Chân dung

Trần Mạnh Tuấn phiêu cùng saxophone

Nếu ai từng xem và nghe Trần Mạnh Tuấn, nghệ sĩ saxophone hàng đầu Việt Nam biểu diễn một lần thì sẽ thấy anh “điên” với tiếng kèn saxophone và “say” Jazz như linh hồn hòa vào thể xác…
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn sinh năm 1969 tại Hà Nội, là con thứ 8 trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Cha, mẹ và chị gái anh đều là nghệ sĩ cải lương có tiếng. Do đó, tuổi thơ của Trần Mạnh Tuấn là những tháng ngày rong ruổi cùng cha mẹ và đoàn hát đi khắp nơi.

10 tuổi, Trần Mạnh Tuấn bắt đầu độc tấu saxophone trên sân khấu. Thế nhưng anh tâm sự rất chân thành: “Tôi chơi Jazz bằng saxophone từ năm 8 tuổi, thế nhưng không hiểu Jazz là gì. Các nghệ sĩ đi trước cũng hiểu biết về Jazz rất hạn chế nên một thời gian khá dài tôi không tích góp được gì nhiều. Phải đến năm 1989, khi được tiếp xúc với đoàn nhạc công của Pháp, tôi mới biết Jazz là loại hình âm nhạc ngẫu hứng”.

Trước khi đến với nhạc Jazz chuyên nghiệp, Trần Mạnh Tuấn từng là cán bộ của Công ty Du lịch Hà Nội. Sau đó anh xin nghỉ việc vì “máu nghệ sĩ” trỗi dậy quá mạnh và về “đầu quân” cho Nhà hát Ca nhạc nhẹ Trung ương với một bản hợp đồng biểu diễn saxophone ngắn hạn. Kết thúc hợp đồng, anh ra làm tự do, kiếm sống bằng chính tài năng và niềm đam mê của mình. Thời gian này, anh chơi saxophone tại các quán bar, các câu lạc bộ, đám cưới… Một lần, Trường Đại học Âm nhạc Berklee của Hoa Kỳ gửi phái đoàn đi các nước tổ chức thi tuyển học viên, trong đó có Việt Nam, Trần Mạnh Tuấn mạnh dạn dự thi và giành được một suất học bổng vô cùng quý giá tại Mỹ vào năm 1994.
 

Trần Mạnh Tuấn thả hồn mình vào tiếng kèn saxophone giữa không gian trầm mặc của phố cổ Hội An. Ảnh: Tư Liệu


Trần Mạnh Tuấn bắt đầu thổi saxophone từ năm lên 8 tuổi. Ảnh: Nguyễn Luân


Anh nổi tiếng với những bản hòa tấu saxophone về các bản tình ca bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Nguyễn Luân



Với tiếng kèn saxophone điêu luyện, anh đã đi biểu diễn
và tham dự liên hoan âm nhạc tại 52 quốc gia trên thế giới. Ảnh: Nguyễn Luân



Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn biễu diễn cùng nghệ sĩ saxophone người Thái
trong đêm giao lưu với ban nhạc Unit Asia. Ảnh: Nguyễn Luân


Đầu năm 2013 này, anh đã thành lập ban nhạc Jazz Saigon Big Band đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: Tư Liệu

Năm 1999, anh tốt nghiệp và trở về nước với hy vọng mang Jazz đến với công chúng Việt Nam. Anh được mời về giảng dạy saxophone tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Sau đó, anh xin nghỉ để chuyên tâm vào sáng tác, hòa âm và biểu diễn ở trong và ngoài nước. Những album hòa tấu đầu tay của anh lần lượt ra đời như "Lời ru mắt em", "Biển khát", "Hạ trắng"... đã nhanh chóng gặt hái nhiều thành công. Năm 2002, Trần Mạnh Tuấn và gia đình chuyển vào Tp. Hồ Chí Minh sinh sống. Tại đây, anh lại tiếp tục công việc giảng dạy ở Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh.

Năm 2005, để thỏa mãn niềm đam mê, anh thành lập câu lạc bộ “Jazz Sax n’Art” tại Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Đây là nơi để anh gặp gỡ bạn bè, những người yêu thích nhạc Jazz và để được “phiêu” cùng cây kèn saxophone của mình. Anh tâm sự: “Với Jazz, càng chơi, càng nghe thì càng thấy ngấm. Đơn giản vì Jazz là loại nhạc chơi ngẫu hứng, đòi hỏi sự sáng tạo cao của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ phải say cùng nhạc, đê mê cùng sáo, náo nức cùng trống, du dương cùng piano và rộn ràng với saxophone… thì mới cho ra được sản phẩm thuyết phục người thưởng thức”.

