Múa bát của người Tày ở Bắc Kạn
Người Tày ở Bắc Kạn có một nền văn hóa cổ truyền phong phú bao gồm các thể loại thơ, ca, truyện cổ tích, truyện cười dân gian, lễ hội truyền thống, ca, múa, nhạc... Các làn điệu dân ca phổ biến nhất là hát lượn phong slư, lượn cọi, hát quan làng, hát ru con... Ngoài ra, đồng bào người Tày còn có một hệ thống những bài dân vũ được lưu truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện một cách đa dạng niềm tin và khát vọng của con người trong cuộc sống lao động, sản xuất.Trong số những làn điệu dân ca, dân vũ của người Tày, múa bát là một trong những điệu múa có sự phổ biến rộng rãi nhất và được sử dụng thường xuyên hơn cả.
Múa bát của người Tày Bắc Kạn có những nét khá đặc sắc: Trang phục biểu diễn múa bát gồm áo dài, áo ngắn, váy (hoặc quần), thắt lưng, khăn vuông quấn đầu. Bộ trang phục nữ giới có màu chàm, được làm bằng vải dệt từ sợi bông. Cắt may trang phục đơn giản, không thêu thùa hoa văn. Nhạc cụ chính của múa bát là chiếc bát và đôi đũa. Múa bát ở tư thế ngồi hoặc đứng, hai người đối diện nhau hai tay cầm bát. Bát để giữa lòng bàn tay, cổ tay xoáy một vòng trước bụng đưa lên trên đỉnh đầu vòng ra phía sau, rồi từ từ hạ xuống trả về vị trí ban đầu và ngược lại đổi tay. Múa bát ở tư thế đứng thẳng, hai tay cầm bát kẹp theo chiếc đũa gõ theo nhịp từ trước bụng hất chéo qua cạnh sườn về đằng sau và hất trở lại vị trí ban đầu để đổi bên. Hoặc múa một tay đưa lên cao, một tay xuống thấp ngang cạnh sườn.
Đây là một điệu múa đặc sắc được tỉnh Bắc Kạn cũng như các thế hệ người Tày lưu giữ và bảo tồn bằng hình thức truyền miệng và truyền dạy trực tiếp nhưng cho đến nay các động tác múa vẫn gần như mang tính thống nhất, ít dị bản. Nhiều động tác múa mang ý nghĩa mô phỏng lại các động tác ươm tơ thủ công của bà con từ ngàn xưa, các hoạt động vật chất, sinh hoạt tinh thần hay lễ mừng cơm mới của đồng bào Tày.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, Múa bát của người Tày Bắc Kạn đã được bảo tồn và phát triển trong đời sống tinh thần của người Tày từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, nhiều tổ nhóm, câu lạc bộ văn nghệ được thành lập đã liên kết, kết nối những người đam mê, yêu thích múa bát với nhau để tổ chức giao lưu, sinh hoạt phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội ở cơ sở, các phiên chợ, lễ hội, phục vụ khách du lịch tại địa phương… Điều đó đã tạo điều kiện cho loại hình nghệ thuật này tiếp tục duy trì và có cơ hội phát triển trong đời sống hiện đại.
Trong quá trình khi làm du lịch và phát triển du lịch, người Tày Bắc Kạn đã giới thiệu điệu múa bát của dân tộc mình đến du khách phương xa, góp phần quan trọng làm phong phú thêm diện mạo văn hóa của tỉnh Bắc Kạn nói riêng và cả vùng Đông Bắc nói chung./.
Bài: Ngô Đức Mích - Ảnh: Ngô Đức Mích, TTXVN