Thêu tranh trên lá bồ đề

Nghệ thuật

Thêu tranh trên lá bồ đề

 

Với tình yêu với nghề thêu truyền thống của gia đình, chị Quản Thị Cúc (Linh Đàm – Hoàng Mai – Hà Nội) đã tiếp tục những bước đi phát triển hơn với sản phẩm tranh thêu trên lá bồ đề với giá trị thẩm mỹ cao, giữ gìn giá trị bản sắc Việt.

Những bức tranh nhiều chi tiết phải mất đến gần 10 ngày mới hoàn thiện.

Vốn sinh ra tại làng nghề thêu tay xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, từ nhỏ chị đã được mẹ dạy cho những mũi thêu đầu tiên. 10 tuổi, chị Cúc đã có thể tự thêu hoàn chỉnh một tác phẩm. Những năm gần đây, trước sự phát triển của máy móc và công nghệ thêu máy, nhiều người buộc phải dỡ khung thêu vì không thể sống được với nghề. Nhưng vì muốn lưu giữ và phát triển những tinh hoa trong nghệ thuật thêu tay truyền thống, chị Cúc đã đem tư duy của người trẻ sáng tạo ra nhiều tác phẩm hoa thêu 3D và mở các lớp học thêu online. 


Đến năm 2019, khi được một học viên hỏi cách thêu trên lá thì chị bắt đầu thử nghiệm trên chất liệu mới này. Sau khi tìm hiểu về ý nghĩa của lá bồ đề, chị bắt đầu tập trung phát triển kỹ thuật thêu dòng sản phẩm mới này.

Thêu tranh trên lá bồ đề vẫn sử dụng những loại chỉ thêu thông thường.

Quản Thị Cúc hiện đang giảng dạy tại trung tâm đào tạo thêu tay Thu Cúc, đồng thời cô cũng là Giám đốc tại Công ty TNHH Thêu tay Việt Nam.

Nói về các công đoạn thực hiện một bức tranh trên lá bồ đề, chị Cúc cho biết, về cơ bản, các công đoạn cũng giống như khi thêu trên các chất liệu khác Bước đầu vẫn là tìm ý tưởng, phác họa ý tưởng lên giấy, chỉnh sửa họa tiết cho đúng ý, phù hợp và vẽ mẫu rồi in hình lên lá. Thông thường, các tác phẩm tranh thêu được thực hiện trên vải có thể điều chỉnh được theo ý muốn của người thêu nhưng với lá bồ đề thì người thêu phải biết linh động, thay đổi mình để phù hợp với kết cấu của từng chiếc lá. Việc thêu lên lá không đơn giản, chỉ cần mạnh tay là sẽ làm cho xương lá bị rách. Do những đường thêu thường khá mảnh mà khổ lá giới hạn và rất mỏng manh, dễ rách, chỉ sơ sẩy một chút là hỏng cả tác phẩm. 


Thêu trên lá bồ đề là sản phẩm mang ý nghĩa tinh thần rất lớn nên chị Cúc cho rằng phải cần cù, chịu khó, tỉ mỉ, không nên vội vàng khi thêu dẫn đến giá trị của tác phẩm sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, đây là sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật nâng cao nên mỗi ngày đều đòi hỏi tư duy nâng cao giá trị và tính thẩm mỹ trong mỗi sản phẩm.


Chủ đề chính trong các tác phẩm của chị là chữ thư pháp, điểm xuyết thêm họa tiết hoa lá trên sản phẩm, đồng thời còn có những linh vật phong thủy như sen cá, tùng hạc, rồng phượng… một sản phẩm nếu đơn giản cũng mất ít nhất một ngày, phức tạp thì mất 2 đến 4 tuần để hoàn thành. Trong đó, sản phẩm khó nhất chị từng thực hiện là lá thêu hình tượng Phật vì không dễ để lột tả trọn vẹn thần thái của Phật khi đang mở to đôi mắt. Vì quá trình thêu khá kỳ công nên giá thành một sản phẩm dao động từ 400.000 đồng đến vài triệu đồng. Những sản phẩm tranh thêu trên lá bồ đề của chị chủ yếu được dùng quà tặng lưu niệm các dịp lễ, đồng thời chị cũng đã bán các sản phẩm sang bên Nhật Bản và Mỹ. 






Chị Cúc cho biết hiện nay chị vẫn mở những lớp thêu online để cho nhiều người có cơ hội kiếm tiền bằng nghề thêu. Tuy nhiên mong muốn chính của chị là lưu giữ và phát triển nghề thêu truyền thống của dân tộc, lan tỏa kỹ thuật thêu tay tới hàng nghìn chị em yêu thêu và biết thêu, để nghề truyền thống không bị mất đi giữa những xô bồ của công nghiệp./. 

Từ những chiếc lá bồ đề đơn giản, với đôi tay khéo léo của mình, chị Cúc đã biến nó thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có giá trị.

 Bài: Ngân Hà- Ảnh: Công Đạt

Bài: Ngân Hà- Ảnh: Công Đạt

Sen trong tranh nhà giáo Thúy Hường

Sen trong tranh nhà giáo Thúy Hường

Với tình yêu dành cho hoa sen từ nhỏ cho đến khi là cô sinh viên khoa sư phạm mỹ thuật của trường đại học Sư phạm Hà Nội và giờ đang công tác trong lĩnh vực giáo dục, nhà giáo Thúy Hường đều đưa hình bóng của hoa sen vào trong mỗi sáng tác hội họa của mình.

Top