Hơn 20 năm qua, nghệ sĩ Hải Phượng đã mang tiếng đàn tranh ngọt ngào, sâu lắng của mình chinh phục hàng triệu con tim yêu âm nhạc dân tộc ở cả trong nước và trên thế giới, góp phần bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống.
Nghệ sĩ Hải Phượng là con gái đầu của Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan, cựu giảng viên âm nhạc dân tộc của Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh. Vì thế, ngay từ khi còn rất nhỏ, chị đã được làm quen với các nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là cây đàn tranh của mẹ. Chị kể, hồi ấy, mỗi lần được mẹ cho “nghịch” đàn là chị mải miết với nó cả buổi không biết chán.
Lên 7 tuổi, Hải Phượng được mẹ cho theo học khóa đầu tiên (năm 1976) về đàn tranh của Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh. Từ đó, chị đều đặn theo mẹ đến trường học đàn mỗi ngày. Càng học chị càng say mê và gắn bó với đàn tranh như máu thịt.
Hơn 15 năm khổ luyện cung đàn từ trung học dài hạn đến đại học, năm 1992, Hải Phượng tham dự cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Cung Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh và đạt giải nhất. Từ đó, tiếng đàn tranh của Hải Phượng được nhiều người yêu nhạc biết đến và mến mộ.
Nghệ sĩ Hải Phượng đã có hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật đàn tranh truyền thống.
Nghệ sĩ Hải Phượng độc tấu tại đêm Hội ngộ đàn tranh.
Nghệ sĩ Hải Phượng (ngồi giữa) hòa tấu đàn tranh
cùng các nghệ sĩ đàn tranh cả nước trong đêm Hội ngộ đàn tranh lần 3 - 2012.
Nghệ sĩ Hải Phượng nhận bằng lưu niệm tham gia chương trình Hội ngộ đàn tranh lần 3.
Nghệ sĩ Hải Phượng giảng dạy đàn tranh cho các bạn sinh viên chuyên ngành đàn tranh tại Nhạc viện Tp.HCM. |
Năm 1993, Hải Phượng sang Paris (Pháp) thực hiện DVD đầu tiên của mình “La Music Hier et Aujourd’hui” (Đàn tranh hôm nay và hôm qua) cùng giáo sư Trần Văn Khê và giành 2 giải thưởng của chính phủ Pháp, đánh dấu bước phát triển mới trong sự nghiệp đàn tranh của mình. Về nước, chị tiếp tục theo học cao học tại Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh, đồng thời tham gia biểu diễn ở khắp các tỉnh thành trong nước. Sau đó, chị bảo vệ luận án tốt nghiệp và trở thành một trong hai thạc sĩ nghệ thuật đầu tiên về chuyên ngành Phương pháp và Biểu diễn Sư phạm Âm nhạc Dân tộc của Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh.
Trước đó, năm 1981, Hải Phượng cùng mẹ và em gái là nghệ sĩ Hải Yến thành lập CLB Tiếng hát quê hương tại Cung Văn hóa Lao Động (Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh) với mục đích đào tạo và phổ biến âm nhạc dân tộc đến những ai yêu thích... Chị cho biết, CLB bây giờ vẫn sinh hoạt đều đặn vào những ngày cuối tuần. Đặc biệt, cứ sau mỗi đợt “Hội ngộ đàn tranh” do CLB tổ chức thì số người đăng ký theo học đàn tranh lại tăng lên. Điều đó chứng tỏ, nếu được quảng bá rộng rãi, chắc chắn số người yêu thích nhạc cụ này sẽ còn tăng lên nhiều, góp phần vào việc hồi sinh và phát triển rộng khắp nền âm nhạc dân tộc.
Theo nghệ sĩ Hải Phượng, học đàn tranh phải khổ luyện lâu dài mới thành công. Với người học chuyên, nếu siêng tập thì một bài đơn giản mất 1 tháng, những bài phức tạp có thể tập mỗi ngày 8 tiếng trong vòng 5 tháng mới xong. Người mới học đàn tranh cần lâu hơn một chút, quan trọng là phải kiên trì và thực sự đam mê. Chị quan niệm, âm nhạc dân tộc nói chung và đàn tranh nói riêng đều không có bề nổi, nhưng bề sâu của nó là vô tận, càng khám phá càng thấy mới lạ và muốn chinh phục.
Mới đây, nghệ sĩ Hải Phượng thử nghiệm đưa đàn tranh hòa tấu cùng nhóm nhạc Saigon Big Band của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn thành những bản nhạc jazz mới lạ, bước đầu có hiệu ứng rất tốt với công chúng. Hiện tại, Hải Phượng là giảng viên Khoa Âm nhạc Dân tộc tại Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm CLB Tiếng hát quê hương. Ngoài ra, chị còn nghiên cứu, sáng tác và chuyển soạn nhiều tác phẩm đàn tranh để phục vụ công chúng.
Hơn 20 năm trong nghề, nghệ sĩ Hải Phượng đã được mời đi biểu diễn tại hơn 20 quốc gia trên thế giới, cũng như tham dự nhiều liên hoan âm nhạc và giao lưu quốc tế. Chị đã xuất bản nhiều album đàn tranh như: Tình ca quê hương, Bến xuân, Tiếng xưa, Làn điệu cội nguồn, Tiếng đàn Hải Phượng... Tất cả đều mang hơi thở của nhạc trữ tình quê hương, của dân ca hoặc đờn ca tài tử.../.
Bài: Đỗ Văn - Ảnh: Lê Minh