Tiềm năng địa phương

Xứ dừa Bến Tre

Bến Tre có những vườn dừa mênh mông xanh ngút ngàn và được mệnh danh là "thủ phủ" dừa của Việt Nam. Đối với người Bến Tre, cây dừa có một vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa cũng như quá trình phát triển kinh tế.
Tiềm năng lớn trên quê hương Đồng Khởi
Bến Tre là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện đất đai rất thích hợp cho cây dừa phát triển nên dừa ở đây sai trĩu quả và lượng dầu cao hơn so với các vùng khác của cả nước.

Ở đây, khó có loại cây trồng nào có giá trị sử dụng cao như cây dừa. Dừa được sử dụng làm mọi thứ, từ đồ ăn, thức uống, cho đến các vật dụng trong gia đình, hàng thủ công mĩ nghệ và kể cả làm nhà. Vì vậy, dừa đang là một trong những cây trồng thế mạnh của người nông dân Bến Tre.
 

Giống dừa ta xanh nổi tiếng của Bến Tre. Ảnh: Lê Minh

Vẻ đẹp bình yên của xứ dừa Bến Tre. Ảnh: Lê Minh

Dừa là nguyên liệu chính để làm ra nhiều sản phẩm nổi tiếng của Bến Tre. Ảnh: Nguyễn Luân

Hoạt động buôn bán dừa diễn ra tấp nập trên sông Hàm Luông. Ảnh: Nguyễn Luân

Phơi xơ dừa. Ảnh: Nguyễn Luân

Một góc cơ sở làm kẹo dừa Thanh Long. Ảnh: Lê Minh

Làm thạch dừa tại xưởng sản xuất thạch dừa Minh Châu. Ảnh: Lê Minh

Đóng thùng sản phẩm thạch dừa tại xưởng sản xuất thạch dừa Minh Châu. Ảnh: Lê Minh

Đóng bao sản phẩm cơm dừa nạo sấy. Ảnh: Lê Minh

Chúng tôi đến thăm vườn dừa của ông Đỗ Thành Thưởng ở xã Long Hưng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, người được mệnh danh là “vua dừa” Bến Tre. Năm 1999, ông được Hiệp hội Dừa châu Á - Thái Bình Dương (APCC) tặng danh hiệu “Người trồng dừa giỏi nhất Việt Nam” và tiếp đó vào năm 2004 ông cũng được chính tổ chức này tặng giải thưởng “Tree of life” (Cây của cuộc sống). Đưa chúng tôi đi tham quan vườn dừa 2,5ha xanh tốt trĩu quả, ông Thưởng tâm sự: “Năm 2011 tổng thu nhập từ dừa của gia đình tôi gần 300 triệu, chưa kể số trái còn ở trên cây chưa hái xuống”. 
 
Từ ngày 4/4 đến 9/4/2012, Bến Tre sẽ tổ chức Festival Dừa Bến Tre lần thứ 3 với chủ đề “Bến Tre trên đường hội nhập và phát triển” để tôn vinh và quảng bá ngành dừa. Dự kiến sẽ có nhiều doanh nghiệp trong nước và các nước thuộc Hiệp hội Dừa châu Á - Thái Bình Dương tham gia Festival này.
Năm 2011, tổng diện tích dừa của Bến Tre khoảng hơn 51 nghìn ha. Trong đó có hơn 41 nghìn ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt hơn 400 triệu trái/năm. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có khoảng 70 doanh nghiệp và 1.400 cơ sở với gần 50 nghìn lao động tham gia sản xuất, chế biến các sản phẩm liên quan đến dừa. Trong đó có một công ty 100% vốn nước ngoài và một công ty liên doanh với Sri Lanka.

Như để chứng minh cho lợi ích của ngành công nghiệp chế biến dừa, ông Hồ Vĩnh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre dẫn chứng: “Nếu bán một trái dừa nguyên liệu qua đường tiểu ngạch chỉ được khoảng 11.000 đồng, trong khi đem chế biến thành sản phẩm xuất khẩu giá trị có thể đạt hơn 100.000 đồng, tức hơn gấp 10 lần”. Điều đó cho thấy, ngành công nghiệp chế biến dừa có thể đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Đồng thời nó còn giải quyết được vấn đề việc làm cho người lao động ở địa phương.

