Nghề Việt

Tranh dân gian Hàng Trống

Tranh dân gian Hàng Trống là một trong những dòng tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người Kinh kỳ xưa.
Tranh dân gian Hàng Trống ra đời tại Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ XVI, là kết quả giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo và Nho giáo, được các nhà nghiên cứu đánh giá không chỉ mang đậm tính thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, mà còn mang đậm yếu tố văn hóa, thời đại mà nó sinh ra.

Thời kỳ được cho là hoàng kim của dòng tranh này đó là vào cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Khi đó, tranh Hàng Trống được bán ở khắp các khu vực Hàng Bồ, Hàng Nón, Hàng Trống.

“Các con phố thủa đó quanh năm nhộn nhịp với tranh, người khắp nơi đổ về mua tranh để thờ phụng và chơi Tết. Mỗi dịp cuối năm, các chiếu tranh Hàng Trống bày bán la liệt ở hè phố tạo ra một nét riêng cho cái Tết của Hà Nội”, nghệ nhân Lê Đình Nghiên nhớ lại những ký ức tuổi thơ gắn liền với thời kỳ phồn thịnh của tranh dân gian Hàng Trống. Hiện nay, ông là người nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh này và cũng là người duy nhất còn giữ được bí quyết nghề vẽ tranh dân gian Hàng Trống.



Ông Lê Đình Nghiên người nghệ nhân duy nhất còn lại của dòng tranh Hàng Trống.


Những nét bút lúc thì cứng cáp khi thì mềm mại của nghệ nhân Lê Đình Nghiên tạo nên những tác phẩm tranh Hàng Trống làm mê đắm người xem.


Dòng tranh Hàng Trống dùng bản khắc gỗ để tạo các đường nét ban đầu cố định cho tranh.


Người nghệ nhân với những dụng cụ pha màu đã theo ông nhiều năm.


Không gian bên trong nhà của nghệ nhân Lê Đình Nghiên với các tác phẩm tranh Hàng Trống.

Là người trực tiếp chứng kiến những thời khắc hoàng kim của tranh dân gian Hàng Trống, nên mặc dù hiện nay phải “độc hành” trên con đường gìn giữ dòng tranh quý này, nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẫn say sưa, tâm huyết và chưa bao giờ nản lòng, mặc dù dòng tranh này theo tiến trình phát triển của xã hội, đang bị mai một đáng kể.

Theo nghệ nhân Lê Đình Nghiên, không giống với các dòng tranh dân gian quý của Việt Nam như Đông Hồ, Kim Hoàng,… sử dụng hoàn toàn kỹ thuật kỹ thuật in khắc gỗ, tranh dân gian Hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in, nửa vẽ.

Tranh Hàng Trống sau khi vẽ mẫu, khắc gỗ, in nét, cuối cùng là công đoạn tô màu bằng tay. Đây là công đoạn khó nhất, đòi hỏi người nghệ nhân phải có tay nghề cao.

Nguyên tắc phối màu của dòng tranh này, theo nghệ nhân Lê Đình Nghiên đó là nguyên tắc hài hoà giữa màu nóng và màu lạnh, thể hiện cho sự hoà hợp “có âm có dương”.

Màu sắc trong tranh Hàng Trống thường chỉ gồm 6 màu chính: xanh, 
đỏ, cam, vàng, đen và trắng. Nhưng với sự điêu luyện, các nghệ nhân của dòng tranh này đã tạo nên một thế giới vừa rực rỡ, vừa tương phản, gần gũi mà cũng rất uy nghiêm.

Đặc biệt, tranh Hàng Trống được ưu thích bởi yếu tố văn hoá, triết lý được truyền tải. Mỗi bức tranh mang hình thức tôn thờ tín ngưỡng, nội dung cầu phúc, cầu an, thể hiện triết lý sâu sắc.

Đây cũng chính là lý do, sau một thời gian bị mai một, hiện nay một bộ phận giới trẻ có xu hướng “hoài cổ” mua tranh để trang trí trong các quán cà phê, trang trí nhà cửa,… để cầu phúc, cầu an. Đặc biệt là sự yêu thích và nhu cầu sưu tầm, khám phá văn hoá, tín ngưỡng của những du khách nước ngoài đang là tín hiệu vui cho việc khôi phục sức sống của một dòng tranh nổi tiếng của đất Kinh kỳ xưa.

Với bức tranh được bán gần đây nhất cho một du khách nước ngoài đến từ Châu Phi, nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho biết: “Vậy là tranh của tôi đã được treo ở khắp năm châu rồi”./.



Tác phẩm: Tử tôn vạn đại


Tác phẩm: Thất đồng


Tác phẩm: Tam đa Phúc, Lộc, Thọ


Tác phẩm: Tứ phủ công đồng


Tác phẩm: Bà chúa Thượng ngàn


Tác phẩm: Lý ngư vọng Nguyệt


Tác phẩm: Đám cưới chuột


Tác phẩm: Ngũ Hổ


Tác phẩm: Tố nữ ngồi


Tác phẩm: Ngư tiều canh mục


Tác phẩm: Giàu sơn lâm lắm kẻ tìm đến

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Thanh Giang

Chuyện người đẽo thuyền độc mộc bên dòng Đăk Bla

Chuyện người đẽo thuyền độc mộc bên dòng Đăk Bla

Cũng như bao nhiêu người dân làng Lung Leng, anh A Lủi không biết rõ thuyền độc mộc có từ khi nào và ai là người khai sinh ra nó. Anh chỉ biết rằng từ bao đời nay chiếc thuyền gỗ mảnh khảnh ấy gắn bó với người Ba Na đi qua không biết bao nhiêu đoạn sông Đăk Bla lắm đá, ghềnh, và giờ anh lại tiếp nối giữ nghề đẽo thuyền độc mộc, dẫu biết rằng cái nghề này khó có thể nuôi sống bản thân anh và gia đình trong thời buổi chẳng còn mấy ai dùng loại thuyền cổ xưa này nữa.

Top