lợi thế đặc biệt để phát triển kinh tế với một thế “chân kiềng” vững mạnh gồm ba trụ cột chính là: ngư - nông - lâm nghiệp (37,1%), công nghiệp (36,9%) và thương mại - dịch vụ (26%).

Thế “chân kiềng” thứ nhất và cũng vững mạnh nhất trong cơ cấu kinh tế của Cà Mau là lĩnh vực ngư – nông – lâm nghiệp, trong đó ngành thủy sản chiếm 30% GDP của tỉnh. Cà Mau là tỉnh có ngành thủy sản phát triển nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cũng là địa phương có diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản cao nhất cả nước. Cà Mau ba mặt giáp biển, có bờ biển dài 254km, ngư trường rộng hơn 70.000km2 cùng với những vùng đất thấp nhiễm mặn rộng lớn thuận lợi cho việc khai thác, nuôi trồng thủy sản. Năm 2013, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 440.000 tấn; diện tích nuôi trồng 296.000ha, trong đó diện tích nuôi tôm chiếm tới 90% với sản lượng hơn 140.000 tấn.

Để tăng tiềm lực cho ngành thủy sản, Cà Mau đã đầu tư phát triển một đội tàu đánh bắt xa bờ gần 5000 chiếc, xây dựng cảng cá, bến tàu. Bản thân các doanh nghiệp trong ngành thủy sản cũng chú trọng đổi mới công nghệ, trang bị máy móc hiện đại...


Với diện tích nuôi trồng thủy sản 296.000ha, tôm là loài thủy sản được nuôi chiếm 90% diện tích nuôi trồng của tỉnh Cà Mau năm 2013.
Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam


Nuôi hàu tự nhiên trên sông ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nguyễn Luân


Chế biến các loại khô cá biển ở các làng chài ven biển Cà Mau. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam


Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm hơn 30% GDP của tỉnh. Ảnh: Nguyễn Luân


Nhà máy Đạm Cà Mau trong cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm (xã Khánh An, huyện U Minh). Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam


Hệ thống cân đóng bao tự động của nhà máy đạm Cà Mau. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam


Với công suất 800.000 tấn đạm U rê mỗi năm, nhà máy đạm Cà Mau
cung cấp lượng phân bón cho hầu hết vùng trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam


Một góc nhà máy điện Cà Mau 1. Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam

“Ở nơi đầu sóng ngọn gió, chúng tôi vừa phải lo phát triển kinh tế ổn định vừa chăm lo sao cho cuộc sống của người dân bớt khó khăn. Nhân dân toàn huyện đoàn kết, cần cù và luôn duy trì ý chí vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để góp phần xây dựng quê hương và giữ vững cuộc sống bình yên...”
(Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau)
Ngoài thủy sản, Cà Mau còn có hơn 130.000ha diện tích đất trồng lúa, sản lượng đạt hơn 560.000 tấn thóc/năm. Về lâm nghiệp, Cà Mau có thảm rừng tràm nguyên sinh khổng lồ ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ và cánh rừng đước lớn thứ hai thế giới, chỉ sau rừng Amazon, ở vùng đất ngập mặn ven biển của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Tháng 5/2009, UNESCO công nhận Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới. Tháng 4/2013 Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được công nhận là khu Ramsar thứ 2088 của thế giới.

“Chân kiềng” thứ hai trong kinh tế của Cà Mau là công nghiệp. Trong lĩnh vực này, Cà Mau phát triển những thế mạnh về chế biến thủy sản xuất khẩu, cơ khí đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công nghiệp năng lượng và hóa chất. Ngoài Khu công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau, công trình trọng điểm Quốc gia, tỉnh còn có 04 khu công nghiệp và 04 cụm công nghiệp đang được xây dựng.

Thành phố Cà Mau, thủ phủ của tỉnh Cà Mau, là điểm sáng trong bức tranh công nghiệp Cà Mau với hơn 70% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Tại đây, tập trung nhiều tập đoàn, công ty chế biến thủy hải sản lớn. Vì thế, vóc dáng của một trong 4 đô thị động lực trong vùng kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long đang dần được khẳng định với những thành tựu vượt bậc về phát triển kinh tế - xã hội.

“Chân kiềng” thứ ba chính là thương mại - dịch vụ. Trong lĩnh vực này, Cà Mau thực hiện nhiều giải pháp kích cầu giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu năm 2013 của tỉnh ước đạt khoảng hơn 950 triệu USD. Trong đó, thủy sản là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, được xuất đến hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Nhật Bản, EU...

Từ một tỉnh nghèo, với tinh thần nỗ lực, sau 16 năm tái lập, Cà Mau trở thành một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. So với lúc mới tái thành lập, năm 2013 GDP toàn tỉnh ước đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng hơn 4,6 lần; thu nhập bình quân đầu người/năm khoảng 1.390 USD, tăng hơn 4 lần.

Nói về tương lai của tỉnh nhà, ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đã xây dựng quy hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn, trong đó chú trọng việc đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, nhất là các công trình trọng điểm. Trước mắt sẽ đẩy mạnh khai thác tiềm năng về kinh tế biển, rừng và du lịch./.
Bài: Vân Quý - Ảnh: Nguyễn Luân 

Bài: Vân Quý - Ảnh: Nguyễn Luân

Điện Biên Phủ - trung tâm du lịch mới của vùng Tây Bắc

Điện Biên Phủ - trung tâm du lịch mới của vùng Tây Bắc

70 năm trước, cái tên Điện Biên Phủ hiện lên chói lọi trên bản đồ thế giới với chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (07/05/1954 - 07/05/2024). Ngày nay, thành phố Điện Biên Phủ của tỉnh Điện Biên được biết đến như một trung tâm du lịch mới nổi của vùng Tây Bắc với thế mạnh về du lịch lịch sử - tâm linh văn hóa; du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Top