Thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) cùng với T.p Cà Mau và thị trấn Năm Căn hợp thành ba đô thị động lực chính của tỉnh Cà Mau. Với lợi thế của nghề khai thác biển truyền thống, tương lai không xa thị trấn này sẽ trở thành một thành phố biển năng động của khu vực Tây Nam Bộ.
«
Thị trấn Sông Đốc nằm ở phía Tây của tỉnh Cà Mau, cách trung tâm tỉnh khoảng 50km. Thị trấn được thành lập vào năm 1979 với diện tích tự nhiên hơn 3.349ha.
» |
Thị trấn Sông Đốc nằm ở vùng đất cuối cùng của Việt Nam có một vị thế khá đặc biệt, một bên là con sông Đốc, bên kia tiếp giáp với vịnh Thái Lan hay còn gọi biển Tây, nơi tập trung lượng tàu thuyền đông đảo nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Là cửa biển sầm uất và sôi động bậc nhất của khu vực, ngành công nghiệp khai thác, đánh bắt và chế biến thủy sản của Sông Đốc hiện đứng đầu ngư trường biển Tây. Với đội tàu đánh bắt cá gần 3.000 phương tiện và hơn 20.000 ngư dân thường xuyên ra khơi bám biển, mỗi năm Sông Đốc khai thác được hơn 100.000 tấn thủy sản các loại. Ngoài ra, Sông Đốc là trung tâm đa năng tổng hợp của vùng nên số lượng tàu thuyền ra vào khu vực này rất lớn, kéo theo ngành công nghiệp đóng tàu, sửa chữa tàu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển mạnh.

Sông Đốc là thị trấn ven biển thuộc huyện Trần Văn Thời, nơi được ví như một Cà Mau thu nhỏ
với cuộc sống sôi động và nhộn nhịp ở vùng đất cuối cùng của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Luân

Cây cầu sắt nối hai bờ thị trấn và chợ trung tâm Sông Đốc. Ảnh: Nguyễn Luân

Một góc làng nghề làm khô cá Bổi ở thị trấn Sông Đốc. Ảnh: Dư Minh Chiến

Du khách dễ dàng tìm mua được các loại khô cá, mực đặc sản tại chợ Sông Đốc. Ảnh: Nguyễn Luân

Nghề vá lưới thuê cho các tàu đánh bắt cá thu hút rất đông lao động địa phương ở Sông Đốc. Ảnh: Nguyễn Luân |
Dọc hai bên bờ sông Đốc và cảng cá (hơn 300m) của thị trấn hiện đã được quy hoạch và xây dựng quy mô thành điểm tập kết thu mua, trung chuyển sản phẩm của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản. Toàn thị trấn hiện có 113 xí nghiệp và cơ sở chế biến thủy hải sản và đã xuất khẩu được 1.451 tấn thủy sản các loại (ba quý đầu năm 2013). Ngày càng có nhiều cơ sở ở thị trấn được xây dựng với quy mô lớn, công nghệ hiện đại và hoạt động hiệu quả, đem lại lợi nhuận kinh tế cao.
Thị trấn Sông Đốc hiện có 4 điểm tập trung mua bán hải sản lớn. Cứ vào đầu và giữa hàng tháng, khi các tàu đánh bắt xa bờ về bến cũng là lúc hoạt động trao đổi, mua bán vận chuyển hải sản ở thị trấn trở nên tấp nập. Ngoài ra, Sông Đốc cũng đang khẩn trương sắp xếp, đầu tư phát triển nhiều làng nghề truyền thống mang tính đặc thù như nghề làm tôm, cá khô, sửa chữa tàu thuyền, sản xuất nước đá, vá, đan lưới…Thị trấn biển này cũng đang phấn đấu đến năm 2015 sẽ nâng các làng nghề ở đây trở thành các hợp tác xã, mô hình có khả năng thu hút khoảng 10.000 lao động có công ăn việc làm ổn định.
Nhiều tuyến đường bộ cùng với các cơ sở vật chất khác của thị trấn Sông Đốc gần đây cũng được chú trọng xây dựng và nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư. Từ khi tuyến đường Cà Mau - Sông Đốc đi vào hoạt động đã rút ngắn thời gian đi lại của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển các loại hàng hóa từ thị trấn Sông Đốc đi T.p Hồ Chí Minh, các tỉnh khác và ngược lại.

Cốt cá Ông (cá Voi) được thờ trong Lăng Ông Nam Hải ở thị trấn Sông Đốc. Ảnh: Nguyễn Luân

Lễ hội Nghinh Ông tổ chức thường niên là hoạt động văn hóa, du lịch và tín ngưỡng không thể thiếu ở thị trấn Sông Đốc. Ảnh: Dư Minh Chiến

Hình ảnh ngư dân neo thuyền, cùng nhau giặt lưới trên sông là hình ảnh bắt gặp thường ngày với du khách khi đến với Sông Đốc. Ảnh: Nguyễn Luân |
Ngoài phát triển kinh tế biển, Sông Đốc còn là một địa điểm du lịch lý tưởng với cửa biển đẹp, kết hợp với khu mộ bác Ba Phi và Khu du lịch Hòn Đá Bạc tạo thành một quần thể du lịch hấp dẫn du khách. Đây chính là tiền đề quan trọng để thúc đẩy sự phát triển nhiều mặt của thị trấn Sông Đốc trong tương lai.
Bám biển và làm giàu từ nghề biển, thị trấn Sông Đốc hôm nay đang trở mình với những thay đổi tích cực, đóng vai trò trung tâm cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Cà Mau cũng như khu vực Tây Nam Bộ./.
«
Ngư dân Sông Đốc thường tổ chức lễ hội Nghinh Ông hằng năm vào các ngày từ 14 đến 16 tháng 02 âm lịch hằng năm, hàng loạt những nghi thức độc đáo diễn ra suốt những ngày lễ hội này như điểm nhãn cho tàu, thuyền, nghi lễ hạ thủy gợi nhớ một thời khẩn hoang cùng những nỗ lực chinh phục biển cả hào hùng của tiền nhân…
» |
Bài: Sơn Nghĩa, Ảnh: Nguyễn Luân, Dư Minh Chiến