(BAVN Online) Đất Bình Định có hàng chục võ đường, nhưng có lẽ võ đường Phi Long Vịnh của chưởng môn Võ sư Trương Văn Vịnh, 75 tuổi, ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước là nổi tiếng hơn cả, bởi nơi đây đang sở hữu bài quyền “Ngọc trản thần công”, một trong mười bài thi đấu chính thức của giải võ cổ truyền Việt Nam và là bài võ bí truyền do chính vua Quang Trung sáng tạo nên.
Võ đường Phi Long Vịnh có từ đời ông cố của Võ sư Trương Văn Vịnh. Cha của ông là lão Võ sư Trương Văn Cẩn, năm nay 96 tuổi. Ông Vịnh học võ lúc 9 tuổi, do ông nội và cha truyền lại. Năm 18 tuổi, võ sư Trương Văn Vịnh bắt đầu thượng đài và cả thời trai trẻ của ông gắn liền với những trận so găng khắp Trung và Nam Việt Nam.

Bằng võ sư quốc tế do Chính phủ Ý trao tặng cho Võ sư Trương Văn Vịnh. |

Bộ sưu tập huy chương của võ đường Phi Long Vịnh. |

Đòn cùi chỏ kết hợp với cú húc đầu của phái Phi Long Vịnh là một thế đánh khá hiểm,
bởi nó khiến đối phương không thể phán đoán được hướng tấn công của đối thủ. |

Võ sư Trương Văn Vịnh đứng tấn thế ngũ trảo lừng danh của bài Hổ quyền. |

Trận đấu đối kháng giữa hai võ sinh môn phái Phi Long Vịnh. |

Một thế roi (Trường côn) của phái Phi Long Vịnh. |

Võ sư Trương Văn Vịnh hướng dẫn một thế tấn cho đệ tử. |

Đòn đánh cận chiến khóa đòn tấn công bằng chân của đối phương. |
Bài quyền “Ngọc trản thần công” hiện được lưu truyền và phổ biến rộng rãi trong các làng võ cổ truyền ở Bình Định cũng như ở Việt Nam.
Bài quyền có đặc tính công thủ toàn diện, cương nhu hài hòa, có những thế né tránh, phản đòn lợi hại; khi di chuyển thì linh hoạt, nhẹ nhàng; khi ra đòn thì nhanh và mạnh.
Người biểu diễn bài quyền “Ngọc trản thần công” có thần nhất hiện nay không ai khác chính là võ sư Trương Văn Vịnh. Võ sư Vịnh có thể biểu diễn bài quyền này chỉ trong phạm vi một chiếc chiếu (1,2m x 1,6m). Bài quyền “Ngọc trản thần công” đã được võ sư biểu diễn ở châu Âu trước bạn bè quốc tế trong dịp khai mạc trọng thể giải Quán khí đạo quốc tế 2007, tại Ý và đã được Ban tổ chức Quán khí đạo quốc tế tặng Bằng danh dự Đại danh sư Trương Văn Vịnh.
Năm 1970, trong chương trình biểu diễn võ thuật và thi đấu với các võ sư giỏi trong và ngoài nước, lần đầu tiên ông biểu diễn những đòn đánh trên không đầy biến ảo có tên gọi là “Phi Long”, khiến ban tổ chức và giới võ thuật kính nể. Sau này, ông lấy tên đòn đánh bất hủ ấy kết hợp với tên của mình để đặt cho môn phái.Rồi hàng trăm võ sĩ qua sự đào tạo của võ sư Trương Văn Vịnh đã thành danh, lại mở thêm nhiều võ đường mang tên Phi Long Vịnh.
Mọi tinh túy của võ thuật cổ truyền mà võ sư Vịnh thọ giáo từ các bậc cha chú được ông trao truyền cho các con trai của mình. Trương Trọng Hải, người con trai thứ ba của ông, 50 lần thượng đài thì chỉ thắng hoặc hòa chứ chưa hề biết đến thất bại. Hải là “trợ thủ” đắc lực của cha trong việc đào tạo võ sinh cho võ đường. Trương Trọng Hùng, người con trai thứ tám mới 32 tuổi cũng đã có hơn 40 lần thượng đài… Mặc dù đã đạt được rất nhiều bằng khen, huy chương nhưng võ sư Trương Văn Vịnh chẳng bao giờ tỏ ra tự mãn. "Võ cũng như không khí cần cho con người luôn luôn hít thở. Võ phải luyện cả đời mới thành được" – Võ sư Trương Văn Vịnh tâm sự.
Bây giờ tuổi đã cao, dù tất bật với việc đồng áng, nhưng lúc nào rảnh rỗi, ông lại dạy võ cho lớp trẻ ở quê nhà. Và võ đường Phi Long Vịnh cũng chính là ngôi nhà của ông.
Bài: Vũ Công Điền - Ảnh: Hoàng Giáp & Tư liệu