Chân dung

Trung tá TS. BS Hồ Hữu Thọ: Giải mã bệnh từ công nghệ xét nghiệm Gen siêu nhạy

Với các bệnh nan y như ung thư, truyền nhiễm từ viruts Ebola, SARS-CoV-2… luôn đe dọa tính mạng con người, để sàng lọc và chẩn đoán những căn bệnh này, Viện Nghiên cứu Y Dược học quân sự (Học viện Quân y) đã đưa công nghệ Y học phân tử vào quá trình xét nghiệm. Trung tá, Tiến sĩ, Bác sĩ (TS. BS) Hồ Hữu Thọ, Trưởng phòng Công nghệ gen và Di truyền tế bào là người đã thầm lặng đi cùng các công trình nghiên cứu giải mã bệnh từ công nghệ xét nghiệm Gen siêu nhạy này.
Chúng tôi gặp TS. BS Hồ Hữu Thọ khi anh đang nỗ lực cùng cộng sự triển khai nghiên cứu phát triển quy trình phân tích gen với độ nhạy cao để sàng lọc, phát hiện sớm SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm. Theo anh Thọ, chỉ mong một ngày dài hơn 24h để có thật nhiều thời gian thực hiện nhiệm vụ chiến lược này, cùng đất nước chung tay đẩy lùi đại dịch SARS-CoV-2.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu của TS. BS. Hồ Hữu Thọ cùng các cộng sự đã thiết lập và đánh giá xong quy trình phân tích gen với độ nhạy cao, phát hiện SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm bằng trí tuệ nhân tạo (công nghệ AIMS-PCR). Công nghệ cho phép sàng lọc trên quy mô lớn, với chi phí tiết kiệm nhiều lần, và phát hiện được cả các chủng virus đột biến. Công trình hiện đã được gửi bình duyệt ở tạp chí khoa học quốc tế uy tín.
Với nghiên cứu này, TS. BS Hồ Hữu Thọ phát triển quy trình phát hiện virus SARS-CoV-2 có độ nhạy cao với chi phí tiết kiệm. Đấy là công nghệ gen đầu tiên trên thế giới, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện mầm bệnh SARS-CoV-2 (nên được gọi là công nghệ AIMS RT-PCR). Đây là quy trình được thiết lập có khả năng ứng dụng trên quy mô lớn và khắc phục được hạn chế về thiết bị hóa chất dựa trên nguyên lý Nested-Heptaplex End-point RT-PCR với độ nhạy cao.

Độ nhạy của phương pháp này được đánh giá dựa trên bộ mẫu chuẩn RNA in-vitro cho ngưỡng phát hiện là 5,6 bản sao/phản ứng, thấp hơn gần 1-log (10 lần) so với quy trình được khuyến cáo bởi WHO, khi đánh giá trên cùng điều kiện thí nghiệm (50 bản sao/phản ứng). Công trình đánh giá lâm sàng trên 490 ca phơi nhiễm, 1.030 ca tình nguyện viên không phơi nhiễm SARS-CoV-2 và 14 chủng virus khác liên quan đến đường hô hấp cho kết quả độ nhạy và độ đặc hiệu của phương pháp đều là 100%.

Quan trọng hơn, quy trình đã thành công khi thử nghiệm pool (trộn) 100 mẫu bệnh phẩm trong một phản ứng realtime duy nhất mà không ảnh hưởng đến độ nhạy. Như vậy, đây là một phương pháp xét nghiệm đơn giản, siêu nhạy và tiềm năng cho sàng lọc quy mô lớn SARS-CoV-2 
với chi phí tiết kiệm nhiều lần, trong bối cảnh đại dịch phức tạp. Hiện công trình có giá trị đối với cộng đồng y tế tại Việt Nam và thế giới trong việc theo dõi và ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh COVID-19.


Trung tá, Tiến sĩ, Bác sĩ Hồ Hữu Thọ là người đã gắn bó với Viện Nghiên cứu Y Dược học quân sự, Học viện Quân y ngay từ khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa năm 2004.


Từ những kinh nghiệm du học tại các nước Nhật, Úc, Phần Lan, TS. BS Hồ Hữu Thọ
đã có nhiều công trình ứng dụng công nghệ xét nghiệm y học phân tử , “giải mã” nhiều bệnh lý di truyền và hiểm nghèo tại Việt Nam.


BS. TS Hồ Hữu Thọ trao đổi nghiệp vụ với thực tập sinh tại Lab của Viện Nghiên cứu Y Dược học quân sự.


BS. TS Hồ Hữu Thọ làm việc tại phòng Lab của 
Viện Nghiên cứu Y Dược học quân sự.


Trước chiến dịch phòng và chống dịch SARS-CoV-2 tại Việt Nam, TS . BS Hồ Hữu Thọ và các cộng sự đã  nghiên cứu Phát triển quy trình phân tích gen
với độ nhạy cao để sàng lọc, phát hiện sớm 
SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm với tâm huyết và trách nhiệm cao để cùng đất nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh.


Ngoài công tác nghiên cứu khoa học, TS. BS Hồ Hữu Thọ còn là giảng viên của Học viện Quân y.

