Văn hóa

Tái hiện lễ cưới người Khmer giữa lòng Sài Gòn phồn hoa

Nhân dịp kỷ niệm 44 ngày thành phố Sài Gòn – Gia Định chính thức vinh dự mang tên Bác (2/7/1976 – 2/7/2020), tại phố đi bộ Nguyễn Huệ đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, trong đó có màn tái hiện lễ cưới người Khmer Nam bộ, thu hút được sự quan tâm của du khách và người dân Tp.HCM.
Khi nam thanh nữ tú đến tuổi trưởng thành họ có quyền tự do tìm hiểu nhau rồi kết hôn. Phong tục hôn nhân của người Khmer Nam bộ được tổ chức theo đúng truyền thống từ xưa đến nay, gồm nhiều phần lễ như lễ nói, lễ hỏi và lễ cưới, trong mỗi lễ đều có những nghi thức đặc trưng riêng. Lễ cưới là lễ quan trọng nhất được tổ chức trong nhiều ngày với các nghi thức khác nhau. Người Khmer theo chế độ mẫu hệ nên mọi lễ vật, nghi thức đều được đem đến nhà gái và hai họ cùng nhau tổ chức một cách long trọng, đông vui.

Sau khi làm lễ nhập gia với một số lễ vật cần có như đầu heo, gà luộc, rượu nếp, bánh mứt, trầu cau..., chú rể với ông bà cha mẹ, bà con hàng xóm và cả ông Achar Maha (ông mai) cùng thưởng thức 
điệu nhạc vui tươi đặc trưng của dân tộc mình, thông qua sự kết hợp hài hòa giữa đàn nhị và trống da trăn. Trước khi vào được nhà gái, nhà trai phải vượt qua thử thách mở rào chắn bằng một điệu múa và ngỏ lời xin phép, đây là cách để nhà gái thể hiện sự nghiêm túc của người con gái, chứng tỏ chưa có ai ngỏ lời hỏi cưới, chưa có đôi và vẫn còn trinh tiết.


Cận cảnh ông Achar Maha dẫn đoàn nhà trai đem theo vật lễ như gà luộc, rượu nếp, trái cây ... đến nhà gái tham gia thực hiện các nghi thức. Ảnh: Thông Hải


Ông Achar Maha đứng trước đám đông người dân và 
du khách tái hiện lại nghi thức múa mở rào ngỏ lời xin vào nhà gái. Ảnh: Thông Hải


Ông Achar Pilia đại diện nhà gái ra tiếp đón mời ông Achar Maha và đoàn nhà trai vào nhà gái trong ngày lễ cưới Khmer Nam bộ. Ảnh: Thông Hải


Lễ vật trong đám cưới của người Khmer Nam bộ gồm có đầu heo, gà luộc, rượu nếp và 36 loại trái cây, mỗi thứ một đôi
nhưng hiện nay đã rút gọn lại, chỉ lấy vài loại trái cây đại diện nhưng phải có đủ cặp. Ảnh: Thông Hải


Cặp đôi trao cho nhau những vòng hoa đầy ý nghĩa trước sự chứng kiến của hai họ. Ảnh: Thông Hải


Cô dâu và chú rể cùng nhau nâng kiếm đặt lên chiếc gối với ý nghĩa đánh đuổi tà ác, mong cầu sự an lành, yên vui. Ảnh: Thông Hải


Họ hàng, người thân, bạn bè cột tay bằng chỉ đỏ chúc phúc và ban phước lành cho cặp đôi mới cưới. Ảnh: Thông Hải


Người thân, bạn bè uống rượu đưa quà mừng cho cặp vợ chồng mới. Ảnh: Thông Hải


Đôi vợ chồng cùng nhau tiến đến nơi thực hiện nghi lễ, theo sự hướng dẫn của ông Achar Maha và ông Achar Pilia. Ảnh: Thông Hải


Sau nghi lễ, đôi vợ chồng cùng nhau nâng vật lễ bước đi vòng quanh sân khấu nhỏ. Ảnh: Thông Hải


