Khám phá

"Bản nhạc rừng xanh" giữa lòng thành phố Thái Nguyên

Khác với những khu bảo tồn dân tộc thông thường, Làng nhà sàn Thái Hải (Thái Nguyên) không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá dân tộc mà còn là nơi sinh sống lao động thực tế của người đồng bào nơi đây, mang đến cảm giác mới lạ, độc đáo và yên bình cho du khách.
Nếu như xã hội hiện đại ngày nay khiến con người ta cảm thấy quá vội vã và đôi khi mệt mỏi với những guồng quay của cuộc sống thì đến với bản làng Thái Hải du khách sẽ được sống chậm lại, thư giãn và có những trải nghiệm vô cùng đặc biệt.

Làng nhà sàn Thái Hải tên gọi đầy đủ là Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải thuộc xóm Mỹ Hào – Thịnh Đức – TP.Thái Nguyên. Với diện tích khoảng 25ha đây là nơi quy tụ và gìn giữ của hơn 30 ngôi nhà sàn có tuổi đời cả trăm năm. Các ngôi nhà sàn này đều được chuyển từ khu ATK Định Hóa và được phục dựng nguyên bản lại với mục đích gìn giữ và bảo tồn văn hoá dân tộc Tày. Được xây dựng từ năm 2003, đến năm 2011 làng nhà sàn Thái Hải chính thức được đưa vào khai thác phục vụ du lịch với nét độc đáo: chính dân bản vừa làm “nhân viên” vừa làm “hướng dẫn viên du lịch” cho du khách.

Theo truyền thống người Tày, trước khi du khách vào làng, dân bản sẽ phải gõ vào chiếc mõ ở đầu làng để báo hiệu cho dân làng biết có khách tới thăm.



Chị Lý Thị Chiên – Phó Giám đốc Làng Văn hoá Thái Hải múc nước tại giếng thiêng đầu làng cho du khách rửa tay trước khi vào làng.



Đường vào làng rợp mát bóng cây tạo cảm giác thư thái cho du khách.

 

Những ngôi nhà sàn có tuổi đời trăm năm, là nơi sinh sống của những gia đình dân làng nhiều thế hệ.



Các hoạ tiết hoa văn của rèm cửa trên các ngôi nhà sàn truyền thống.



Lúa sau khi chín sẽ được người dân gặt về bó thành cụm để trên xà nhà.


Quạt hòm – công cụ lao động phục vụ sinh hoạt hàng ngày của bà con nơi đây.

Bàn thờ tổ tiên của người Tày ở làng Thái Hải.


Đến với làng Thái Hải, du khách sẽ có dịp được theo dõi các hoạt động của người dân bản làng,
 được thưởng thức “rượu ngọt” và lắng nghe những điệu hát Then đàn tính trên những ngôi nhà sàn của đồng bào đang sinh sống.



, Bà Mễ Thị Liêm – nhà bảo tồn thuốc nam tự tay đun nước thuốc phục vụ du khách. Nước thuốc được đun nóng sau đó đổ vào thùng gỗ cho du khách trải nghiệm.



Ngoài các hoạt động tìm hiểu, khám phá, du khách còn có cơ hội được tự tay thể hiện và thưởng thức các món ăn dân tộc ngay tại bản làng.


Từ năm 2011 Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải chính thức được đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch.
Làng Thái Hải không chỉ là khu bảo tồn với một "vỏ bọc" đơn thuần mà ở đó là cả một nền văn hoá dân tộc sống động, chân thật với gần 200 nhân khẩu sinh sống.

Không những được hít thở bầu không khí trong lành, xanh mát, du khách đến với bản làng còn được hoà mình vào những giá trị văn hoá dân tộc độc đáo. Từ văn hoá trang phục, nhà ở, ẩm thực, nghi lễ thờ cúng đến các hoạt động lễ hội và ngôn ngữ dân tộc Tày vẫn được người dân bản làng chú trọng gìn giữ và truyền lại qua các thế hệ. Khi thăm quan, du khách sẽ được trải nghiệm những hoạt động như: Nấu cơm trên nhà sàn, làm các loại bánh dân tộc Tày, tham quan nhà làm thuốc, làm chè, làm rượu, thưởng thức những món ăn dân tộc... hay được lắng nghe những giai điệu đàn tính, hát Then của chính người dân nơi đây. Những người dân bản làng cởi mở, thân thiện cùng du khách quây quần bên bếp lửa nhà sàn trò chuyện, giao lưu, tất cả tạo nên một không gian ấm cúng và chắc chắn sẽ là những kỉ niệm khó quên đối với du khách.

Bằng những thế mạnh và những nét độc đáo của mình, giờ đây bản làng Thái Hải ngày càng phát triển và trở thành một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi ghé thăm thành phố Thái Nguyên./.
 
Bài, ảnh: Minh Phương

Độc đáo Lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng

Độc đáo Lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng

Nằm tại phía Bắc Việt Nam, Cao Bằng tự hào là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Trong số đó, Lễ hội Nàng Hai ở xã Tiên Thành, Cao Bằng là một điểm sáng nổi bật vì nó mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Tày. Lễ hội diễn ra nhằm thể hiện lòng biết ơn, tôn kính với thiên nhiên và cầu mong cầu cho mùa màng bội thu.

Top