Theo truyện dân gian dân tộc Thái để lại, vào những đêm trăng sáng, các chàng trai, cô gái Thái tuổi 16 đến 20 thường giao lưu văn nghệ, hát giao duyên. Tan hội, chàng trai tự tìm đến nhà cô gái mà mình thích để tỏ tình thông qua tiếng pí. Chàng trai thổi đến khi nào trong nhà cô gái không ai còn thức, lúc ấy mới dùng que chọc đúng vào chỗ ngủ của cô gái, đánh thức cô gái dậy để tâm sự. Các đêm tiếp theo, chàng trai dùng chiếc pí để thổi gọi người yêu, nhiều lần nghe thành quen nên mỗi lần nghe thấy tiếng sáo, cô gái dậy mở cửa cho người yêu vào nhà và ngồi tâm sự đến sáng. Từ đó, pí trở thành nhạc cụ không thể thiếu đối với các chàng trai, cô gái Thái.
Pí của người Thái làm từ trúc, rất đa dạng về chủng loại.
Pí pặp kép được ghép từ hai chiếc pí pặp đơn, được thổi vào buổi sáng sớm với giai điệu vui nhộn.
Màng tạo độ rè âm thanh trên pí cúng.
Pí thui với âm thanh du dương, đượm buồn.
Nghệ nhân Cầm Văn Dưn ở tổ 8, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, người đã hơn 50 năm
gắn bó với nhạc cụ dân tộc Thái. |
Chúng tôi đến nhà ông Cầm Văn Dưn ở tổ 8, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La. Ông Dưn là người đã hơn 50 năm gắn bó với nhạc cụ âm nhạc của người Thái, từng đạt Huy chương vàng thổi sáo tại Hội diễn văn nghệ toàn quốc năm 1994 ở Hà Nội, Huy chương bạc thổi sáo tại Hội diễn văn nghệ toàn quốc năm 1998 ở Tuyên Quang. Ông Dưn cho biết, pí của người Thái được làm bằng ống tre nứa chặt vào cuối năm, phần đầu thường được gắn với một thanh bằng đồng hoặc bạc nhỏ gọi là lưỡi gà để khi thổi âm thanh phát ra trong hơn, ở giữa thường có mỗi lỗ nhỏ và khoảng cách giữa các lỗ được tính theo chu vi hình tròn ở đầu ống nứa. Bình thường, sẽ mất khoảng một ngày để hoàn thành chiếc pí. Khi thổi, người ta đặt dọc thân sáo, miệng ngậm kín đầu ống có gắn lưỡi gà rồi thổi với các kỹ thuật rung, luyến, láy, nhấn hơi, nén hơi... Khó nhất trong thổi pí là người thổi cần phải lấy hơi tốt vì khi thổi phải thổi liên tục, không được ngắt quãng. Âm thanh của pí khi vang lên nghe vừa có chút trữ tình pha lẫn sôi nổi, lại vừa có tiếng rè.
Pí có nhiều loại và mỗi loại có một âm thanh khác nhau. Pí pặp đơn gồm 1 ống, có 6 lỗ và lưỡi gà bằng đồng, thường được các chàng trai Thái ở vùng Thuận Châu, Mai Sơn dùng để thổi vào ban đêm thay cho lời gọi người yêu trong những đêm đi chọc sàn với âm thanh vang lên trữ tình để cô gái cảm động rồi mở cửa cho vào nhà.
Pí pặp kép được ghép từ hai chiếc pí pặp đơn với nhau, được thổi vào buổi sáng sớm với giai điệu vui nhộn.
Pí thui có độ dài khoảng 1m, có 6 lỗ, không có lưỡi gà, được người Thái trắng ở Mộc Châu thổi với âm thanh du dương, đượm buồn để bày tỏ sự nuối tiếc cho mối tình đẹp của hai người yêu nhau say đắm nhưng không thành.
Pí tam lay được ghép lại từ 3 ống nứa, mỗi ống gồm 1 lỗ, được các chàng trai ở vùng Mường La thổi gọi bạn gái vào lúc trăng sáng.
Pí loong tông gồm 2 lỗ, có lưỡi gà làm bằng tre, được người Thái huyện Mường La thổi vào những ngày mùa lúa chín để cổ vũ, động viên nhau hăng say lao động, sản xuất với giai điệu vui nhộn.
Pí cúng có 7 lỗ, lưỡi bằng đồng, có lỗ điều chỉnh để làm rè tiếng, được người Thái dùng để thổi liên tục từ đêm đến sáng cùng với tiếng cúng của thầy Mò đuổi tà ma khi trong nhà có người ốm đau.
Pí trong lễ hội Xên Mường (lễ hội tạ ơn Tổ tiên, thổ địa, cầu yên bình). (Ảnh: Tư liệu) |
Ngồi nghe những giai điệu trữ tình, tha thiết được thể hiện qua từng loại pí của ông Dưn, người ta như cảm nhận được sự giao hòa giữa đất trời và vạn vật, ngân rung bay bổng khát vọng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, làm cho tâm hồn con người sáng hơn và thêm tin yêu vào cuộc sống./.