Văn hóa

Trung tâm Búp bê dân tộc Sao Mai

Những con búp bê xinh xắn trong những bộ trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt không chỉ là thành quả mà còn là ý chí khát khao sống của những người khuyết tật ở Trung tâm Búp bê dân tộc Sao Mai.
“Chắc chắn nhà báo sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những con búp bê dân tộc vô cùng đẹp và đầy tính nghệ thuật”. Tôi đã được nghe giới thiệu như vậy về Trung tâm. Và chỉ khi được trực tiếp đến Trung tâm, gặp Giám đốc Khánh Ngọc, bắt gặp hình ảnh gần 20 người khuyết tật đang ngồi làm việc quây quần trong một cái xưởng nhỏ rộng chừng hơn chục mét vuông, tôi mới hiểu có cái gì đó nhiều hơn một sản phẩm mỹ nghệ.
Hình ảnh người thì khâu áo, người khâu giày, người thì vẽ mặt cho búp bê… đã tác động mạnh vào cảm xúc của tôi. Ở đây có người liệt cả hai chân, người bị thiểu năng trí tuệ, người do nhiễm chất độc da cam nên cơ thể phát triển không giống người bình thường… Thế nhưng, cái không khí làm việc, mức độ hăng say trong công việc và niềm vui mỗi khi họ hoàn thành một con búp bê dân tộc thì thật khiến người ta phải ghen tị.
Bà Khánh Ngọc tiếp lời khi thấy tôi cứ chăm chú nhìn các thành viên của Trung tâm khâu vá từng bộ phận của con búp bê: “Các bạn hay và hồn nhiên lắm. Làm ra được con búp bê nào thấy đẹp là cứ thích làm suốt không nghỉ, còn con nào làm ra chưa ứng ý là nản ngay, thể hiện ngay sự giận dỗi, bực tức như một đứa trẻ con vậy.”
 

Một góc xưởng sản xuất búp bê dân tộc của Trung tâm Búp bê dân tộc Sao Mai.

Em Cẩm Tú - 18 tuổi, quê Hà Tĩnh, bị câm, được đánh giá là người có đôi bàn tay khéo léo.

Hầu hết du khách đến Trung tâm Búp bê dân tộc Sao Mai đều không giấu được sự hứng thú với sản phẩm búp bê dân tộc.

Công việc may vá và trang trí búp bê dân tộc giờ các em đều đã rất thạo.

Trang trí mặt búp bê.

Một con búp bê xinh xắn vừa được các em khuyết tật ở Trung tâm Búp bê dân tộc Sao Mai làm ra.

Cũng do các thành viên bị khuyết tật bẩm sinh nên sức khỏe không được ổn định. Có những lúc Trung tâm đông đến 20 – 30 người, nhưng có thời gian các em nghỉ ốm, còn lại được chục em.
Lê Thị Huyền, 32 tuổi, quê ở Hà Tĩnh bị liệt cả hai chân không đi lại được. Tuy nhiên, điều đó không làm ảnh hưởng đến năng suất lao động. Huyền đã làm ở Trung tâm 5 năm và được đánh giá là một người có đôi bàn tay khéo léo, làm rất tốt, chịu khó mà lại rất ngoan nữa.
Rồi Cẩm Tú 18 tuổi, cũng đến từ Hà Tĩnh, bị câm; Ngọc Thơm 26 tuổi, cũng bị câm điếc... Bởi vậy, nhiều khi Trung tâm có đến gần 20 thành viên ngồi làm việc nhưng tất cả đều rất yên lặng, ít khi có những tiếng cười nói, bởi các em đa phần giao tiếp với nhau bằng cử chỉ, ra hiệu.
Những con búp bê của Trung tâm Búp bê dân tộc Sao Mai dường như đều mang trong đó cái hồn riêng theo đặc trưng của từng dân tộc. Vì vậy, các nét vẽ cũng khác nhau và đều được mọi người thực hiện rất đúng.
Giám đốc Khánh Ngọc là một phụ nữ tuổi đã ngoài lục tuần nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn. Điều đặc biệt khi tiếp xúc với bà ai cũng nhận ra sự tâm huyết của người phụ nữ này. Nếu không tâm huyết với văn hóa dân tộc, không tâm huyết với những mảnh đời bất hạnh thì người phụ nữ này đã không thể chèo lái “con thuyền” gần chục năm, trải qua những giai đoạn khó khăn, vất vả nhất. Khi nhận các em vào đây, bà Khánh Ngọc chỉ cần bàn tay và đôi mắt của các em lành lặn còn tất cả những khuyết tật khác trên cơ thể các em đều không quan trọng. “Bởi các em vẫn còn tay và mắt để làm thì hãy để các em được làm việc kiếm sống, tự nuôi bản thân. Mình không có quyền tước đi quyền được làm việc của các em” – bà Khánh Ngọc tâm sự.
Trung tâm Búp bê dân tộc Sao Mai là niềm tự hào, là ngôi nhà thứ hai của bà Khánh Ngọc và hơn hai mươi thành viên. Những sản phẩm búp bê dân tộc của Trung tâm không chỉ được người Việt biết đến mà nó đã trở thành một món quà không thể thiếu với mỗi du khách nước ngoài yêu thích văn hóa truyền thống của Việt Nam. Ngoài những khách sạn 5 sao lớn ở Hà Nội… còn có các cửa hàng trong phố cổ chuyên bán đồ lưu niệm cho khách nước ngoài sử dụng sản phẩm của Trung tâm.
 



Một số sản phẩm búp bê dân tộc của Trung tâm Búp bê dân tộc Sao Mai.

Những con búp bê dân tộc của Đan Mạch được đặt làm tại Trung tâm Búp bê dân tộc Sao Mai.

Trung tâm Búp bê dân tộc Sao Mai còn được bạn bè quốc tế biết đến khi một phóng sự về Trung tâm được kênh truyền hình CNN nổi tiếng của Mỹ phát trên toàn thế giới. Bởi vậy, những hợp đồng làm thêm của Trung tâm do nước ngoài đặt (cụ thể là hợp đồng của Đan Mạch), đã phần nào đem lại thu nhập cũng như công ăn việc làm một cách đều đặn cho các em khuyết tật trong Trung tâm.
Với phương châm “vừa bảo tồn văn hóa vừa tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật”, Giám đốc Khánh Ngọc đã làm được hơn thế rất nhiều. Bởi bà đã không chỉ giới thiệu được nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng 54 dân tộc Việt qua những bộ trang phục truyền thống trang trí cho búp bê mà còn giúp những mảnh đời bất hạnh có thể tự lao động để nuôi sống bản thân, giúp họ tự tin đối diện với cuộc sống cũng như góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội./.
 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường

Nhớ tranh Tết làng Sình

Nhớ tranh Tết làng Sình

Ngày xưa, những ngày áp Tết, khắp các khu chợ ở Huế đâu đâu cũng có bày bán tranh làng Sình, loại tranh thờ nổi tiếng của làng Lại Ân ở Huế, thành ra cứ nhắc đến tranh làng Sình là người Huế lại nôn nao nỗi nhớ Tết về.

Top