Với mục tiêu làm rạng danh môn phái võ Nam Hồng Sơn để phục vụ Tổ quốc, võ đường Xuân Đức (Hà Nội) đã đề ra môn quy: "Đoàn kết với các môn phái bạn, làm điều thiện, tránh điều ác, khi Tổ quốc lâm nguy sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, làm rạng danh môn phái."
Chúng tôi có mặt tại một kỳ thi thăng đai cho các võ sinh của võ đường Xuân Đức, một võ đường thuộc môn phái Nam Hồng Sơn nổi tiếng ở Hà Nội.
Kỳ thi lên đai được tổ chức công phu với các lớp thi từ thanh đai (đai xanh), hoàng đai (đai vàng) đến nhất đẳng hoàng đai. Theo quy định, võ sinh luyện tập ở võ đường Xuân Đức phải trải qua ít nhất một năm mới được thi lên đai. Đây cũng là thành quả mà môn sinh phái võ Nam Hồng Sơn tự hào với màu đai của mình.
Môn sinh Lý Văn Quyền, học sinh trường Tiểu học Thanh Am đã theo học được 4 năm, nay em mới thi lên đai vàng. Quyền cho biết, học võ em thấy mình khỏe và vui, em mong sau này sẽ trở thành một người sống có ích như môn quy mà võ phái đã đưa ra, đó là "Đoàn kết với các môn phái bạn, làm điều thiện, tránh điều ác, khi Tổ Quốc lâm nguy sẵn sàng sả thân vì Tổ Quốc, làm rạng danh môn phái".
Tại kỳ thi lên đai lần này, tùy theo trình độ và thứ bậc đã học, các võ sinh sẽ phải thể hiện những bài võ, thế võ điển hình của Nam Hồng Sơn như: long hổ quyển, thảo mã quyền, phượng vũ quyền, song kiếm nữ, quý châu quyền, tam khúc côn... cho đến cả những màn nội công như chém gạch, yết hầu công, phi long đao hay nằm trên đinh cho xe máy chèn qua người…
Nhìn các võ sinh thể hiện phần thi của mình mới thấy được sự khổ luyện của người học võ cũng như những nét tinh diệu hiếm thấy trong võ học của võ phái Nam Hồng Sơn.
Võ đường Xuân Đức ngày thi lên đai.
Các võ sinh nhỏ tuyển thể hiện phần thi quyền.
Phần thi vượt chướng ngại vật.
Một võ sinh thể hiện phần thi nội công.
Thể hiện phần thi đâm giáo vào yết hầu.
Màn nội công uốn sắt bằng cổ.
Màn nội công nằm bàn chông cho xe máy cán qua người.
Ông Nguyễn Văn Hải, học viên cao tuổi nhất của võ đường Xuân Đức với bài quyền "Long hổ quyền".
Bài "Tam khúc côn".
Màn song đối luyện tay không chống tay không.
Một thế đá bay kẹp cổ của võ phái Nam Hồng Sơn.
Huấn luyện viên Xuân Đức phát đai cho các võ sinh vượt qua kỳ thi lên đai.
Ngày võ đường tổ chức thi lên đai cho các võ sinh còn vinh dự được đón Võ sư cao cấp Nguyễn Tỵ, chưởng môn phái Nam Hồng Sơn và huấn luyện Viên Ngọc Lâm (thầy dạy huấn luyện Viên Xuân Đức) đến dự.
Võ sư cao cấp Nguyễn Tỵ tâm sự: "Tôi là con trai cả của cụ Nguyễn Nguyên Tộ (tức Sáu Tộ), người khai sinh ra môn phái Nam Hồng Sơn vào năm 1920. Cái tên Nam Hồng Sơn rất có ý nghĩa. Nam có nghĩa là võ Việt Nam, Hồng là Thiếu lâm Hồng Gia, Sơn là chỉ uy danh của môn phái bề thế như một ngọn núi hùng vĩ. Đến nay trải qua hơn 80 năm phát triển, môn phái Nam Hồng Sơn đã đào tạo và phát triển được nhiều võ đường uy tín". Võ sư Nguyễn Tỵ cho biết thêm, ông đặt rất nhiều niềm tin vào võ đường Xuân Đức vì đây là võ đường trẻ, có tính kỷ luật cao, học viên đa dạng, nhất là các em thiếu niên, tầng lớp tương lai của đất nước.
Được biết, huấn luyện viên Nguyễn Xuân Đức, chủ nhiệm võ đường Xuân Đức, mở võ đường vào năm 2002. Hiện nay anh đã có trong tay có 7 địa chỉ dạy võ tại: Trường Tiểu học Văn Chương, Trường Tiểu học Thanh Am, Trường Tiểu học Đông Ngọc, Tiểu học Thượng Thanh, Tiểu học Việt Hưng. Đa phần học viên là thiếu niên, bên cạnh đó cũng có cả thanh niên, trung niên và người cao tuổi.
Ông Viết Khoa, 65 tuổi, nhà ở khu 125 Nguyễn Khuyến, Hà Nội, một người yêu thích võ đường Xuân Đức cho biết: "Tôi hay đi xem các môn sinh của võ đường luyện võ, tôi nhận thấy võ đường có tính kỷ luật cao, đặc biệt huấn luyện viên Xuân Đức là một người có tâm với nghề, dù lớp học có một học viên, luyện tập dưới trời mưa, thầy Đức vẫn miệt mài với từng thế võ".
Đến nay, võ đường Xuân Đức đã thu hút được hơn 1.000 học viên tham gia luyện võ. Anh Nguyễn Xuân Đức cho biết: "Võ đường chú trọng vào chất lượng của môn sinh nên không tuyển sinh ồ ạ. Những ai đến với phái võ Nam Hồng Sơn cũng đều phải có cái tâm giữ gìn và phát huy môn võ cổ truyền độc đáo của dân tộc, cũng như phải có tinh thần sẵn sàng phụng sự Tổ quốc lúc lâm nguy./.
Bài: Bích Vân - Ảnh: Việt Cường