Phóng sự chuyên đề

Vào vùng dịch đón đồng bào

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên toàn thế giới, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng đã xây dựng kế hoạch đưa công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài có nguyện vọng về nước. Đến nay, Việt Nam đã tổ chức hơn 100 chuyến bay, đưa về nước hơn 27 nghìn công dân từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn. Đằng sau mỗi hành trình trở về đong đầy cảm xúc ấy là tinh thần chở che mọi công dân của Việt Nam trong cơn hoạn nạn, là sự tương thân, tương ái thiêng liêng hai tiếng “đồng bào”.
Hơn 100 chuyến bay siêu đặc biệt

Ngày 25/01/2020, chỉ ba ngày sau khi ca bệnh Covid -19 đầu tiên trên thế giới được phát hiện, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức chủ động triển khai công tác bảo hộ công dân tại các quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bộ Ngoại giao là đơn vị đầu sóng, đầu gió thực hiện nhiệm vụ này nên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng coi công tác này không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là “mệnh lệnh đến từ trái tim”.

Tám tháng qua, Việt Nam vừa phải gồng mình chống dịch trong nước vừa phải đón nhận tâm tư, nguyện vọng của những người dân Việt Nam đang sống xa Tổ quốc. Các cơ quan chức năng đã tiến hành đồng bộ, chủ động, tích cực, toàn diện công tác bảo hộ công dân với quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau”, trong bối cảnh dịch bệnh gây ra sự phong tỏa tại hàng loạt quốc gia.

Đại dịch COVID-19 đang len lỏi tới mọi ngõ ngách trên thế giới. Thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con người Việt mong muốn được trở về quê hương nên trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 được tổ chức từ ngày 18/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu rõ: “Người Việt Nam ở nước ngoài trường hợp thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức, thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào!”.



Ngay từ ngày 10/2/2020, thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao phó và trách nhiệm của Hãng hàng không Quốc gia, VNA vừa khai thác chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước từ thành phố Vũ Hán, “tâm bão” của dịch Covid – 19. Ảnh: Việt Linh


Ngày 28/7,  phi hành đoàn có 19 người, gồm: 5 phi công, 8 tiếp viên nam, 2 nhân viên kỹ thuật mặt đất và 2 bác sỹ, 2 điều dưỡng trên chiếc Airbus 350
của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam chuẩn bị  cất cánh rời Hà Nội đi Guinea Xích đạo đón 219 công dân, trong đó nhiều  người nghi bị nhiễm Covid-19.
Ảnh: Việt Linh


Buồng áp lực dương ở khoang chở hành khách nghi  mắc COVID-19 trong chuyến bay "giải cứu" công dân Việt từ Guinea Xích đạo. Ảnh: Việt Linh


Các chuyến bay cứu hộ công dân về nước đều được lắp rèm bằng nhựa dẻo, có máy lọc không khí ở mỗi khoang,
khăn ướt tẩm cồn, 1 túi rác và 1 tờ hướng dẫn hành khách trên chuyến bay. Ảnh: Việt Linh


Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi  hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết, trực tiếp ra sân bay để hỗ trợ thủ tục lên máy bay cho bà con về nước. Ảnh: Phi Hùng


Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique hướng dẫn thủ tục cho bà con người Việt trước chuyến bay hồi hương. Ảnh: Phi Hùng


Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga hỗ trợ các phương tiện phòng dịch cho bà con trước chuyến bay hồi hương. Ảnh: Trần Hiếu


Chuyến bay đầu tiên đón người Việt về nước từ quốc đảo Cyprus và Saudi Arabia. Ảnh: Vietnam Airlines


Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng Mỹ đưa hơn 340 công dân Việt Nam về nước an toàn.
Ảnh: Vietnam Airlines


Niềm vui của 129 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo khi máy bay đáp xuống sân bay Nội Bài. Ảnh: Vietnam Airlines


Các cơ quan chức năng Việt Nam hướng dẫn công dân từ Guinea Xích đạo
về khu cách ly tại thuộc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: TTXVN

“Tôi chỉ có thể ngủ yên khi đồng bào của tôi đã hạ cánh an toàn”, đó là lời tâm sự của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, vì kế hoạch đưa công dân Việt Nam về nước gặp nhiều khó khăn. Lập kế hoạch từ ngày 22/3, nhưng hai tháng không tìm được cách để di chuyển từ các địa phương về New Delhi để về Việt Nam, nhưng với những nỗ lực không ngừng và quyết tâm không bỏ cuộc của cá nhân Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng như các cán bộ ngoại giao Việt Nam ở địa bàn Ấn Độ, chuyến bay đưa công dân từ một trong những tâm dịch đã thành công tốt đẹp.

Còn tại Nhật Bản, theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, công việc của các cán bộ sứ quán trong thời gian qua vô cùng bề bộn và căng thẳng. Cán bộ trực bảo hộ công dân trực điện thoại 24 giờ các ngày trong tuần. Nhưng mỗi cuộc nói chuyện, mỗi email trả lời cho công dân có ý nghĩa quý giá, giúp cho những người Việt Nam xa nhà yên tâm hơn.

Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Mỹ, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc đã tham gia chương trình Trao đổi trực tuyến giữa các Cơ quan đại diện Việt Nam, Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Mỹ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp hỗ trợ công dân và du học sinh Viêt Nam. Cho tới nay, Đại sứ quán và các Cơ quan đại diện tại Mỹ đã nhận được gần 1.000 đơn đăng ký nhu cầu về nước và đã chuyển các cơ quan trong nước xem xét, xử lý...

