Cách đây chỉ khoảng chục năm về trước, để chống chọi với bệnh tật, nhiều vùng đồng bào dân tộc vùng cao chỉ biết dùng lá cây rừng, nhờ cậy thầy mo hoặc mặc cho con bệnh hoành hành. Thì nay, Đề án 1816 của Bộ Y tế đã mang đến cho đồng bào vùng cao sự chăm sóc y tế ngày càng tốt hơn.
Từ câu chuyện của bác sỹ cắm bản
Hôm gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Mạnh, Trạm trưởng Trạm y tế xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang kể lại câu chuyện buồn vui lẫn lộn của thời kỳ đầu về cắm bản giúp dân chữa bệnh. Năm 2004, chị từ Tuyên Quang lên đây nhận công tác cắm bản. Lúc ấy chị mới 22 tuổi, mọi cái đều xa lạ, ngỡ ngàng. Cái xã vùng biên lúc đó có 670 hộ thì có đến 406 hộ nghèo. Ở đây cái gì cũng thiếu, từ thiếu ăn, thiếu mặc, đến thiếu cả cái chữ… chỉ có duy nhất “hủ tục” là thừa. Và thầy mo chính là nhân vật “ngự trị” trong đời sống của đồng bào. Bởi với đồng bào, thầy mo giúp họ chữa cái bệnh, giúp họ đuổi tà ma… chứ còn cái “bác sỹ” nghe thì lạ tai lắm!
Hôm gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Mạnh, Trạm trưởng Trạm y tế xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang kể lại câu chuyện buồn vui lẫn lộn của thời kỳ đầu về cắm bản giúp dân chữa bệnh. Năm 2004, chị từ Tuyên Quang lên đây nhận công tác cắm bản. Lúc ấy chị mới 22 tuổi, mọi cái đều xa lạ, ngỡ ngàng. Cái xã vùng biên lúc đó có 670 hộ thì có đến 406 hộ nghèo. Ở đây cái gì cũng thiếu, từ thiếu ăn, thiếu mặc, đến thiếu cả cái chữ… chỉ có duy nhất “hủ tục” là thừa. Và thầy mo chính là nhân vật “ngự trị” trong đời sống của đồng bào. Bởi với đồng bào, thầy mo giúp họ chữa cái bệnh, giúp họ đuổi tà ma… chứ còn cái “bác sỹ” nghe thì lạ tai lắm!
Đưa bệnh nhân đi cấp cứu bằng cáng ở xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Các bác sĩ cắm bản vượt núi đi khám bệnh cho người dân ở xã Lũng Táo. Việc đến từng bản, từng nhà để khám bệnh cho người dân đã trở thành công việc quen thuộc của các bác sĩ cắm bản ở Lũng Táo. Bé Dinh Thị Kía, học sinh lớp 9, con ông Dinh Say Phùa ở thôn Lũng Táo, được các bác sĩ đến tận nhà khám bệnh. Trạm trưởng Trạm y tế xã Lũng Táo Nguyễn Thị Mạnh đến tận nhà khám cho một cháu bé người dân tộc ở thôn Lũng Táo bị viêm phổi. |
Chị Mạnh kể: “Ngày trước, người dân bị bệnh, mình bảo họ đi khám, họ bảo không cần, tao có thầy cúng rồi!”. Có người mắc bệnh, gia đình mời thầy mo về cúng, cúng rồi mà bệnh không khỏi thì nằm đó chờ chết chứ nhất định không đi khám bác sỹ. Bởi vậy, thời điểm đó, số người dân Lũng Táo bị tử vong tại nhà rất nhiều, mà có khi chết chỉ vì những bệnh rất bình thường như viêm phổi…
Mãi đến năm 2005, tức sau 1 năm kể từ ngày đầu lên cắm bản Lũng Táo, mọi chuyện mới bắt đầu thay đổi. Chị Mạnh kể lại, năm ấy, có một người trong bản bị suy tim, chẳng biết thế nào mà người nhà lên báo Trạm y tế, Trạm đã xuống cấp cứu kịp thời rồi chuyển lên tuyến trên để điều trị, nhờ đó mà cứu được.
Sau ca ấy, dân bản bắt đầu có cái nhìn tích cực hơn về bác sỹ, về Trạm y tế. Họ đã nghe theo lời khuyên của bác sỹ, biết mặc ấm vào mùa đông để phòng bệnh viêm phổi, biết giữ gìn vệ sinh thân thể và nơi ăn chốn ở để không bị lây bệnh. Đồng bào còn bảo nhau, nếu có ốm đau thì ra Trạm y tế rước thầy thuốc về chứ đừng đi rước thầy mo như trước nữa.
