Bằng việc mô phỏng các động tác của bốn loài linh thú theo quan niệm văn hóa phương Đông gồm: long - lân – quy – phụng, bài võ “Tứ linh đao” với kỹ thuật tấn công, phòng thủ liên hoàn, linh hoạt và chặt chẽ đã trở thành một trong những bài võ nổi tiếng của võ cổ truyền Việt Nam.
Được biết võ sư Hồ Tường thuộc môn phái Tân Khánh – Bà Trà là người sáng tạo bài võ “Tứ linh đao” vào năm 1979, khi ông mới 25 tuổi. Khi đó, Tp. Hồ Chí Minh đẩy mạnh phong trào rèn luyện thể dục thể thao cho thanh niên nên các lò võ phát triển rầm rộ. Võ sư Hồ Tường được Chưởng môn phái Tân Khánh – Bà Trà khi đó là cố võ sư Hồ Văn Lành (biệt hiệu Từ Thiện) giao trọng trách sáng tác một bài võ để đóng góp vào chương trình huấn luyện chung với các môn phái khác của hệ thống võ cổ truyền lúc bấy giờ.
Võ sư Hồ Tường đã dựa vào các kỹ thuật đặc trưng của môn phái cùng với sự hiểu biết của mình về các môn võ khác để sáng tạo ra bài đơn đao “Tứ linh đao”. Bài võ đã nhận được những phản hồi tích cực của Hội đồng võ sư khi đó và lập tức được đưa vào giảng dạy cho các môn sinh từ tháng 4 năm 1979 tại Câu lạc bộ Thể dục thể thao quận 1, dành cho các môn sinh từ sơ cấp thi lên trung cấp. Đến năm 1993, cố võ sư Đặng Văn Anh (môn phái Kim kê Tây Sơn Nhạn) đã giới thiệu bài “Tứ linh đao” ở Hội nghị Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam và được chọn trở thành một trong những bài quốc võ.
Bài võ được triển khai về bốn hướng Đông – Tây – Nam – Bắc
và mỗi hướng đều có các động tác đại diện cho các con vật theo những thế mạnh đặc trưng.
Với cây đơn đao trên tay, bài võ hội đủ các kỹ thuật linh hoạt của cây đao như:
trảm, phạt, đâm, chém, đỡ, giúp khả năng tấn công cũng như phòng thủ một cách toàn diện.
Thế thủ rùa núp lá sen mô phỏng động tác phòng thủ của con rùa.
Động tác “phát cỏ chém rắn” vừa phòng thủ vừa tấn công phần dưới của đối phương.
Động tác mô phỏng con phụng (phượng hoàng) mang yếu tố uyển chuyển, rèn luyện thân thể dẻo dai, nhẹ nhàng.
Động tác đinh tấn kết hợp tấn công và phòng thủ phần thượng (trên cao).
Đòn thế “giáng hổ thăng long” vừa tấn đá vừa dùng dao chém xuống tấn công liên hoàn.
Với cây đơn đao trong tay, võ sinh có thể dùng để khắc chế với các binh khí khác một cách hiệu quả.
Sử dụng đơn đao khắc chế song câu.
Đơn đao đỡ côn trong chiến đấu.
Sử dụng đơn đao tấn công song đấu với trường côn.
Hai môn sinh Nguyễn Văn Trong (dùng đao) và Trần Văn Minh (dùng côn) thể hiện bài đối kháng côn đấu với đơn đao.
Bài võ “Tứ linh đao” giúp người tập sử dụng thuần thục cây đơn đao
để khắc chế một số binh khí khác như: đao, kiếm, côn, thương, móc câu
Bài võ “Tứ linh đao” giúp người tập sử dụng nhuần nhuyền cây đao trong tay,
vận dụng vào trong tấn công cũng như phòng thủ một cách linh hoạt. |
Dựa trên việc mô phỏng động tác của bốn loài linh thú nói trên, bài võ được triển khai về bốn hướng Đông – Tây – Nam – Bắc và mỗi hướng đều có các động tác đại diện cho các con vật theo những thế mạnh đặc trưng. Động tác mô phỏng con long (rồng) vừa hùng dũng vừa uyển chuyển ở những thế vừa tấn công vừa phòng thủ. Động tác mô phỏng con lân (kỳ lân) hùng dũng thể hiện ở những thế đâm, tấn công mạnh mẽ và dứt khoát. Động tác mô phỏng con quy (rùa) chủ yếu là phòng thủ thể hiện ở các tư thế núp và lẫn tránh. Động tác mô phỏng con phụng (phượng hoàng) mang yếu tố uyển chuyển, rèn luyện thân thể dẻo dai, nhẹ nhàng. Ngoài những con vật chính còn những con vật phụ như rắn, hạc góp phần da dạng các thế võ trong bài.
Bài võ hội đủ các kỹ thuật linh hoạt của cây đao như: trảm, phạt, đâm, chém, đỡ, giúp khả năng tấn công cũng như phòng thủ một cách toàn diện ở cả ba phần thượng – trung – hạ. Kỹ thuật di chuyển bốn hướng vừa hỗ trợ ứng phó phòng thủ vừa rèn luyện khả năng tấn công đối phương ở các hướng. Các động tác đều được lặp lại từng đôi một ở các hướng đối xứng, và vị võ sư đã tính toán đồ hình di chuyển của bài võ một cách khép kín sao cho điểm kết trùng với điểm xuất phát./.
Bài võ “Tứ linh đao” đã được võ sư Hồ Tường biên soạn lại cho phù hợp với người cao tuổi và được chọn đưa vào chương trình huấn luyện thể dục dưỡng sinh toàn quốc từ năm 2014.
|
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân