Thể thao

Uy vũ đại đao

Trong hàng trăm thứ binh khí cổ truyền, đại đao được giới võ tướng thời xưa suy tôn là “nguyên soái của trăm quân”, ý nói đại đao có sức mạnh và uy vũ hơn tất cả các loại binh khí khác.
Nhân nói đến đại đao, thiết nghĩ cũng nên nói qua đôi điều về các loại binh khí có tên gọi chung là “Đao”. Theo võ sư Lê Văn Tuyến, chưởng môn phái Bạch Hổ ở Huế, đao có nhiều loại, tùy theo từng môn phái mà có cách gọi khác nhau, nhưng về cơ bản thì có đơn đao, song đao, siêu đao và đại đao. Nếu như đơn đao và song đao là loại binh khí ngắn, thì ngược lại đại đao và siêu đao được xếp vào loại binh khí dài.
Cũng theo võ sư Lê Văn Tuyến, lâu nay nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa đại đao và siêu đao. Thực ra đây là hai loại binh khí có cấu tạo và sở trường khác nhau. Siêu đao cán dài, thường dùng cho chiến tướng ngồi trên lưng ngựa. Trong khí đó, đại đao cán ngắn hơn, lưỡi to hơn, dài và nặng hơn nên thường được dùng cho chiến tướng đánh trên bộ. Vì lưỡi to, cán ngắn nên đại đao rất thích hợp cho lối đánh càn lướt, áp đảo. Do đó, thời xưa, khi ra trận, đại đao thường được sử dụng để tấn công đám đông hay kẻ địch mặc giáp trụ dày và chắc, hoặc để đốn ngã chân ngựa của đối phương, có lẽ vì thế mà có nơi gọi đại đao là “trảm mã đao”, tức đao chém ngựa.
 
Ảnh đẹp - Báo Ảnh
Kĩ thuật múa đao đỡ đòn của đối phương.
Ảnh đẹp - Báo Ảnh
Kĩ thuật giấu đao lừa đối thủ.
Ảnh đẹp - Báo Ảnh
Võ sư Lê Anh Thảo trong một thế đánh đại đao nổi tiếng của môn phái Bạch Hổ.
Ảnh đẹp - Báo Ảnh
Thu đao là một kĩ thuật khó trong phép đánh đại đao.
Ảnh đẹp - Báo Ảnh
Một cú ra đao đầy uy lực của võ sư Lê Anh Thảo.
Ảnh đẹp - Báo Ảnh
Võ sư Lê Anh Thảo và các võ sinh của võ đường Bạch Hổ ở Huế.

Lối đánh cơ bản của đại đao chủ yếu có mấy tư thế như: chém, bổ, xoay, khều, gác, đẩy, kéo, gạt, đỡ, đâm… Bàn về phép đánh đại đao, người xưa thường đúc kết rằng: “Đường đao dễ phát khó thu (do đao rất nặng nên chém ra thì dễ nhưng thu về thì khó - PV), khó mà nắm cho linh hoạt được. Để bù lấp khuyết điểm ấy người sử dụng phải rèn sức tay, tập trung sức lực vào hai cánh tay, có như vậy mới có thể sử dụng linh hoạt và như ý”. Như vậy có thể thấy, đại đao là loại binh khí không phải dễ dùng, nó đòi hỏi người sử dụng phải có một sức khỏe và trình độ võ thuật rất cao.
Mới đây, trong một lần đến Huế, tôi đã có cơ hội được xem võ sư 17/18 đẳng Lê Anh Thảo, trưởng môn phái võ cổ truyền Bạch Hổ biểu diễn bài đại đao. Võ sư Lê Anh Thảo hiện đang công tác trong ngành công an của thành phố Huế, và anh cũng chính là con trai của võ sư Lê Văn Tuyến.
Bằng một bộ pháp vững vàng, thân pháp uyển chuyển, đao pháp biến hóa… võ sư Lê Anh Thảo đã thi triển rất thành công bài đại đao nổi tiếng của võ phái Bạch Hổ. Dưới ánh nắng của trưa hè, từng đường đao loang loáng lướt nhanh tạo nên những tiếng rít dài của lưỡi đao khi lướt đi trong gió. Toàn bộ thân thủ của người võ sư trẻ cùng với cây đại đao tiến thoái nhịp nhàng, lúc chém bên Nam, lúc gạt bên Bắc, né trước, đỡ sau. Mỗi động tác nhất cử nhất động đều thể hiện rõ cái uy vũ của loại binh khí đặc biệt này cũng như cái thần thái hiên ngang của người sử dụng nó.
Càng xem càng thấy võ học Việt Nam quả là kì bí và mênh mông như biển cả, khó bề mà khám phá được hết. Thế mới biết, trên cái dải đất hình chữ “S” này, trong làng võ học cổ truyền Việt Nam, mỗi một môn phái đều có những sở trường võ học xuất chúng riêng./.
Bài: Thái Hòa - Ảnh: Trần Thanh Giang

Bài: Thái Hòa - Ảnh: Trần Thanh Giang


Top