Hiện nay, Bến Tre có hơn 40 loại sản phẩm chế biến từ dừa đang được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Campuchia, Lào, Mỹ, Pháp, Canada, Úc… Điển hình như cơm dừa nạo sấy, chỉ xơ dừa, kẹo dừa, thạch dừa… Ngoài ra còn có khoảng hơn 100 sản phẩm thủ công mĩ nghệ được làm từ cây dừa, trái dừa, gáo dừa, cọng dừa… cũng được tiêu thụ mạnh. Hàng năm, các sản phẩm từ dừa chiếm tỉ trọng khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bến Tre.

Chiến lược của xứ dừa
Xác định dừa là cây chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế nên trong mục tiêu phát triển đến năm 2020, Bến Tre rất quan tâm đầu tư cho ngành công nghiệp chế biến dừa, coi ngành dừa là một trong hai ngành công nghiệp chủ lực chi phối đến sự phát triển của địa phương. Để làm được điều này, những năm qua, lãnh đạo tỉnh Bến Tre và các ban ngành đã và đang nỗ lực hết sức mình để có thể tạo ra một hướng đi bền vững cho cây dừa cũng như thực hiện nhiều giải pháp để mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ.

Cùng với việc ổn định thị trường trong nước, Bến Tre còn mở rộng thị trường tiêu thụ tới khoảng 80 quốc gia trên thế giới. Trong đó, châu Âu được xác định là thị trường mục tiêu; châu Mỹ là thị trường tiềm năng với trọng tâm là khu vực Bắc Mỹ, chủ yếu là Hoa Kỳ, Canada, Mexico; và châu Phi sẽ là thị trường mới bởi nơi đây nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nhiều, đa dạng, yêu cầu về chất lượng hàng hóa cũng phù hợp với khả năng sản xuất của Bến Tre.
 

Sản phẩm thủ công mĩ nghệ làm từ dừa của Bến Tre. Ảnh: Lê Minh

Sản phẩm thủ công mĩ nghệ làm từ dừa của Bến Tre. Ảnh: Lê Minh

Sản phẩm thủ công mĩ nghệ làm từ dừa của Bến Tre. Ảnh: Lê Minh

Đặc sản dừa Bến Tre nổi tiếng khắp cả nước. Ảnh: Lê Minh

Để có thể cung ứng đủ nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến dừa, tỉnh Bến Tre đang xây dựng những vùng chuyên canh dừa tập trung ở các huyện Chợ Lách, Châu Thành, Mỏ Cày, Giồng Trôm và trồng dừa theo mô hình hộ gia đình. Đồng thời, tỉnh cũng thực hiện nhiều dự án hỗ trợ như cải tạo khoảng 20 nghìn ha dừa lâu năm, trồng xen canh dừa với cây ca cao, tăng diện tích vườn dừa cao sản và ứng dụng mô hình xen canh dừa với nuôi tôm càng xanh...

Việc nghiên cứu lai tạo, chọn giống dừa được quan tâm đầu tư đặc biệt, nhờ đó nhiều giống dừa tốt đã được nghiên cứu lai tạo thành công như: dừa ta xanh, dừa ta vàng, dừa dâu xanh, dừa dâu vàng, dừa xiêm xanh, dừa xiêm vàng, dừa Tam Quan, dừa dứa, dừa sọc, dừa sáp… và các giống dừa lai. Đặc biệt, hiện nay các giống dừa chịu được nhiễm mặn cũng đang được trồng thử nghiệm để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Có thể nói, cây dừa đang là cây công nghiệp chủ lực. Vì vậy, Bến Tre phấn đấu đến năm 2020 tăng diện tích dừa lên hơn 53 nghìn ha, đưa sản lượng vượt lên 500 triệu trái/năm. Và tỉnh cũng đang tập trung mọi nỗ lực để cây dừa sớm được công nhận là cây công nghiệp trọng điểm quốc gia. Với chiến lược trên, hi vọng trong tương lai không xa, ngành công nghiệp chế biến dừa sẽ phát triển mạnh, góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà./.
 
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Lê Minh, Nguyễn Luân

Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Lê Minh, Nguyễn Luân

                                  Đặc sắc dòng gốm Biên Hòa

Đặc sắc dòng gốm Biên Hòa

Làng gốm Biên Hòa nằm ven sông Đồng Nai thơ mộng với hơn 300 năm tuổi, nổi tiếng với 2 làng gốm lớn nhất đó là làng gốm Tân Vạn và cụm gốm Trường Mỹ thuật thực hành Biên Hòa đến này vẫn còn tồn tại và phát triển hưng thịnh. Chính nơi đây là nơi bắt nguồn của các làng gốm phương Nam nổi tiếng như gốm Bình Dương, gốm Thủ Đức…

Top