Nghệ thuật

Tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng

Với tình yêu nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam và nỗ lực phục hồi tranh Kim Hoàng trong những năm qua, Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội tổ chức triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng” tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Trong kho tàng di sản văn hóa - nghệ thuật của dân tộc Việt Nam, tranh dân gian có vị trí rất quan trọng do tính chất lâu đời và phổ biến của nó. Về cơ bản, với thứ ngôn ngữ đặc thù, tranh dân gian đã trở thành những tư liệu vật chất, cụ thể hoá những ý niệm triết học về vũ trụ quan, về nhân sinh quan và quan niệm về cái đẹp của nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp người, chủ yếu là nông dân và thị dân, ở mọi địa bàn miền xuôi cũng như miền núi.

Triển lãm trưng bày tranh và các sản phẩm gia dụng, trang trí khác có sử dụng tranh Kim Hoàng. Đây là kết quả được chọn lọc từ các tác phẩm gửi đến tham gia cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo từ tranh dân gian Kim Hoàng” do Chương trình "Cùng Bé Sáng tạo" phối hợp tổ chức từ tháng 6 năm 2018. Sau 3 tháng phát động, BTC đã nhận được gần 300 tác phẩm của các bạn nhỏ tại Hà Nội. Trong số đó có khoảng hơn 200 tác phẩm là tranh vẽ, gần 30 các thiết kế thời trang, 45 thiết kế các sản phẩm khác như bưu thiếp, thiết kế túi, khăn, làm mô hình sáng tạo. Điều này cho thấy tranh dân gian Kim Hoàng sau một thời gian ngắn được phục dựng, đã được biết đến và dần có được chỗ đứng trong đời sống đương đại.



Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu 
trao giải cho các em nhỏ đoạt giải trong cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo từ tranh dân gian Kim Hoàng”.


Trang phục hết sức độc đáo được sáng tạo từ tranh dân gian Kim Hoàng.


Nhiều du khách và học sinh thích thú với các dòng tranh dân gian Việt Nam trong buổi khai mạc triển lãm.


Triển lãm trưng bày tranh và các sản phẩm gia dụng, trang trí khác có sử dụng tranh Kim Hoàng.


Các em học sinh và du khách thích thú trải nghiệm cùng nghệ nhân tranh Kim Hoàng.


Các công đoạn làm tranh dân gian được giới thiệu tại triển lãm.


Nghệ nhân tranh Kim Hoàng đang hoàn thiện những nét vẽ cuối của bức tranh.


Triển lãm sẽ diễn ra đến ngày 10.11, trong thời gian này, “Cùng bé sáng tạo” sẽ liên tục triển khai các hoạt động
giới thiệu và quảng bá tranh dân gian Kim Hoàng thông qua các hoạt động trải nghiệm.

Thông qua các tác phẩm của các bạn nhỏ với rất nhiều các ý tưởng khác nhau, có những ý tưởng rất ngộ nghĩnh về hình tượng gà thần, hình tượng lợn hay hình tượng các vị thần tài, môn thần đang hiện hữu trong đời sống của chúng ta, mang đến những niềm vui cho cuộc sống. Các tác phẩm thời trang cũng hết sức sinh động khi những chi tiết đắt nhất của tranh dân gian Kim Hoàng đã được thể hiện trên các trang phục chứ không chỉ là sự sao chép các hình ảnh của tranh dân gian.
Đặc biệt, trong đêm khai mạc, 27 bộ trang phục đặc sắc lấy ý tưởng từ tranh Kim Hoàng đã được các bạn nhỏ của Cung Thiếu Nhi Hà Nội, trường Tiểu học Thực Nghiệm và trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm trình diễn.

Trong thời gian diễn ra cuộc triển lãm, Chương trình "Cùng bé sáng tạo" sẽ liên tục triển khai các hoạt động giới thiệu và quảng bá tranh dân gian Kim Hoàng thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Hoạt động diễn ra từ ngày 24/10 đến ngày 10/11/2018 tại Nhà Thái học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám./.


Những bản khắc gỗ tranh Kim Hoàng được trưng bày tại triển lãm:












Những bức tranh Kim Hoàng đặc sắc được trưng bày tại triển lãm:










 
Bài và ảnh: Công Đạt


Top