Tư tưởng của đồng bào đã thông nhưng cơ sở y tế của Lũng Táo khi đó thì nghèo nàn vô cùng, ngay đến chiếc túi y tế di động của chị Mạnh cũng mãi đến cuối năm 2011 mới có. Đường sá ở Lũng Táo thì quả là một thử thách đối với các cán bộ y tế ở dưới xuôi lên như chị. Mỗi thôn trong bản cách nhau hàng quả đồi, có nơi đi bộ cả chục cây số đường rừng. Ấy vậy mà đêm hôm có ai ốm đau bác sỹ cắm bản vẫn mò mẫm cắt rừng đến khám bệnh cho đồng bào. Bởi như chị Mạnh nói, đồng bào đã tin mình mà khi đồng bào cần mình không đến thì công sức gầy dựng bấy lâu lại đi tong.
Có lẽ vì thế mà hôm đi cùng chị Mạnh đến khám bệnh cho cô bé Dinh Thị Kía, học sinh lớp 9, con ông Dinh Say Phùa ở thôn Lũng Táo (xã Lũng Táo), chúng tôi mới cảm nhận được tình cảm của đồng bào dành cho người thầy thuốc thật là nồng ấm và gần gũi.
Đến hiệu quả của Đề án 1816
Công tác khám chữa bệnh ở vùng cao có lẽ bắt đầu từ những tấm gương vượt qua bao gian nan thử thách và thấm đẫm tình người như trường hợp bác sỹ cắm bản Nguyễn Thị Mạnh ở xã Lũng Táo. Và rồi, để có được sự chuyển biến mạnh mẽ như ngày hôm nay, có lẽ không thể không nhắc đến Đề án 1816.
Năm 2008, hưởng ứng chủ trương của Đảng về việc đưa cán bộ trí thức về vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là miền núi để giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống, Bộ Y tế đã thành lập Đề án 1816, cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đào tạo cán bộ tại chỗ và chuyển giao công nghệ, nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới. Và Đề án 1816 đã phát huy hiệu quả một cách rõ rệt.
Bộ y tế triển khai Đề án “Cô đỡ thôn bản” cho sở y tế các tỉnh vùng cao. Lớp tập huấn tại chỗ cho các y bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Bác sỹ Nguyễn Thị Ngoan (áo trắng), Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Minh tiến hành ca mổ nội soi u tử cung cho một bệnh nhân người Dao. Lớp hướng dẫn quy trình đỡ đẻ cho các cô đỡ thôn bản tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. Bác sĩ Trung tâm y tế huyện Yên Minh hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc trẻ sơ sinh cho người dân tộc Mông. Tiêm thuốc ngừa thai theo định kỳ cho phụ nữ người Mông ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Xét nghiệm máu tại phòng khám vệ tinh của Trung tâm y tế huyện Yên Minh, Hà Giang. Nhờ được trang bị xe cấp cứu nên Bệnh viện Đa Khoa Yên Minh có thể vào tận những bản xa cấp cứu kịp thời cho người bệnh. Phòng khám vệ tinh của Bệnh viện Đa khoa Yên Minh đặt tại xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh. Phòng chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhi của Bệnh viện Đa Khoa huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. |
Nhờ có những dự án y tế hỗ trợ cho xã nghèo, Trạm y tế của xã Lũng Táo giờ đã là hai ngôi nhà 2 tầng khang trang. Trạm được trang bị 6 giường bệnh, 8 phòng làm việc. Đội ngũ y bác sỹ có 6 người, trong đó có 1 bác sỹ đa khoa, 1 y sỹ đa khoa, 1 điều dưỡng, 1 nữ tu học và 2 cán bộ đang theo học ở Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên. Lực lượng y tá thôn bản thì có 20 người/16 thôn bản, như vậy mỗi bản trong xã đều có 1 y tá thường trực tại bản. Các y tá này vừa kiêm luôn nhiệm vụ làm cô đỡ thôn bản. Ngoài ra toàn xã còn có 5 cô đỡ thôn bản. Các cô đỡ này đều là phụ nữ người địa phương đã được đi đào tạo chuyên sản khoa tại các khóa tập huấn kéo dài 18 tháng. Do đó, công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho bà con xã Lũng Táo giờ đây đã được đảm bảo và tốt hơn trước rất nhiều.
