Vượt ra ngoài ranh giới Thánh địa Mỹ Sơn, tiếng kèn saranai của người Chăm đã đến với Trường Sa một cách hết sức tình cờ. Chính sự tình cờ này đã tạo nên một món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa và đặc biệt. Bởi giữa đại dương bao la, âm thanh đó vang lên đã mang đến niềm mong ước về một Trường Sa yên bình và hạnh phúc.
Cầu cảng Cát Lái Tp. Hồ Chí Minh ngày tiễn đoàn thân nhân ra thăm người thân ở Trường Sa nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường. Trên boong tàu, mọi người đã tập trung gần như đông đủ. Dường như ai cũng muốn được vẫy tay chào tạm biệt đất liền để bắt đầu cho một chuyến hành trình dài ngày trên biển đến với Trường Sa thân yêu.
Bỗng trong ánh nắng bình minh vàng rực, từ sau boong tàu HQ 571 có một ông lão đi ra. Chiếc khăn quấn trên đầu cùng bộ râu dài trắng muốt tung bay trên khuôn mặt rám nắng đầy ấn tượng của ông lão đã thu hút sự quan tâm của gần như tất cả mọi người đang đứng trên boong lúc đó.
Giây phúc gặp nhau của bố con ông Lộ Phú Bảo và Lộ Lam Sinh trên cầu cảng Trường Sa Lớn.
Ông lão Lộ Phú Bảo với chiếc kèn Saranai trong chuyến hành trình vượt biển ra thăm Trường Sa.
Lộ Lam Sinh mừng vui khi gặp lại cha và hình ảnh cây kèn Sanarai yêu quý của đồng bào mình ngay trên đảo Trường Sa Lớn. |
Chúng tôi cũng không ngoại lệ. Cuộc trò chuyện với ông lão trong thời khắc ngắn ngủi trước phút khởi hành chỉ đủ cho chúng tôi biết được tên ông là Lộ Phú Bảo, người dân tộc Chăm, quê ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ông lão ra thăm cậu con trai Lộ Lam Sinh, là chiến sỹ đang công tác trên đảo Trường Sa Lớn.
Qua một đêm lênh đênh trên biển, buổi sáng giữa đại dương, cảm giác thật khó tả. Dù mệt vì say sóng nhưng ai cũng cố leo lên boong tàu để được hít thật sâu bầu không khí trong lành của đại dương. Phía đầu mạn tàu, có những cánh tay chỉ về hướng xa xa trước mặt. Đảo Trường Sa Lớn lúc này đã như một chấm nhỏ hiện lên giữa trời và nước. Trong khi mọi người còn đang mải miết ngắm biển, ngắm đảo thì bỗng có tiếng kèn nghe rất lạ tai vang lên từ phía lan can của buồng lái.
Tiếng kèn mê hoặc, lôi cuốn đến lạ kỳ. Không ai bảo ai, mọi người đều cùng hướng mắt nhìn về phía phát ra thứ âm thanh đó. Và thật ngạc nhiên làm sao khi trước mắt chúng tôi là hình ảnh ông già Chăm Lộ Phú Bảo, đầu quấn khăn với bộ râu trắng tung bay trong gió đang thả hồn vào tiếng kèn saranai với những giai điệu mê hoặc của người Chăm.
Giữa khung cảnh đại dương bao la, tiếng kèn như sợi dây vô hình kéo tất cả mọi người trong đoàn hành trình xích lại gần với nhau hơn. Tiếng kèn đầy mê hoặc với những nhịp điệu từ trầm bổng đến cao vút, rồi có lúc dồn dập như những trận giao tranh trong sử thi Chăm. Mọi người trên boong tàu lúc im lặng lắng nghe, lúc lại hò reo cổ vũ khiến ông già Chăm càng thêm hưng phấn thổi hồn mình vào tiếng kèn saranai. Tiếng kèn saranai của ông già Chăm có sức mạnh lạ kỳ. Nó như xua tan mọi mệt mỏi, làm cho lòng người phấn chấn hẳn lên.
Trường Sa đây rồi! Có tiếng người reo lên. Mọi người ai nấy đều như vỡ òa cảm xúc khi tàu HQ 571 cập cảng đảo Trường Sa Lớn. Sau những giây phút quyến luyến ban đầu với cậu con trai Lộ Lam Sinh ngay trên cầu cảng Trường Sa Lớn, ông lão Lộ Phú Bảo theo con trai vào nơi đóng quân của đơn vị. Ngồi ở bộ bàn ghế đá được kê dưới tán phong ba, ông già Chăm đã không quên tặng các chiến sỹ Trường Sa món quà tinh thần mà ông rất tâm huyết. Và cứ thế, thật tự nhiên, tiếng kèn saranai lại được cất lên, lúc trầm lúc bổng. Tiếng kèn như lan tỏa, quyện cả vào những vòm lá phong ba xanh mướt vươn lên hiên ngang giữa biển trời.
Tiếng kèn saranai của ông Bảo là món quà tinh thần đầy ý nghĩa với cậu con trai và các chiến sỹ trên đảo Trường Sa Lớn.
Tạm biệt đồng đội của con trai trước khi lên tàu về đất liền.
Đồng đội của Lộ Lam Sinh chọn cây bàng vuông làm quà tặng ông già Chăm khi về đất liền.
Ông lão hào hứng kể lại những câu chuyện ở Trường Sa,
chuyện về tiếng kèn sanarai của người Chăm vang lên trên mảnh đất xa xôi của tổ quốc. |
Những ngày ở lại đảo Trường Sa Lớn, ông già Chăm được các chiến sỹ và người dân trên đảo gọi bằng một cái tên trìu mến: “ông già saranai”. Ông đi đến đâu, không khí trên đảo vui như có lễ hội Chăm đến đấy.
Cái duyên của chúng tôi với “ông già Saranai” vẫn chưa dừng ở đó. Trở về đất liền, chúng tôi theo ông về thị trấn Phước Dân. Mảnh đất Ninh Thuận đầy nắng gió, khô cằn nhưng ngày đón ông trở về như tươi mới hẳn lên, bởi niềm vui và những câu chuyện mà “ông già Saranai” mang từ Trường Sa về với quê hương.
Mọi người trong gia đình có mặt đông đủ ngay từ sáng sớm để đón ông lão trở về. Ai cũng háo hức mong chờ được nghe ông kể chuyện Trường Sa và chuyện về cậu con trai út Lộ Lam Sinh đang làm nhiệm vụ canh giữ biển trời của Tổ quốc nơi đảo xa.
Tôi không biết sau lần này, đến bao giờ Trường Sa mới lại có dịp được nghe tiếng kèn saranai của ông lão. Chỉ biết là thứ âm thanh mạnh mẽ và hùng tráng đó đã được vang lên trên mảnh đất thiêng của Tổ quốc, với những nốt thăng kỳ vọng về một Trường Sa yên bình và hạnh phúc./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường