Trên cái sới vuông cao chừng 1m đổ đầy cát, các đô đến từ nhiều làng khác nhau ai nấy đều cơ bắp cuồn cuộn, phồng mang trợn má vờn nhau từng miếng đánh uỳnh uỵch, bôm bốp, chan chát nghe lạnh cả người. Cờ xí ngợp trời, cát bay tung tóe, trống lệnh dồn vang, tiếng hò reo dậy đất khiến cho cuộc tranh tài của các đô trên sới vật đầu xuân của làng Sình xứ Huế càng lúc càng thêm phần gay cấn, hấp dẫn.
Sáng mồng 10 Tết, trời đất còn mờ hơi sương nhưng mọi nẻo đường đổ về sới vật làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã đông nghịt người. Tiếng trống lệnh mỗi lúc một dồn dập, tiếng loa xướng tên các đô lên sới liên tục giục vang. Ai nấy đều háo hức, hò reo như lệnh vỡ hóng chờ xem cuộc quyết đấu của các đô lão luyện nổi tiếng với nhiều miếng đánh hay và hiểm hóc.
Xuân Mậu Tuất năm nay, sới vật làng Sình quy tụ nhiều đô giỏi đủ các hạng tuổi đến từ khắp nơi,trong đó có những đô đã nhẵn mặt sới nhiều năm qua, như các đô của làng Sình, làng Thủ Lễ, làng Hương Sơ, làng An Truyền… Thậm chí có những đô ở cách xa gần cả trăm cây số như từ dưới biển Thuận An, trên vùng núi cao A Lưới hay tin làng Sình mở sới xuống cũng kéo về dự, nên không khí ganh đua xem ra có phần náo nhiệt hơn hẳn mọi năm.
Khác với sới tròn và thấp ở các nơi, sới làng Sình trông giống như một đả lôi đài thời xưa. Đó là một võ đài hình vuông, cao chừng 1m, rộng 7m, bên trong đổ cát, chung quanh có căng dây thừng, các cạnh bao quanh thành sới ốp bẹ chuối tươi để tránh bị thương cho các đô khi thi đấu.
Giữ vai chấp lệnh đánh trống cổ vũ cho sới vật là một kỳ lão tiếng tăm của làng Sình. Ảnh: Thanh Hòa Hai đô chào nhau trước khi tranh tài. Ảnh: Thanh Hòa Hai đô trước trận thư hùng. Ảnh: Thanh Hòa Mọi ánh mắt đều chăm chú dõi về sàn đấu. Ảnh: Thanh Hòa |
Vật Sình không phân chia hạng cân, chỉ chia theo độ tuổi gồm thiếu nhi, thiếu niên và người lớn. Thành ra có những đôi lên sới trông rất chênh lệch về hạng cân, thể trạng. Nhưng điều đó không quan trọng, bởi nói như dân làng Sình là to khỏe chưa chắc đã thắng, quan trọng là đô phải gan lì và có miếng đánh hiểm.
Trải qua hàng trăm năm, hội vật làng Sình nay vẫn náo nhiệt như xưa. Hàng năm, cứ vào ngày mồng 10 tháng Giêng, du khách khắp nơi ở Huế đều kéo về làng sình, trước là để du xuân đầu năm, sau là để xem các đô thư hùng. Trai tráng các làng dù đi làm ăn đâu xa cũng tạm nghỉ để về dự lễ vật. Có đô nhiều năm liền không vắng mặt. |
Xem các đô so tài ai cũng phải lắc đầu lè lưỡi. Kẻ công, người thủ, uỳnh uỵch, cày tung cả mặt sới. Có những đô với cú tuyệt chiêu bốc háng, vặn sườn trong chớp mắt đã có thể nhấc tung đối thủ nặng cả gần trăm ký quăng ầm xuống sới. Hoặc có những đô trợn mắt, lè lưỡi vì bị đối phương chơi miếng hiểm khóa cổ, bẻ sườn. Ngược lại có những đô bị đối phương ghì đầu cắm xuống cát tưởng chẳng thể nào thở nổi, ấy thế mà chỉ một cú vặn người đã có thể chuyển bại thành thắng, lật ngược đối thủ xuống dưới khiến cho phải lấm lưng trắng bụng.