Một số kết quả của Đề án 1816
(giai đoạn 2008 - 2010) - 72 bệnh viện tham gia cử cán bộ đi
luân phiên. - 3.665 lượt lượt cán bộ y tế được cử
đi luân phiên. - 2.504 kỹ thuật y tế đã được chuyển giao. - 1.453 lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn đã được mở. - 40.531 cán bộ y tế tuyến dưới đã được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. - 802.486 lượt bệnh nhân đã được khám và điều trị. - 11.697 ca bệnh được điều trị bằng phẫu thuật. |
Chị Mạnh cũng không quên khoe với chúng tôi về việc giờ đây dân bản của chị nếu mắc bệnh nặng thì không phải đi xuống tận Hà Nội vừa xa xôi, vừa tốn kém để chữa bệnh nữa. Bởi chỉ cách Lũng Táo hơn 1 giờ đồng hồ đi xe máy thôi là có thể đến được Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Minh. Đây là trung tâm y tế lớn nhất của 4 huyện miền núi tỉnh Hà Giang là: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ.
Trên đường trở về, chúng tôi vào thăm Bệnh viện Đa khoa Yên Minh. Phó Giám đốc Bệnh viện, bác sỹ Nguyễn Thị Ngoan vui mừng cho biết, chị và các bác sỹ của Bệnh viện đã thực hiện thành công ca mổ cho một bệnh nhân bị chảy máu dạ dày bằng kỹ thuật mổ nội soi. Đây là kỹ thuật mới và được triển khai ở Bệnh viện từ cuối năm 2011.
Chị Ngoan cho biết, trước đây, Bệnh viện chỉ thực hiện được kỹ thuật mổ truyền thống là mổ mở nên vết mổ dài, lâu bình phục và rất dễ bị biến chứng nguy hiểm sau mổ, nhất là đối với đồng bào vùng cao chưa biết giữ gìn vệ sinh do tập quán sinh hoạt còn lạc hậu. Từ ngày được chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi từ tuyến trên, Bệnh viện đã tiến hành mổ được trên 160 ca. Và từ khi Bệnh viện có kỹ thuật mổ hiện đại này, bệnh nhân ở các huyện khác như Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn đến mổ rất đông. Trước đây khi chưa có kỹ thuật này tất cả các bệnh nhân đều phải lên bệnh viện tỉnh để mổ, thậm chí có khi còn phải về tận Hà Nội, vừa xa xôi lại vừa tốn kém. Hiện nay, Bệnh viện đã có thể thực hiện được gần như các kỹ thuật mổ nội soi cơ bản, kể cả một số trường hợp khó như: mổ ruột thừa, cắt túi mật, cắt tử cung, cắt u nang buồng trứng…
Nói về Đề án 1816, theo bác sỹ Lương Đình Chăm, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Yên Minh, dấu ấn rõ nhất là việc luôn có các đoàn bác sỹ chuyên môn giỏi từ các bệnh viện lớn của tỉnh, Trung ương về trực tiếp khám chữa bệnh cho đồng bào tại Bệnh viện huyện. Ngoài ra, cũng nhờ có Đề án này mà hàng năm, các bác sỹ ở đây còn được đi đào tạo tại các bệnh viện tuyến Trung ương để nâng cao tay nghề, đáp ứng với những công nghệ được triển khai tại Bệnh viện. Từ đó, Bệnh viện cũng luôn đi đầu và chủ động trong việc đào tạo các các bộ y tế tuyến dưới ở các xã bản trong vùng. Nhờ đó mà đội ngũ cán bộ y tế của 15 trạm y tế trong toàn huyện đều được đào tạo nâng cao chuyên môn ngay tại Bệnh viện Đa khoa huyện.
Một điểm nhấn nữa là Bệnh viện rất chú trọng trong việc đào tạo những kỹ năng khám và chẩn đoán sao cho đúng bệnh, cùng một số thủ thuật cần thiết cho các bác sỹ ở dưới các xã bản, bởi đây là tuyến khám chữa bệnh ban đầu vô cùng quan trọng, nhất là trong điều kiện đường sá vùng cao có nhiều khó khăn. “Nếu có chuyên môn tốt thì nhiều trường hợp nguy cấp, các cán bộ y tế ở dưới xã bản cũng có thể tự xử lý cầm cự được để chờ xe cấp cứu của Bệnh viện huyện vào đưa người bệnh lên tuyến trên cứu chữa kịp thời” - bác sỹ Chăm tâm sự.
Những ngày ở xã Lũng Táo theo chân các bác sỹ đi khám chữa bệnh cho bà con ở bản xa và được tận mắt chứng kiến công việc khám chữa bệnh cho đồng bào vùng cao của các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Yên Minh, chúng tôi mới thực sự thấy rõ giá trị và ý nghĩa của công tác y tế vùng cao. Việc Nhà nước, Bộ Y tế thực hiện chương trình các bệnh viện lớn tuyến trên hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho các cơ sở y tế vùng cao còn nhiều khó khăn là một hành động thiết thực góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng cao và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Đây không chỉ là thành công mang tính xã hội mà còn thể hiện tính nhân văn cao cả của ngành Y tế Việt Nam./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Hoàng Hà
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Hoàng Hà