Thời khắc lịch sử - Huế chính thức thành thành phố trực thuộc Trung ương
Sáng nay, ngày 30/11/2024 đã trở thành thời khắc mang dấu ấn lịch sử đối với hơn 1,2 triệu người dân Thừa Thiên Huế khi Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với số phiếu tán thành rất cao, 458/461 phiếu (chiếm 95,62% tổng số đại biểu tham gia phiên họp).
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ 01/01/2025. Như vậy, từ thời điểm đó, Việt Nam sẽ có 06 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TPHCM, Cần Thơ và thành phố Huế.
Như vậy, thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có diện tích tự nhiên gần 5.000 km2 và quy mô dân số hơn 1,2 triệu người của toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Thành phố có 09 đơn vị hành chính cấp huyện (02 quận, 03 thị xã và 04 huyện), 133 đơn vị hành chính cấp xã (78 xã, 48 phường, 07 thị trấn). Về mặt địa lí, thành phố Huế giáp với thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Trị, CHDCND Lào và Biển Đông.
Việc Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương không chỉ là niềm vui, tự hào riêng của người dân xứ Huế mà còn là niềm vui chung của cả nước. Đây chính là bước ngoặt mang tính lịch sử, là thời cơ và động lực phát triển mới cho địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo hình ảnh đô thị thông minh, hiện đại, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế để thực sự trở thành trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Để có được ngày vui lớn hôm nay, đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trước đây, và nay là thành phố Huế, đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, kiên trì, bền bỉ đi theo con đường mà mình đã chọn, đó là quyết tâm đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Sau năm 1975, thời gian và chiến tranh để lại cho Thừa Thiên Huế đống di sản hoang tàn và đổ nát nhưng cũng từ đó mảnh đất này đã bền bỉ vươn lên trở thành biểu tượng nổi bật trong công tác bảo tồn di sản và hợp tác quốc tế, và tự tin hướng tới việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương bằng chính thế mạnh văn hóa riêng có của mình. Đây chính là sự minh định của Huế trên con đường phát triển hướng tới tương lai.
Vì thế, trong thông điệp chúc mừng gửi đến Lễ kỉ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh là di sản thế giới (1993-2023), Ngài Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO, đã nói rằng: “Kể từ khi Huế được công nhận là di sản thế giới cách đây 30 năm (năm 1993 - PV), thế giới đã vô cùng ấn tượng với hành trình của Huế, nơi minh chứng không chỉ thành tựu quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển di sản thế giới, mà còn là biểu tượng cho sự tái sinh của Việt Nam. Bước ra từ gian khổ và những tàn phá sau hàng thập kỉ chiến tranh, Cố đô Huế đã chuyển mình từ một kho báu di sản bị tàn phá trở thành một biểu tượng nổi bật của bảo tồn di sản và hợp tác quốc tế.”.
Và mới đây, tại kì họp thứ 8 của Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận xét rằng, chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương có quá trình chuẩn bị từ rất lâu và Trung ương cũng bàn thảo nhận thấy Huế đã đủ tiêu chí, tiêu chuẩn và xứng đáng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có những tác động tích cực không chỉ với bản thân địa phương mà còn với các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung. Theo đó, Huế cùng với Đà Nẵng sẽ có vai trò là trung tâm kết nối giữa các tỉnh lân cận và các tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung; vừa tạo ra động lực và sức bật mới cho sự phát triển mới của các tỉnh, của vùng, cho đất nước; vừa góp phần thực hiện tốt Chiến lược phát triển vùng và Chiến lược phát triển đô thị quốc gia. Một khi Huế phát triển, các địa phương lân cận cũng như các địa phương trong vùng cũng sẽ hưởng lợi từ sự gia tăng lưu lượng thương mại và đầu tư. Mặt khác, thành phố Huế trực thuộc Trung ương cũng có thể phát huy vai trò đầu tàu trong việc liên kết và phát triển các tuyến du lịch liên tỉnh như Huế - Đà Nẵng - Hội An hoặc Huế - Quảng Bình (Phong Nha - Kẻ Bàng), thu hút nhiều khách du lịch hơn đến với toàn khu vực; giúp các địa phương cùng tận dụng lợi thế từ sự gia tăng của du khách quốc tế; thúc đẩy du lịch và văn hóa liên vùng...
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Lê Trường Lưu, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế đã chia sẻ rằng: “Phấn đấu để được công nhận là thành phố thứ 6 của cả nước trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn phát huy di sản Cố đô, Huế càng ý thức sâu sắc về trách nhiệm bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, di sản để tương xứng với vị thế mới, vai trò mới. Đây là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng, doanh nghiệp. Huế sẽ không chỉ là thành phố trực thuộc Trung ương mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn, một thành phố hiện đại, văn minh, bảo tồn được những giá trị truyền thống và phát triển bền vững…”.
Như vậy, sau gần 15 năm (tính từ thời điểm Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW vào ngày 25/05/2009 về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế) kiên trì, bền bỉ vượt qua nhiều khó khăn và thử thách, hôm nay Huế đã chính thức được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương. Trong thời khắc đáng nhớ này, chúng ta hãy cùng nhìn lại những hình đấy ấn tượng và đáng tự hào về một thành phố Huế vừa đậm đà bản sắc văn hóa nhưng cũng đầy tươi mới, trẻ trung, năng động, sáng tạo, sẵn sàng đổi mới để hội nhập và phát triển. Và đó cũng chính là thành quả mà Huế đã nỗ lực tạo dựng được trong quá trình phấn đấu đi lên của mình./.
- Bài: Thanh Hòa - Ảnh: Thanh Hòa & Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam