Với một ý tưởng lãng mạn và đầy nhân văn, các sinh viên khoa Thiết kế Thời trang – Viện Đại học Mở Hà Nội đã tận dụng những mảnh vải vụn bị bỏ đi trong quá trình may vá để làm nên những tác phẩm nghệ thuật rực rỡ sắc màu, hiện đại nhưng cũng rất giàu tính dân gian.
Xuất phát từ ý tưởng tận dụng vải vụn để làm việc có ích góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cô sinh viên khoa Thiết kế Thời trang – Viện Đại học Mở Hà Nội Nguyễn Thu Huyền đã thực hiện đề tài khoa học mang một cái tên khá lãng mạn: “Những mảnh vụn không bị lãng quên”. Đề tài nhanh chóng thu hút được sự chú ý của mọi người và sau đó đã đoạt giải nhất nghiên cứu khoa học của khoa, giải khuyến khích nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Và chính từ đề tài khoa học này, Nguyễn Thu Huyền đã nảy ra ý tưởng mới, đó là làm tranh ghép từ vải vụn.
Nguyễn Thu Huyền – tác giả tranh ghép vải.
Bộ tranh tố nữ.
Tranh ghép vải theo phong cách tranh dân gian Đông Hồ.
Tranh ghép vải theo phong cách tranh dân gian Đông Hồ.
Tranh ghép vải mang chủ đề làng quê.
Tranh ghép vải mang chủ đề làng quê.
Tranh ghép vải mang chủ đề làng quê.
Tranh chân dung ghép vải.
Tranh chân dung ghép vải. |
Nghĩ là làm, Nguyễn Thu Huyền và hai người bạn thân là Đàm Phương Chi và Điều Thị Hoa Hồng đã lập thành một nhóm nghiên cứu làm tranh ghép vải. Bằng những ý tưởng nghệ thuật trẻ trung, mới lạ, các bạn trẻ đã làm nên những bức tranh ghép vải hết sức độc đáo. Sự độc đáo ấy thể hiện rất rõ trong ý tưởng, bố cục, đường nét, màu sắc và nội dung của từng bức tranh.
Từ những mảnh vải vụn được chọn lựa cẩn thận, thông qua kĩ thuật ghép tỉ mỉ và sự phối màu tinh tế, họ đã làm nên những bức tranh chân dung, phong cảnh, trừu tượng... cực kì ấn tượng.
Nguyễn Thu Huyền cho biết, tranh ghép vải của nhóm gồm nhiều thể loại: tranh thiếu nhi, tranh đồng quê, tranh mô típ dân gian Việt Nam, tranh dành cho tuổi teen… và có cả tranh làm theo yêu cầu. Tranh ghép vải có màu sắc sống động, nhìn xa trông như những bức tranh sơn dầu.
Nghệ thuật làm tranh ghép vải xem ra khá công phu, nó đòi hỏi người nghệ sĩ ngoài óc sáng tạo phải có sự kiên trì, cẩn thận, tỉ mẩn để có thể tính toán cắt và ghép từng tí mảnh vải lại với nhau. Khó nhất là việc dùng vải tạo dáng cho khuôn mặt người với các trạng thái cảm xúc khác nhau; và tỉ mỉ nhất là cách tước xơ vải để tạo cảnh đồng lúa, sóng biển, cỏ lau…
Mới đây, bức tranh ghép vải về chủ đề trang phục nữ của 54 dân tộc Việt Nam do Nguyễn Thu Huyền và Đàm Phương Chi thực hiện đã được trưng bày tại Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam ở Hà Nội. Với bộ sưu tập hàng trăm bức tranh ghép đặc sắc, các cô gái trẻ không chỉ đem lại một nguồn cảm hứng mới trong làng nghệ thuật Việt Nam, mà sâu xa hơn nó còn thể hiện tình yêu quê hương đất nước và trách nhiệm đối với môi trường sống mà giới trẻ muốn gửi gắm đến công chúng và người hâm mộ./.
Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trịnh Văn Bộ
Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trịnh Văn Bộ