Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lại biết phát huy thế mạnh của 30 Khu Công nghiệp (KCN) hiện có, nên luôn nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Ngay từ khi đất nước mới bước vào thời kì đổi mới, Đồng Nai đã là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện xúc tiến đầu tư với các nước phát triển trên thế giới.
«...
Tính đến nay, tại 30 KCN ở Đồng Nai đã có 35 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với tổng số 1.153 dự án còn hiệu lực. Trong đó có 839 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 13,9 tỉ USD; dẫn đầu là Đài Loan (Trung Quốc) với 251 dự án (3.282,6 triệu USD); Hàn Quốc 197 dự án (2.627,67 triệu USD); Nhật Bản 89 dự án (1.767,25 triệu USD); Thái Lan 24 dự án (677,30 triệu USD); Singapore 29 dự án (844,69 triệu USD). |
Đặc biệt, cuối thập niên 80 của thế kỉ trước, tỉnh Đồng Nai đã thành lập nhóm nghiên cứu xây dựng Khu chế xuất (sau này là KCN) để tìm hiểu, nghiên cứu mô hình Khu chế xuất của các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia… và tiếp xúc với các nhà đầu tư Thái Lan, Đài Loan để kêu gọi đầu tư.
Kết quả, đến năm 1995, KCN Biên Hòa II chính thức được thành lập, tạo tiền đề cho một loạt các KCN khác ra đời ở Đồng Nai như Amata, Loteco, Nhơn Trạch I… Trước đó, ngay từ năm 1963, Đồng Nai đã có Khu Kĩ nghệ Biên Hòa và sau này phát triển thành KCN Biên Hòa I.
Đến năm 2004, bên cạnh các KCN được đầu tư xây dựng ở Tp. Biên Hòa, huyện Long Thành, huyện Trảng Bom… Đồng Nai đã thành lập thêm 3 KCN tại các huyện Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc nhằm mục đích tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế các địa phương vùng miền núi của tỉnh.

Hệ thống lưới điện và giao thông đồng bộ ở KCN Ông Kèo.

Đường ống dẫn nhiên liệu tại Nhà máy điện Nhơn Trạch II ở KCN Ông Kèo, tỉnh Đồng Nai.

Phòng Điều khiển trung tâm tại Nhà máy điện Nhơn Trạch II.

Sản xuất cà phê tại Công ty CP Vinacafe Biên Hòa ở KCN Biên Hòa I.

Sản xuất acquy tại Công ty Acquy Đồng Nai.

Lớp học thực hành sửa chữa ôtô tại Trường Cao đẳng nghề Cơ giới và Thủy lợi ở tỉnh Đồng Nai.

Cảng Đồng Nai. |
Trên thực tế, Đồng Nai là tỉnh có nhiều lợi thế trong việc phát triển kinh tế, nhất là ngành công nghiệp. Nơi đây có hệ thống giao thông thuận lợi như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 51, Quốc lộ 20, tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua, gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Sài Gòn… Đồng Nai còn có tiềm năng lớn về tài nguyên khoáng sản như nguồn nước mặt, đá granite, đá xây dựng, đất sét, cao lanh, cát, sỏi… và nguyên liệu phục vụ chế biến nông lâm sản.
«...
Năm 2011, tổng số lao động làm việc tại 30 KCN Đồng Nai là 407.785 người, trong đó có 5.330 người nước ngoài. Doanh thu xuất khẩu đạt 5,8 tỉ USD, chiếm 51% tổng doanh thu. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ (31%), Nhật Bản (12%), các nước ASEAN (11%), Trung Quốc (7%), Hàn Quốc (5%)...
(Nguồn: Ban Quản lí các KCN Đồng Nai) |
Đặc biệt, Đồng Nai có nguồn nhân lực tại chỗ dồi dào, số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 54% dân số và có khả năng tiếp thu, thích nghi nhanh với việc chuyển giao công nghệ và môi trường làm việc hiện đại tại các KCN. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng rất chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực. Bằng chứng là tỉnh đã thành lập được 4 trường đại học, 8 trường cao đẳng, 16 trường trung cấp chuyên nghiệp và 73 cơ sở dạy nghề.
Đến nay, Đồng Nai có 22/30 KCN đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng với chất lượng tốt, đồng bộ, hiện đại, có đầy đủ hệ thống cấp điện, cấp nước, giao thông, chiếu sáng, hệ thống xử lí nước thải tập trung, mạng lưới bưu chính viễn thông, công tác bảo vệ an ninh trật tự… sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng đã tiến hành mạnh mẽ việc cải tiến thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư kinh doanh, sản xuất. Nhờ đó, Đồng Nai đã đạt được kết quả cao trong việc thu hút vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là tại các KCN. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã chọn Đồng Nai để đầu tư như: Fujitsu (Nhật Bản), Ajinomoto (Nhật Bản), Shell (Hà Lan), Syngenta (Thụy Sĩ), Arkema (Pháp), Pouchen (Hong Kong), Formosa (Đài Loan) Tính đến cuối năm 2011, các KCN Đồng Nai có 839 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn 13,9 tỉ USD, chiếm 84% vốn FDI toàn tỉnh.

Một góc Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. |
Bà Nguyễn Phương Lan, Phó Trưởng Ban Quản lí các KCN Đồng Nai cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ hạ tầng, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp có ấn tượng tốt nhất về môi trường đầu tư ở Đồng Nai; từ đó tạo được sức hút để mời gọi thêm nhiều nhà đầu tư quốc tế đến với Đồng Nai”.
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2015, Đồng Nai chủ trương ưu tiên phát triển những dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, ít tác động đến môi trường. Do đó, Đồng Nai sẽ tập trung thu hút các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm năng về công nghệ, tài chính để đầu tư vào những ngành như: máy móc, thiết bị điện - điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, vật liệu mới./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Đặng Kim Phương