Du khách tặng quà chúc mừng cô dâu duyên dáng sau tiết mục tái hiện lễ cưới người Khmer Nam bộ. Ảnh: Thông Hải


Chú rểnắm lấy tà áo “Sbai” đi sau cô dâu thể hiện người Khmer theo chế độ mẫu hệ, theo cốt truyện Pres -Thôn Neang -Neath. Ảnh: Thông Hải


Những điệu múa Rom Vong sôi động trên sân khấu nhỏ tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Thông Hải


Không gian tái hiện 
các nghi lễ trong đám cưới người Khmer Nam bộ. Ảnh: Thông Hải


Kết thúc màn tái hiện lễ cưới người Khmer Nam bộ, các em Chi hội văn hóa Tp. Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Thông Hải

Sau lễ mở rào này, nhà trai chính thức được bước vào nhà gái để tham gia lễ cưới. Lễ cưới gồm có nhiều nghi thức như cúng tổ tiên, dâng lễ vật, cắt hoa cau... đặc biệt là sau lễ cột tay, đôi vợ chồng dắt nhau vào phòng tân hôn, người chồng theo sau nắm lấy vạt áo "Sbai" của người vợ. Đây là biểu hiện đặc trưng của người Khmer theo chế độ mẫu hệ. Nghi lễ này bắt nguồn từ truyền thuyết "Pres-Thôn Neang-Neath" được dân gian kể rằng: Hoàng tử Pres-Thôn cưới nàng công chúa Thera – Wath-Tây con gái của Long Vương. Do trên đường về thủy cung, hoàng tử là người trần gian không thể nào đi được dưới nước. Nhờ trí thông minh của công chúa đã nghĩ ra cách cho chồng nắm lấy vạt áo của nàng theo đường rẽ nước về long cung.

Về sau khi có phật giáo nguyên thủy du nhập vào cộng đồng người Khmer thì trong lễ cưới có thêm nghi thức mời sư thầy đến tụng kính chúc phúc và thiết pháp dạy đạo làm vợ, đạo làm chồng để đôi vợ chồng mới có thêm kiến thức trong hôn nhân, gia đình hạnh phúc .

Tất cả các nghi thức trên đều được tái hiện một cách đặc sắc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ phục vụ người dân và khách du lịch gần xa, khiến họ mãn nhãn, cảm thấy thích thú, ai ai cũng chăm chú xem buổi trình diễn, mắt không rời khỏi sân khấu. Những chiếc áo truyền thống sặc sỡ sắc màu phối với những chiếc quần Sa rông dài được khoác lên bởi những cô gái chàng trai Khmer duyên dáng làm nên một vẻ đẹp lộng lẫy.

Kết thúc màn tái hiện lễ cưới là những làn điệu múa Rom Vong, Saravan .... tạo nên điểm nhấn riêng biệt đặc trưng của văn hóa người Khmer.

Em Trần Ngọc Trân sống và làm việc tại Tp. HCM cho biết: “ Đây là lần đầu tiên được xem tận mắt lễ cưới của dân tộc Khmer, tái hiện giữa trung tâm Tp.HCM. Em cảm thấy rất thích thú và đã kịp ghi lại những khoảnh khắc để lưu lại làm kỉ niệm cho riêng mình ”.

Với nhiều phong tục tập quán truyền thống đặc sắc luôn tạo được ấn tượng tốt đẹp thu hút sự tò mò của du khách. Lễ cưới của người Khmer là một nét văn hóa đặc sắc, góp phần vào phong tục cưới hỏi vô cùng phong phú và độc đáo của Việt Nam./.

 
Bài và ảnh: Thông Hải – Ri Cơn

Văn hóa dân gian qua sự sáng tạo của thế hệ gen Z

Văn hóa dân gian qua sự sáng tạo của thế hệ gen Z

Triển lãm “Dân gian trong gen Z” mang tới 39 tác phẩm từ các họa sĩ minh họa thuộc gen Z trên khắp cả nước do Tired City phối hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức đã mở ra nhiều nguồn cảm hứng cho đông đảo khán giả yêu nghệ thuật trên hành trình tìm hiểu về văn hóa truyền thống Việt Nam.

Top