Sinh năm 1979, TS. BS Hồ Hữu Thọ tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Học viện Quân y năm 2004. Khi đó, Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự mới thành lập, sau 1 năm làm việc tại đây anh Thọ du học chuyên sâu lĩnh vực y sinh phân tử và chẩn đoán phân tử tại nhiều Trung tâm Nghiên cứu lớn trên thế giới như ĐH Quốc gia Austraulia, ĐH Tokyo (Nhật Bản), ĐH Helsinki (Phần Lan) và có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực phát triển các phương pháp chẩn đoán phân tử  và phát triển thành công một số công nghệ mới khuyếch đại vật chất di truyền có nhiều ứng dụng trong chẩn đoán phân tử.

Từ  năm 2004, Học viện Quân y được biết đến là đơn vị tiên phong trong ứng dụng y học phân tử lấy mẫu máu xét nghiệm và sàng lọc trước sinh các bệnh lý hiểm nghèo. Từ năm 2016, việc ứng dụng công nghệ xét nghiệm Gel tầm soát ung thư được đánh giá là thành công đầu tiên tại Việt Nam khi chỉ từ 4ml máu sàng lọc phát hiện một số bệnh ung thư phổ biến, công việc này đã hỗ trợ các bác sĩ ở bệnh viện K, bệnh viện Tai mũi họng, bệnh viện 103… chẩn đoán bệnh, tiết kiệm thời gian, chi phí và không kéo dài sự lo lắng tinh thần cho bệnh nhân ung thư.

TS. BS Hồ Hữu Thọ cũng là người đã mang những kiến thức kinh nghiệm nhiều năm học tại châu Âu để thực hiện thành công công trình khoa học ứng dụng công nghệ Y học phân tử xét nghiệm ung thư. Anh cho biết, từ thử nghiệm đầu tiên xét nghiệm sàng lọc ung thư vòm mũi họng đánh giá trên 152 bệnh nhân đạt độ nhạy 97% cho hiệu quả triệt để cho đến nay đã có 900 bệnh nhân được tiếp cận phương pháp sàng lọc này. Tiếp đến là ung thư đại trực tràng được lấy mẫu từ bệnh nhân ở các bệnh viên trung ương.



BS. TS Hồ Hữu Thọ cùng các các giáo sư, chuyên gia quốc tế trong buổi lễ bảo vệ tiến sĩ tại Đại học Helsinki, Phần Lan. Ảnh: Tư liệu


TS. BS Hồ Hữu Thọ báo cáo, chia sẻ thành công của công trình nghiên cứu về xét nghiệm sàng lọc ung thư
bằng công nghệ phân tích gen của Việt Nam tại Hội nghị quốc tế Medlad Asia ở Singapore. Ảnh: Tư liệu


Tại hội nghị quốc tế Medlad Asia ở Singapore, công trình “Thiết lập quy trình định lượng DNA-EBV trong máu ngoại vi với độ nhạy cao,
góp phần sàng lọc, phát hiện sớm ung thư” tại Việt Nam do TS. BS Hồ Hữu Thọ chia sẻ được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao. Ảnh: Tư liệu

Đến tháng 1/2015, công trình phát triển công nghệ mới phát hiện đột biến gen với độ nhạy cao đã được công bố kết quả trên tạp chí quốc tế uy tín Nucleic Acids Research với hệ số ảnh hưởng (impact factor) là 11.147. Sau 3 năm tiếp tục phát triển công nghệ này tại Việt Nam, năm 2018, công trình đã được cấp bằng sáng chế của Cục Thương hiệu và Bản quyền Hoa Kỳ cho công nghệ phát hiện đột biến gen, có độ chính xác vượt trội, một bước quan trọng trong việc chẩn đoán sớm, định hướng chiến lược để điều trị nhiều bệnh lý ung thư và di truyền tại Việt Nam.

Từ chỗ xét nghiệm máu chỉ phát hiện được sớm 2 bệnh lý ung thư thường gặp là ung thư vòm mũi họng và ung thư đại trực tràng, đến nay 
đang được nghiên cứu để phát hiện được nhiều loại bệnh ung thư phổ biến khác, được phát triển và ứng dụng rộng rãi ở nhiều bệnh viện trên cả nước và ứng dụng ban đầu ở Thụy Điển. Công trình của TS. BS Hồ Hữu Thọ đã đạt giải nhất Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội, và đã được vinh danh trong chương trình truyền hình trực tiếp “Sáng mãi phẩm chất bộ đội cụ Hồ” nhân dịp sơ kết 5 năm toàn quân thực hiện Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ" (giai đoạn 2014 - 2019)..

Với những khát vọng và tâm huyết trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng công nghệ Gen giải mã bệnh lý nguy hiểm, TS. BS Hồ Hữu Thọ vẫn đang tiếp tục chinh phục những công trình mới để đưa ứng dụng nghiên cứu khoa học từ xét nghiệm y học phân tử vào thực tiễn khám chữa, chẩn bệnh tại các bệnh viện ở Việt Nam./.
 
Bài: Bích Vân - Ảnh: Việt Cường và Tư liệu

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Với bàn tay tài hoa và cái tâm của người thầy thuốc, Lương y Cao Văn Minh - người được kế thừa các bài thuốc quý gia truyền của dòng tộc Cao và được đào tạo bài bản tại trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, đã và đang điều trị các bệnh lý về xương khớp, đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ và bại liệt cho hàng chục ngàn bệnh nhân ở Việt Nam và nước ngoài.

Top