Tiềm năng địa phương

Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những ngư trường trọng điểm của Việt Nam, là một trong ba tỉnh đi đầu cả nước về lĩnh vực khai thác, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Những năm qua, ngành thủy sản của Bà Rịa – Vũng Tàu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 7,78%/năm, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp rất lớn vào ngân sách và là nguồn sống của người dân ven biển.
Ở Việt Nam ít có tỉnh nào có điều kiện thuận lợi như Bà Rịa - Vũng Tàu về ngành thủy sản. Với chiều dài bờ biển lên tới hơn 300km, trong đó phần bờ biển ở đất liền dài 100km và một huyện đảo, diện tích vùng đặc quyền kinh tế biển của tỉnh khoảng 297.000km2. Đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong ngư trường được thiên nhiên ưu đãi, thời tiết ôn hòa, ít khi xảy ra gió bão mạnh nên rất thuận lợi cho hoạt động khai thác gần bờ và xa bờ. Vùng biển Bà Rịa- Vũng Tàu có nguồn lợi hải sản rất phong phú và đa dạng với 661 loài cá, 35 loài tôm, 23 loài mực. Trữ lượng khai thác hàng năm lên tới 250.000 tấn. Dọc theo bờ biển, địa hình phần lớn là bãi cát, rừng ngập mặn tự nhiên có nhiều cửa sông, rạch chạy sâu vào nội địa nên thuận lợi cho tàu thuyền hoạt động. Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang có một diện mạo mới thể hiện trên cả bốn lĩnh vực: khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản.

Những năm gần đây, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh liên tục tăng. Năm 2011, sản lượng khai thác đạt 250.000 tấn. Tàu thuyền lớn đánh bắt xa bờ có thể hoạt động từ 300 - 310 ngày. Tỉnh đã chú trọng đầu tư vào lĩnh vực đánh bắt xa bờ, kĩ thuật khai thác được nâng cao, tàu thuyền phần lớn được đầu tư trang thiết bị tiên tiến, phương thức tổ chức sản xuất được đổi mới. Nhiều mô hình đánh bắt theo tổ đội, tàu đoàn như Phước Hải, Phước Tỉnh đã được hình thành, góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm những hình thức đánh bắt gây suy kiệt, hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Chú trọng thiết bị bảo quản sản phẩm sau khai thác và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lí chặt chẽ việc đóng mới tàu cá.
 

Đội tàu đánh bắt xa bờ của Bà Rịa - Vũng Tàu.

Xưởng đóng mới tàu đánh bắt xa bờ ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lắp chân vịt cho tàu cá công suất lớn tại xưởng đóng tàu đánh bắt xa bờ ở xã Phước Tỉnh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tấp nập cảng cá Vũng Tàu.

Vận chuyển cá ở cảng cá Vũng Tàu.

Dùng nước đá để giữ tươi cho cá.


Thu nhập từ nghề cá là nguồn sống chính của nhiều ngư dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Ngoài nghề đánh bắt trên biển, Bà Rịa - Vũng Tàu còn phát triển cả nghề nuôi cá bớp bằng lồng bè trên sông ở xã Long Sơn.

Hiện nay, toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có khoảng gần 7000 chiếc tàu đánh cá với tổng công suất hơn 700 nghìn CV. Ngoài ra, tỉnh cũng đã ưu tiên đầu tư xây dựng được ba cảng cá kiên cố, ba cụm cảng bán kiên cố và sáu cảng cá phân bố rải rác ở các huyện, thị xã, với năng lực bốc dỡ khoảng 360 nghìn tấn cá/năm. Trong tương lai, tỉnh sẽ chú trọng việc nâng cao hơn nữa năng lực đội tàu đánh bắt, đặc biệt là tàu đánh bắt xa bờ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân phát triển nghề đánh bắt hải sản.

Ngoài khả năng đánh bắt, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng rất có tiềm năng trong việc nuôi trồng thủy sản. Với 7.852ha diện tích mặt nước rất thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao, Bà Rịa – Vũng Tàu đã phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp ở các huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Tân Thành và thị xã Bà Rịa. Ngoài ra, còn có các vùng nuôi cá và các loại thủy sản khác phục vụ cho xuất khẩu với những sản phẩm nổi tiếng như ngọc trai, ốc hương và cá mú tại xã đảo Long Sơn (Tp. Vũng Tàu), huyện Côn Đảo. Vùng nuôi cá nước ngọt tập trung ở huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2011 đạt 20.500 tấn, kim ngạch đạt gần 300 triệu USD. Các đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, các loại cá, nghêu...

Chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình anh Mạc Văn Hòa tại xã Bưng Điền, huyện Xuyên Mộc. Trên khu đầm 1ha, anh Hòa thả 1 triệu con giống. Năm nay, trừ chi phí anh thu về hơn 1,5 tỉ đồng. Anh chia sẻ với chúng tôi về mô hình mới này: “Mô hình nuôi tôm trên cát này có nhiều lợi thế là thời gian ngắn, khoảng 2 đến 3 tháng là thu hoạch. Một năm có thể nuôi ba vụ, các chi phí cho khâu cải tạo ao nuôi cũng ít hơn loại nuôi kiểu thông thường và đặc biệt khâu chăm sóc khỏe hơn, tôm ít bệnh tật”. Hình thức này đang được nhân rộng tại những vùng đất ven biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tận dụng hết những lợi thế trên vùng đất cát.

Tĩnh Bà Rịa - Vũng Tàu có ngành chế biến và xuất khẩu hải sản khá hoàn chỉnh với các thị trường khắp nơi trên thế giới. Tỉnh giữ vững được các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, EU, đồng thời phát triển thêm các thị trường mới.
 

Chế biến cá ở Nhà máy chế biến của Công ty Cổ phần Chế biến Xuất nhập khẩu Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood).

Chế biến sản phẩm râu mực xuất khẩu ở Nhà máy chế biến của
Công ty Cổ phần Chế biến Xuất nhập khẩu Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood).

Tủ bảo quan lạnh sản phẩm chả cá xuất khẩu.

Công nhân phơi khô sản phẩm cá chỉ vàng xuất khẩu.

Sản phẩm cá khô ăn liền xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.

Đóng gói sản phẩm thủy hải sản xuất khẩu.

Ngành chế biến thủy sản góp phần giải quyết nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Toàn tỉnh có 169 doanh nghiệp chế biến hải sản; trong đó có 42/54 nhà máy chế biến xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP (hệ thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm), trong số này có 28 nhà máy được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Hầu hết các nhà máy còn lại đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga với tổng công suất 250.000 tấn thành phẩm/năm. Điển hình có Công ty Cổ phần Chế biến Xuất nhập khẩu Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood). Năm 2011, doanh nghiệp này đã xuất khẩu được gần 7.000 tấn sản phẩm, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 20 triệu USD, tăng hơn 7 triệu USD so với năm trước. Hiện nay, để khắc phục khó khăn, các doanh nghiệp thủy sản đang mạnh dạn phát triển các mặt hàng mới, đầu tư nâng cấp công nghệ chế biến, tạo ra các sản phẩm tinh chế có giá trị xuất khẩu cao.

Tỉnh đang khẩn trương xúc tiến nhằm sớm hình thành khu chế biến hải sản tập trung vào năm 2015, để di dời toàn bộ các nhà máy nằm trong khu dân cư và trong các đô thị vào khu chế biến tập trung; tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến hải sản với công nghệ hiện đại trang thiết bị kĩ thuật và đổi mới công nghệ chế biến theo tiêu chuẩn HACCP, ISO 9.000.

Song song với sự phát triển của ngành đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản, ngành dịch vụ hậu cần nghề cá cũng có cơ hội phát triển theo. Ví dụ như nghề đóng tàu đánh bắt xa bờ và sửa chữa tàu cá ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền. Hoặc các dịch vụ như sản xuất nước đá, kinh doanh nhiên liệu và dịch vụ cảng… thu mua thủy sản, cung ứng vật tư hàng hoá phục vụ sản xuất và kinh doanh thủy sản, xuất nhập khẩu thủy sản, nhập khẩu các máy móc thiết bị...

Ông Lê Tấn Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định: “Thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Chúng tôi đang tiếp tục phát huy lợi thế để khai thác hết tiềm năng khai thác và nuôi trồng thủy hải sản của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu”./.
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Nguyễn Luân

Bài: Nguyễn Oanh, Ảnh: Nguyễn Luân

Bưởi đỏ Đông Cao

Bưởi đỏ Đông Cao

Thôn Đông Cao, thuộc xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, là nơi sản sinh ra giống bưởi đặc biệt mang tên Bưởi đỏ Đông Cao - một đặc sản độc đáo và ý nghĩa của vùng ngoại thành Hà Nội. Giống bưởi này không chỉ là một loại trái cây thông thường mà còn là sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa nông thôn và truyền thống ẩm thực của người Hà thành.

Top