Đối với Trần Mạnh Tuấn, bất kể loại nhạc gì, nhạc cụ nào anh cũng đều có thể chơi và kết hợp chúng thành Jazz. Theo anh, người chơi Jazz ở Việt Nam hiện không nhiều vì loại hình âm nhạc này còn khá mới mẻ. Nó có gì đó trúc trắc, khúc khuỷu, không giống vẻ êm ái, đẹp đẽ của Pop nên đôi lúc gây cảm giác khó hiểu cho người nghe. Vì vậy, người chơi nhạc Jazz phải có vốn kiến thức âm nhạc tổng hợp, khi ứng tác trên sân khấu phải lột tả tất cả tâm tư, tình cảm, sự cháy bỏng của người nghệ sĩ trong sự ngẫu hứng. Ngược lại, người nghe cũng cần phải biết cách cảm nhận được sự cháy bỏng ấy của người nghệ sĩ. 
 

Không chỉ thành danh trong vai trò nghệ sĩ biểu diễn saxophone, 
Trần Mạnh Tuấn còn là một nghệ sĩ hoà âm, nhạc sĩ và một nhà sản xuất âm nhạc đa tài. Ảnh: Tư Liệu



Một đêm diễn của Trần Mạnh Tuấn và bè bạn tại Câu lạc bộ jazz Jazz Sax n’Art. Ảnh: Nguyễn Luân


Trần Mạnh Tuấn với một khúc ngẫu hứng với sáo bầu. Ảnh: Nguyễn Luân


Với Trần Mạnh Tuấn, Jaaz là niềm đam mê cháy bỏng. Ảnh: Nguyễn Luân


Với anh, sự sáng tạo dường như không có giới hạn, vì thế đã có lần anh thử kết hợp
giữa saxophone với tiếng chuông, mõ thành một bản hợp xướng nhạc jazz đầy độc đáo và mới lạ. Ảnh: Tư Liệu



Với Trần Mạnh Tuấn,  cuộc sống phải có những lúc thăng trầm,
nếu ai đi từ khó khăn đến thành công thì mới biết quý trọng những gì mình đang có. Ảnh: Nguyễn Luân

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn từng đi biểu diễn và tham dự liên hoan âm nhạc tại 52 quốc gia. Năm 1993, anh đoạt giải nghệ sĩ saxophone xuất sắc nhất Việt Nam tại Liên hoan nhạc nhẹ Việt Nam do Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) tổ chức. Đến nay, anh đã ra mắt được 11 CD, trong đó có những CD nổi tiếng như: Về quê, Bóng thời gian, Ru rừng, Như cánh vạc bay, Angel Eyes…

Ngoài niềm đam mê biểu diễn, Trần Mạnh Tuấn còn được biết đến như một tay sưu tầm kèn tầm cỡ vì anh sở hữu một bộ sưu tập kèn saxophone hàng trăm chiếc, trong đó có những chiếc có độ tuổi 70 - 80 năm với những họa tiết chạm khắc bằng tay rất tinh tế. Vì thế, năm 2005, anh được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là người có bộ sưu tập kèn saxo nhiều nhất Việt Nam.

Đầu năm 2013 này, anh ra mắt ban nhạc Jazz Saigon Big Band (chơi Jazz theo dàn kèn) đầu tiên ở Việt Nam. Dàn nhạc Big Band có khả năng biểu diễn rất phong phú và đặc biệt có tính hướng ngoại rất cao, phù hợp cho các hoạt động biểu diễn giao lưu quốc tế. Với sân chơi này, anh mong muốn tập hợp các nhạc công chơi Jazz ở Tp. Hồ Chí Minh để tổ chức các hoạt động biểu diễn với quy mô lớn hơn, đưa âm nhạc Việt bay xa hơn. Nhóm Saigon Big Band biểu diễn vào ngày thứ 7 đầu tiên của tháng tại Nhà hát Lớn Tp. Hồ Chí Minh.

Những lúc rãnh rỗi, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn lại cùng gia đình đi vãn cảnh chùa. Anh rất thích được nói chuyện với các vị thiền sư. Anh từng tổ chức những chương trình biểu diễn ở chùa bằng cách kết hợp saxophone với chuông, mõ thành một bản hòa tấu nhạc Jazz rất độc đáo và mới lạ.

Trần Mạnh Tuấn mong muốn tạo ra một thứ nhạc Jazz đậm bản sắc truyền thống Việt Nam nhưng vẫn rất đương đại. Tuy nhiên, đây là một việc khó và đòi hỏi phải có thời gian. Vì thế, anh quan niệm, nghệ sĩ giống như người đi câu, hôm nay có con cá lớn nhưng có thể cả tháng sau, cả năm sau chẳng có con nào. Và tất nhiên, cuộc sống phải có những lúc thăng trầm, chỉ những ai đi từ khó khăn đến thành công thì mới biết quý trọng những gì mình đang có./.
Bài: Đỗ Văn - Ảnh: Nguyễn Luân & Tư liệu

Bài: Đỗ Văn, Ảnh: Nguyễn Luân & Tư liệu

NSND Triệu Trung Kiên và câu chuyện làm mới nghệ thuật cải lương trong đời sống đương đại

NSND Triệu Trung Kiên và câu chuyện làm mới nghệ thuật cải lương trong đời sống đương đại

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam là một trong những nghệ sỹ nhận được sự yêu mến và đánh giá cao từ công chúng và giới chuyên môn bởi những nỗ lực cải biên đưa sân khấu cải lương đáp ứng với sự thay đổi của đời sống đương đại.

Top