Văn hóa

Vẻ đẹp “Vầng trăng khuyết”

10 thí sinh được chọn từ hơn 70 thí sinh là người khuyết tật đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước đã thể hiện nghị lực sống, khát khao cống hiến qua cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.

Hàng trăm khán giả có mặt ở Khách sạn Melia (Hà Nội) đã hồi hộp theo dõi đêm chung kết cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”, một cuộc thi đặc biệt ngay từ cái tên, với sự tham gia của các thí sinh là người khuyết tật.
 

Cuộc thi sắc đẹp dành cho người khuyết tật lần đầu tiên được tổ chức mang tên “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”.

Cuộc thi thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ khuyết tật.

Cuộc thi có khẩu hiệu đầy ý nghĩa: “Hình thể của tôi, tài năng của tôi”. Anh Trịnh Công Thanh, Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Thành phố Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức chia sẻ: “Vẻ đẹp không phụ thuộc vào một cơ thể hoàn hảo mà nó phụ thuộc vào vẻ đẹp tâm hồn, là sự tự tin và tài năng tiềm ẩn của bản thân mỗi thí sinh. Tại cuộc thi này, các thí sinh đã tự tin thể hiện và khẳng định được mình”.

“Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” là cuộc thi sắc đẹp đầu tiên dành cho người khuyết tật được tổ chức tại Việt Nam. Điều đặc biệt của cuộc thi nằm ở ý nghĩa nhân văn mà nó chuyển tải tới tất cả mọi người. Cuộc thi sắc đẹp này không căn cứ theo số đo 3 vòng hay các hoạt động xã hội bởi chuyện đời mỗi thí sinh đã là những thông điệp lớn tới toàn xã hội.

Cuộc thi đã nhận được hơn 70 hồ sơ của các thí sinh từ khắp mọi miền đất nước. Qua các vòng tuyển chọn và chấm điểm thí sinh tại nhà, Ban Giám khảo đã chọn được 10 thí sinh tiêu biểu đến từ Sơn La, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Quảng Bình, Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội… tham dự vòng chung kết.

10 người đẹp khuyết tật tham dự đêm chung kết đều là những thiếu nữ có vẻ đẹp trong sáng và không ít thí sinh đã giành được cảm tình của khán giả về sự xinh xắn, đáng yêu của mình. Vượt lên trên sự mặc cảm, 10 cô gái khuyết tật đã tự tin thể hiện khát khao cống hiến của mình trong đêm chung kết, để rồi tỏa sáng. Họ chính là những “vầng trăng”, tuy có “khiếm khuyết”, tuy không thực sự “viên mãn” song vẻ đẹp vẫn đằm thắm, tỏa sáng, là những bông hoa chịu nhiều sương gió nhưng vẫn luôn rực rỡ sắc hương.

Khán giả đã được nghe những câu chuyện đời cảm động của từng thí sinh. Thí sinh Ngọc Hòa chia sẻ, những người khuyết tật là những người “tàn” nhưng không “phế”, họ làm rất nhiều công việc khác nhau như bao người bình thường khác. Đó cũng chính là bài học sinh động, cụ thể nhất về ý chí vươn lên của con người trước khó khăn cuộc sống.


Hoa hậu Cuộc thi "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết" là Nguyễn Thị Ánh Ngọc, sinh viên khoa Tâm lý học, Đại học KHXH&NV Hà Nội.

Niềm vui của vợ chồng thí sinh Nguyễn Thị Hậu, giải nhì Cuộc thi "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết".

Nguyễn Thị Ngọc Hòa đoạt giải “Gương mặt khả ái” của Cuộc thi "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết".

Thí sinh Đoàn Lê Thu, sinh năm 1994, đến từ Nam Định, thể hiện tài ngâm Kiều với cây đàn bầu.

Thí sinh Trần Thị Hạnh, sinh năm 1988, đến từ Hà Nam, thể hiện ca khúc “Con yêu mẹ” ở phần thi tài năng.

Tình cảm của khán giả dành cho thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Hòa, sinh năm 1986, đến từ thành phố Hồ Chí Minh.

Những giây phút xúc động của hai mẹ con
thí sinh Nguyễn Thị Ánh Ngọc.

Ca sỹ Phương Anh, cô bé xương thủy tinh của “Viet Nam's
Got Talent” biểu diễn tiết mục mở màn cho đêm chung kết.

Khán giả không thể quên câu chuyện của thí sinh Nguyễn Thị Ánh Ngọc, 21 tuổi, quê Hải Dương, với bài thuyết trình đầy cảm động về tình mẹ trong phần thi tài năng. Ngọc bị chứng cong vẹo cột sống bẩm sinh. Tới năm lớp 8, gia đình quyết định mổ cho bạn. Thật không may, ca mổ không thành công, Ngọc bị tàn phế đôi chân. Mặc dù không thể đi lại nhưng nhờ sự động viên của mẹ, Ngọc đã quyết tâm học, thực hiện ước mơ trở thành sinh viên đại học. Hiện Ngọc là sinh viên năm thứ 3 khoa Tâm lý, thành viên Câu lạc bộ Hoa Đá của trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội, đồng thời là hội viên Trung tâm Sống độc lập người khuyết tật Hà Nội. Với tâm niệm “chữa lành vết thương tâm hồn cho người khác cũng là tự chữa lành vết thương tâm hồn cho chính mình”, Ngọc đã giành ngôi vị cao nhất của cuộc thi.

Hành trình vượt lên chính mình của Ngọc cũng như bao thí sinh khuyết tật khác như Nguyễn Thu Hiền, Trần Thị Hạnh, Nguyễn Thúy Đoan, Đoàn Lê Thu... đã làm không ít khán giả xúc động đến rơi nước mắt. Đó là sự cảm động của khán giả trước những thiếu nữ trẻ trung chịu nhiều thiệt thòi nhưng ẩn chứa trong đó ý chí, quyết tâm sắt đá mà không nhiều người có được để vượt qua khó khăn của cuộc đời./.
Bài: Thục Hiền - Ảnh: Công Đạt

Bài: Thục Hiền - Ảnh: Công Đạt

Nhớ tranh Tết làng Sình

Nhớ tranh Tết làng Sình

Ngày xưa, những ngày áp Tết, khắp các khu chợ ở Huế đâu đâu cũng có bày bán tranh làng Sình, loại tranh thờ nổi tiếng của làng Lại Ân ở Huế, thành ra cứ nhắc đến tranh làng Sình là người Huế lại nôn nao nỗi nhớ Tết về.

Top