Tiềm năng địa phương

Thôn Bến phát triển nghề trồng lan

Xuất phát từ sự đam mê, thích sưu tầm các loại hoa, nhiều hộ dân ở thôn Bến, xã Phụng Công, huyện Văn Giang (Hưng Yên) đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây rau màu sang trồng hoa lan, đầu tư hệ thống trồng công nghệ cao, với nhiều vườn lan độc, lạ đem lại hiệu quả kinh tế cao. 
Ông Đỗ Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Phụng Công cho biết: “Những năm qua, từ chủ trương của UBND huyện Văn Giang khuyến khích hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung để góp phần xây dựng nông thôn mới, nhiều vùng chuyên canh sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đã hình thành. Xã Phụng Công là một trong những xã thực hiện sớm việc chuyển đổi chuyên canh sản xuất mới với việc vận động các hộ dân chuyển sang trồng hoa lan, đồng thời phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ cao để trang bị thêm kiến thức cho các hộ. Và thôn Bến là một trong những điểm sáng trong việc làm kinh tế bằng mô hình trồng lan.

Đến thôn Bến hôm nay, người ta sẽ ngỡ ngàng khi thấy một vùng hoa lan công nghệ cao với vô vàn nhà kính cùng những hệ thống nhà trồng không khác gì vùng hoa Đà Lạt.



Các mầm lan đã được ghép vào thân gỗ đang sinh trưởng tốt.


Những mô hình đầu tư trồng lan của người dân thôn Bến đang ngày một phát triển mạnh.


Lan giống trồng trong nhà kính của cơ sở vườn lan Hùng Phượng.


Những giống lan quý được đem từ vùng Tây Bắc được người dân làng nghề ghép kiểm tra hằng ngày.


Thôn Bến không ngừng mở rộng quy mô và đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc trồng và chăm sóc các giống lan.


Anh Đàn Quang Hào, một chủ vườn lan 
Hào Nga ở thôn Bến ghép lan vào thân cây gỗ.


Anh Đàn Quang Hào giới thiệu một giống lan với khách đến mua.


Lan được xếp vào thùng giấy để bảo quản và giúp khách hàng dễ vận chuyển.


Du khách tham quan các loại hoa lan tại vườn lan.

Chúng tôi ghé thăm mô hình trồng hoa lan của gia đình nhà chị Lê Thị Yến. Khi được hỏi quá trình khởi nghiệp, chị Yến chia sẻ với chúng tôi về thời kỳ đầu quyết định chuyển sang trồng hoa lan, trong điều kiện thời tiết khí hậu không được mấy thuận lợi như ở vùng đồng bằng sông Hồng này. Năm 2002, gia đình chị mạnh dạn vay vốn và nhận thầu hơn 6000 mét vuông đất ngoài bãi sông Hồng để trồng hoa. Sau đó, cùng với kinh nghiệm làm vườn và kiến thức học trong các lớp tập huấn do xã tổ chức, anh chị đã nghiên cứu và áp dụng phương pháp nuôi cấy mô thành công cho giống hoa lan Hồ Điệp. Không dừng lại ở sự thành công ban đầu này, hai anh chị vẫn tiếp tục nghiên cứu để cải tiến qui trình kỹ thuật, mở rộng qui mô sản xuất. Ban đầu là từ mô hình vườn nhà nhỏ hẹp đến nay đã là trang trại nhà kính hiện đại trên 3000m2 với việc trồng hàng chục loại lan rừng.

Hiện nay, khi mô hình trồng lan bắt đầu lan rộng, đã có vài hộ trong thôn Bến đầu tư phát triển mô hình trồng hoa lan công nghệ cao.

Ông Nguyễn Đức Ngả - một trong những hộ đầu tư nhà giàn, hệ thống phun tưới để trồng lan theo công nghệ cao hứng thú đưa chúng tôi đi thăm một số giỏ lan Đại Thanh, Đại Ngọc, Đại Hoàng Điểm, Thanh Ngọc, Hoàng Vũ, Thanh Trường, Tiểu Kiều… Trong đó Bát Bảo Tiên vẫn là độc đáo nhất.



Một loài lan quý có tên Mặt trời Băng Cốc được trồng tại vườn lan thôn Bến.








Nhờ áp dụng công nghệ nhà kính cây cho hoa to và đẹp.

Nâng niu giỏ hoa Bát Bảo, ông Ngả quý đến mức dùng nước vôi để lau từng chiếc lá và tỉ mỏ bắt từng con công trùng tìm đến gây hại cho cây. Ông chia sẻ: “Bát Bảo trồng khá khó nên chỉ có 3,4 hộ trong thôn trồng được. Giống hoa Bát Bảo phải trồng dưới bóng cây thì thân sẽ dài, hoa đẹp và thơm. Ngọn lan Bát Bảo thường ra rất chậm nên giá khá cao, có lúc bán được hơn 20 triệu/ngọn”.

Đến nay, hầu hết các hộ dân ở thôn Bến đều làm kinh tế từ mô hình trồng hoa lan. Thu nhập trung bình của người dân trong xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm, thậm chí có nhiều hộ trồng hoa, cây cảnh áp dụng công nghệ cao cho thu nhập “khủng” đạt từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/năm./.

 
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Trịnh Văn Bộ

Bưởi đỏ Đông Cao

Bưởi đỏ Đông Cao

Thôn Đông Cao, thuộc xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, là nơi sản sinh ra giống bưởi đặc biệt mang tên Bưởi đỏ Đông Cao - một đặc sản độc đáo và ý nghĩa của vùng ngoại thành Hà Nội. Giống bưởi này không chỉ là một loại trái cây thông thường mà còn là sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa nông thôn và truyền thống ẩm thực của người Hà thành.

Top