Những thành công trong cuộc chiến chống COVID -19 tại Việt Nam, trong đó có vai trò của công tác bảo hộ công dân đã nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao của dư luận quốc tế. Chia sẻ về vấn đề này, Đại sứ Nauy tại Việt Nam - bà Grete Lochen bày tỏ, bà cảm thấy “rất khích lệ” khi Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chủ động trong công tác lãnh sự để bảo hộ hàng triệu người Việt Nam hiện đang sinh sống và học tập ở nước ngoài.

Nghĩa đồng bào

Việc đưa các công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về nước được thực hiện đồng bộ, từ khâu hướng dẫn, tạo điều kiện làm thủ tục ở nước sở tại, đón tiếp tại sân bay theo đúng các quy định trong mùa dịch cho tới việc chăm sóc, cách ly đều diễn ra chu đáo, như đón những người "ruột thịt". Sự đùm bọc của đồng bào trong nước đã khiến mỗi người con Việt Nam từ nơi xa trở về cảm thấy ấm áp và được che chở. Du học sinh trở về từ Mỹ, bệnh nhân thứ 89 chia sẻ: "14 ngày điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi là quãng thời gian khó quên trong cuộc đời mình bởi em nhận được rất nhiều sự quan tâm từ y, bác sỹ...".


Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã thiết lập hàng nghìn khu cách ly với những nhu cầu vật chất và chăm sóc y tế tốt nhất có thể tại hầu hết các tỉnh thành để đón đồng bào về nước.  Anh Thành Trần từ châu Âu về Việt Nam tránh dịch COVID-19 trên một trong các chuyến bay cuối cùng trước khi EU đóng cửa biên giới. Với lời nhắn gửi "Cảm ơn Tổ quốc đã dang tay", anh Thành chia sẻ anh rất hạnh phúc vì được trở về. Câu chuyện xúc động của anh đã nhận hàng ngàn lượt chia sẻ, yêu thích trên mạng. Anh Thành đã gọi chuyến bay của mình là chuyến bay nhân đạo khi chỉ có 18 hành khách trên máy bay 300 chỗ ngồi và vẫn được phục vụ chu đáo.


Khử khuẩn hành lý tại sân bay Vân Đồn trong chuyến bay giải cứu công dân Việt từ tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc). Ảnh: Việt Linh


Mẫu xét nghiệm của công dân nước ngoài về nước  được chuyển đến các trung tâm xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR. Ảnh: TTXVN


Khu cách ly tập khu nhà ở học sinh-sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) để phục vụ công tác cách ly bà con người Việt từ nước ngoài hồi hương.
Ảnh: Kim Phương/VNP


Ký túc xá Mỹ Đình (Hà Nội) được trưng dung làm Khu cách ly cho những người có nguy cơ mắc COVID-19 từ nước ngoài về nước. Ảnh: Công Đạt/VNP


Nhiều khẩu phần ăn có giá trị khoảng 50.000 đồng do các doanh nghiệp ủng hộ được gửi đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương
giúp bà con cách ly và đội ngũ bác sỹ chống dịch. Ảnh: Thanh Giang/VNP


Tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận và đưa 80 công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về vào khu cách ly thuộc Trung đoàn 814, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Ảnh: TTXVN


Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến thăm, động viên các công dân từ nước ngoài về
đang cách ly tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng-An ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: TTXVN


Nhằm đảm bảo an toàn cũng như đáp ứng nhu cầu được điều trị bệnh cho những người từ nước ngoài về nước đang thực hiện cách ly,
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã cho phép Bệnh viện Quận 2 thành lập đơn vị chạy thận nhân tạo trong Khu cách ly tập trung quận 2. Ảnh: TTXVN


Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình trao Giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly phòng, chống dịch COVID-19
cho 80 công dân Việt Nam trở về từ nước ngoài tại khu cách ly tập trung Trung đoàn 814. Ảnh: Trọng Đạt / TTXVN

Tinh thuần "không để ai bị bỏ lại phía sau", đặt mạng sống của người dân lên trên hết" đã biến thành quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong phòng chống đại dịch.
Trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 diễn ra ngày 10/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định sẽ tiếp tục tổ chức thêm các chuyến bay để đưa người Việt Nam về nước, vì “máu chảy ruột mềm”, khó khăn vất vả của bà con cũng là nỗi lo của Đảng, của Nhà nước, của đồng bào trong nước, việc đưa công dân Việt Nam trở về nước lúc này là một đòi hỏi cấp bách.

Chúng ta đã có chuyến bay lịch sử mang số hiệu “tình người”, đón công dân Việt Nam từ vùng dịch về cách ly, điều trị an toàn. Với những gì đã làm được trong thời gian qua, nhân dân Việt Nam nói chung, đồng bào ta ở nước ngoài nói riêng càng thêm tự hào, tin tưởng vào sự dẫn dắt, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự chung sức, đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân. Đồng bào ta càng thêm thấm thía rằng, Tổ quốc luôn là nơi để trở về, luôn dang rộng vòng tay chở che mọi công dân của mình trong cơn hoạn nạn. Những điều giản dị mà thiêng liêng, cao quý ấy đã tiếp thêm động lực để mỗi người con đất Việt dù ở bất cứ nơi đâu đều tin yêu và hướng về Tổ quốc./.

 
Bài: Phong Thu
Ảnh: Việt Linh, Trần Hiếu, Phi Hùng, Công Đạt, Thanh Giang,TTXVN và Vietnam Airlines

Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Khám phá văn hóa Mường ở Hòa Bình

Cách thành phố Hà Nội chừng 70km về phía Tây Nam, tỉnh Hòa Bình được biết đến là “miền đất sử thi”, nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Mường. Trải qua nhiều thế hệ, đồng bào Mường nơi đây đã tạo dựng nên một kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Top