Tiềm năng địa phương

Trồng dưa lê theo tiêu chuẩn VietGap

Các xã viên của Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) trồng giống dưa lê theo quy trình sản xuất an toàn do trường Đại học Nông nghiệp 1 chuyển giao kỹ thuật cho quả tròn đều, có mùi hương rất thơm, ăn giòn và ngọt.
Theo ông Trần Ngọc Liên- Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân cho biết, mô hình trồng dưa lê ở địa phương được bắt đầu triển khai từ năm 2012. Tuy nhiên, do ban đầu chưa có kinh nghiệm chọn giống và trồng theo phương pháp thủ công nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Đến năm 2013, sau khi Hợp tác xã phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn mời các chuyên gia của Đại học Nông nghiệp về đào tạo và chuyển giao kỹ thuật trồng dưa lê an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, đến nay sản phẩm cho thu hoạch đã đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ

Hiện tại xã Đông Xuân có khoảng 40ha với gần 100 xã viên tham gia vào mô hình trồng dưa lê. Với việc được hợp tác xã cung cấp về vật tư như hạt giống, phân bón, màng phủ, các xã viên sẽ tiến hành trồng dưa lê theo kế hoạch để cung cấp cho thị trường các tỉnh: Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Bình… 



Bà con nông dân ở xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn
bắt đầu triển khai mô hình trồng dưa lê theo tiêu chuẩn VietGap từ năm 2013.


Với việc được huyện Sóc Sơn và Hợp tác xã hỗ trợ về hạt giống, màng phủ,
hiện tại gần 100 hộ trong xã tham gia vào mô hình trồng dưa lê an toàn.


Thu hoạch dưa lê.


Các cán bộ Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân kiểm tra quy trình sản xuất
nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi xuất bán ra thị trường.


Trung bình vào mùa thu hoạch, mỗi ngày các xã viên đem tới bán
cho Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân khoảng 5-6 tạ dưa lê.


Dưa lê được Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân
thu mua là dưa loại 1 đảm bảo về chất lượng ngon thơm và quả to đều.


Dưa lê do các xã viên đem đến được các cán bộ Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân
ghi rõ tên và ngày thu hoạch.


Sản phẩm dưa lê của Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân.


Dưa lê được kiểm tra kĩ lưỡng trước khi dán tem để đem tiêu thụ thị trường trong nước.


Sản phẩm dưa lê của Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân đã được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm
cấp chứng nhận tem mác.


Sản phẩm dưa lê Đông Xuân được nhiều thương lái đến tận nơi đặt hàng.


Sản phẩm dưa lê của Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân
đã có mặt trong các siêu thị, cửa hàng sạch trên địa bàn Hà Nội.

Dẫn chúng tôi đi đến khu vực trồng dưa lê của bà con xã Đông Xuân, ông Ngô Văn Luyến- Phó chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân cho biết, mùa thu hoạch dưa lê thường từ tháng 6 đến tháng 11. Nhờ sử dụng chế phẩm vi sinh theo công nghệ EM của Nhật Bản và phương pháp canh tác tốt, sản phẩm dưa lê được bà con Đồng Xuân làm ra luôn có mẫu mã đẹp, quả tròn đều, đặc biệt quả có mùi hương rất thơm, ăn giòn và ngọt./.
 
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Khánh Long


Top