Lại nói về luật chơi, vật làng Sình về cơ bản cũng áp dụng luật giống như vật tự do nhưng có đôi nét khác. Các đô lên sới đấu tay đôi, không chia hiệp, không phân biệt hạng cân, đấu đến thua kỳ thôi. Ai lấm lưng trắng bụng, tức bị đối phương quật cho lưng áp sới, bụng ngửa lên trời thì thua. Ai thua thì bị loại trực tiếp, muốn đấu nữa thì phải chờ năm sau. Đô nào thắng liên tiếp 3 keo, tục gọi là “ba keo mèo cắn cổ”, thì vào vòng trong. Cái lạ nữa là đô nào thắng thì không được nghỉ mà đứng luôn ở sới chờ đô khác lên tiếp chiêu, mà đô mới lên thì bao giờ cũng khỏe. Thành ra đô nào thắng được cả 3 keo liên tiếp thì phải nói là có sức khỏe và độ lì lợm kinh người.
Có một luật bất thành văn, đó là đô làng Sình thường không giao đấu với nhau mà chỉ đấu với đô làng khác, bởi đô cùng làng thường biết rõ miếng của nhau, còn đấu với đô làng khác vừa có tính ganh đua, vừa thể hiện được tinh thần giao lưu và học hỏi. Đó cũng là nét hay thể hiện tinh thần thượng võ của hội vật làng Sình.
Mở đầu cho loạt đòn quyết định bao giờ hai đô cũng thăm dò nhau bằng những miếng bắt vai, vít đầu hết sức kinh điển của võ vật. Ảnh: Thanh Hòa Đô đai đỏ vùng thoát khỏi vòng tay cứng như thép đối thủ bằng cú vặn sườn cực nhanh và khéo. Ảnh: Thanh Hòa Hai đô lứa tuổi thiếu nhi cũng tranh sức bằng những miếng đánh hiểm hóc không kém các đô đàn anh. Ảnh: Thanh Hòa Trai các làng tranh đua trên sới vật làng Sình. Ảnh: Thanh Hòa Đô đai xanh thúc thủ nằm im chịu trận trước miếng khóa hiểm hóc của đối thủ. Ảnh: Thanh Hòa Sốc nách, vặn sườn là những miếng đánh hiểm của các đô làng Sình. Ảnh: Thanh Hòa Đô đai xanh không thể chịu nổi cú khóa cổ và đè người quá hiểm của đô đai đỏ. Ảnh: Thanh Hòa Trong khi đô đai đỏ đang cố tìm cách dán mình xuống sới thì đô đai xanh lại gồng mình lật ngửa đối thủ lên. Ảnh: Thanh Hòa Một cú quăng người khiến cho hai đô lao vào góc đài và như bay xuống sới. Ảnh: Thanh Hòa Cuộc đọ sức của trai các làng trên sới vật làng Sình luôn hấp dẫn người xem. Ảnh: Thanh Hòa Đô làng Sình thắng trận thứ hai liên tiếp. Ảnh: Thanh Hòa Khán giả cổ vũ nhiệt tình cho đô nhà. Ảnh: Thanh Hòa Hàng nghìn người quây quanh sới vật có hình như một đả lôi đài để cổ vũ cho cuộc thư hùng của các đô. Ảnh: Thanh Hòa |
Vì tính hấp dẫn và khốc liệt như vậy nên vật làng Sình cũng có nhiều giai thoại kỳ bí không kém. Các bậc cao niên đến nay vẫn còn kể rằng, thời nhà Nguyễn, các đô lên sới vật làng Sình phải ký một bản cam kết về tính mạng, kiểu như bản “sinh tử trạng” của đả lôi đài thời xưa. Dưới sới bao giờ cũng có một cái quan tài nắp mở sẵn phòng không may có đô nào tử nạn trong cuộc tỉ thí. Thực hư chẳng biết thế nào nhưng cứ nhìn vào lối đánh đầy hiểm hóc của các đô thời này cũng thấy chuyện sinh tử của các đô thời xưa không phải là không có. Thành ra, ngày nay để phát dương tinh thần thượng võ, khắc chế rủi ro cho các đô vật, người ta đã ra luật cấm những miếng đánh hiểm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng như bẻ khớp, bẻ sườn, bẻ cổ… Các đô lên sới phải cắt hết móng tay chân, không đeo đồ trang sức. Ai có hơi men thì tuyệt đối cấm. Các đô chuyên nghiệp không được dự giải vì sới chỉ dành cho các đô nghiệp dư, chủ yếu là trai tráng các làng thử sức, tranh tài.
Chuyện thắng thua không quan trọng, vui và được tận hưởng không khí hội hè, giao lưu học hỏi là chính. Đó cũng chính là tinh thần thượng võ và nét đẹp trong văn hóa ngày xuân của người dân xứ Huế. Tục xưa đã thành lệ, nay cứ thế được làng Sình gìn giữ và phát huy thành một phong tục đẹp đầu xuân của đất Cố đô./.
Bài và ảnh: Thanh Hòa