Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Đà Nẵng từng được hãng hàng không Cathay Dragonair bình chọn Top 3 trong số 96 sân bay tốt nhất trên thế giới, nhiều năm liền được hành khách bầu chọn Top 30 sân bay tốt nhất Châu Á và được Tổ chức Quốc tế Skytrax bình chọn Top 10 sân bay cải thiện nhất thế giới và có Nhà ga Quốc tế T2 đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao, nên không ngạc nhiên vào thời điểm chưa có dịch COVID-19, với 39 đường bay quốc tế sân bay này từng đạt tới hơn 7 triệu khách quốc tế/năm.
Phát biểu tại Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022 (Routes Asia 2022) vừa diễn ra tại Đà Nẵng với sự tham dự của hơn 500 đại biểu là đại diện của hơn 200 hãng hàng không, sân bay, đơn vị cung ứng dịch vụ hàng không đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng cho biết, sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, các đường bay quốc tế bị gián đoạn khiến ngành hàng không và du lịch của thành phố đối mặt với thách thức to lớn để duy trì hoạt động. Vì vậy, khôi phục mạng lưới bay quốc tế, tạo thuận lợi cho du khách, doanh nghiệp và các nhà đầu tư trở lại Đà Nẵng là một trong những mục tiêu quan trọng và tiên quyết cho việc khôi phục du lịch và kinh tế, xã hội thành phố.
“Đà Nẵng đặt mục tiêu trong vòng 2 năm, kể từ năm 2022, sẽ khôi phục hàng không như thời điểm trước khi dịch COVID-19 diễn ra, đặc biệt kết nối Đà Nẵng với các trung tâm hàng không quan trọng, với các thị trường xa như: Mỹ, Châu Âu và Trung Đông. Đồng thời, Đà Nẵng sẽ tiếp tục xúc tiến các đường bay mới đến các thị trường tiềm năng tại Ấn Độ và Đông Nam Á…” - ông Lê Trung Chinh khẳng định.
Đồng hành cùng chính quyền thành phố, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết thêm: "Với vai trò là nhà chức trách hàng không Việt Nam, chúng tôi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về cấp phép và khai thác đến Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng cho các hãng hàng không khi khôi phục trở lại các đường bay quốc tế".
Sự khẳng định của chính quyền thành phố Đà Nẵng và ngành hàng không Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở. Bởi nhìn vào thực tế, ngoài yếu tố khách quan là địa phương đầu tàu trong phát triển kinh tế, du lịch của khu vực miền Trung-Tây Nguyên, Đà Nẵng còn sở hữu một cảng hàng không quốc tế lớn, hiện đại, có tần suất khai thác nhộn nhịp nhất khu vực rộng lớn và giàu tiềm năng kinh tế, du lịch này.
Tính đến thời điểm hiện tại, sân bay Đà Nẵng là sân bay có cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO. Với diện tích hơn 860ha, sân bay có 2 đường cất hạ cánh dài tương đương 3.500m, đủ sức khai thác các loại tàu bay lớn như B747, B777, B767-300, A300-600, A320/321... Sân bay còn có 17 đường lăn, riêng sân đỗ có khả năng bố trí được 35 vị trí cho tàu bay dân dụng, cùng nhiều hạng mục quan trọng khác, nên đủ để đáp ứng vận hành khai thác bay liên tục 24/7. Đi cùng với đó, nhà ga quốc tế T2 đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao cũng là điểm cộng của sân bay này.
Với cơ sở vật chất như trên, Cảng HKQT Đà Nẵng hiện đang được 35 hãng hàng không trong nước và quốc tế chọn làm điểm khai thác đường bay thường lệ và charter. Trong đó có 30 hãng hàng không quốc tế kết nối đến 39 địa điểm quốc tế tại các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, HongKong, Macau, Thái Lan, Quata, Campuchia, Malaysia, Singapore, Indonesia…
Thực tế cũng đã chứng minh cho năng lực của sân bay Đà Nẵng trong những năm qua. Điển hình như ngay từ năm 2013, sân bay đã cùng lúc phục vụ thành công gần 20 chuyến bay chuyên cơ và charter của lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, tài chính lớn trên thế giới đến Đà Nẵng dự hội nghị tài chính quốc tế do Ngân hàng Standard Chartered của Anh tổ chức. Đặc biệt, năm 2017 sân bay Đà Nẵng thực sự bước vào thời kì đỉnh cao trong công tác phục vụ an toàn bay. Chỉ tính riêng Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng, ngoài việc vừa phục vụ các chuyến bay thương mại theo thường lệ, sân bay Đà Nẵng còn phục vụ đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho gần 250 chuyến bay của các đại biểu đến dự hội nghị, trong đó có tới 53 chuyến bay chuyên cơ của lãnh đạo các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản...
Ông Phan Kiều Hưng, Phó Giám đốc Cảng HKQT Đà Nẵng cho biết, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không ngày càng tăng, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cùng phối hợp Cục Hàng không Việt Nam và Tp Đà Nẵng thực hiện điều chỉnh quy hoạch tổng thể Cảng HKQT Đà Nẵng giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó tập trung quy hoạch đầu tư xây dựng các công trình mang tính quyết định nâng cao năng lực khai thác của Cảng như nhà ga hàng hóa, nhà ga quốc tế.
Theo đó Cảng sẽ xây dựng nhà ga hàng hóa với diện tích 2,6 ha có công suất thiết kế 100.000-150.000 tấn/năm, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2024. Mở rộng nhà ga hành khách nội địa T1 nhằm nâng năng suất khai thác đạt 14 triệu hành khách/năm, dự kiến công trình hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2025. Và đến năm 2030 sẽ xây mới nhà ga T3 phục vụ khách nội địa với công suất 15 triệu hành khách/năm.
Với kế hoạch mang tầm nhìn vĩ mô như trên, hi vọng sân bay Đà Nẵng sẽ có bước chạy đà hoàn hảo trong chiến lược mở rộng đường bay quốc tế đến với những thị trường tiềm năng trên thế giới. Song hành cùng với đó, việc Đà Nẵng tổ chức thành công Routes Asia 2022 một lần nữa cho thấy Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho du khách trên toàn thế giới sau dịch COVID-19, là trung tâm phát triển hàng không, du lịch năng động của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương./.
Bài, ảnh: Thanh Hòa