Phóng sự chuyên đề

Quảng Trị: Từ DMZ đến Hành lang kinh tế Đông - Tây

Từng là một trong những khu vực có vùng giới tuyến quân sự khốc liệt nhất trên thế giới, được ví là “túi bom”, là “vùng đất lửa”, là “tọa độ chết”... do sức tàn phá khủng khiếp của bom đạn Mỹ, Quảng Trị hôm nay đang bền bỉ và mạnh mẽ vươn lên trở thành một điểm sáng ở khu vực Trung Trung Bộ và đặc biệt là trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) về tiềm năng phát triển du lịch, năng lượng tái tạo, kết nối thương mại quốc tế và hướng tới trở thành trung tâm dịch vụ logistic, trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực.
Dấu ấn tour DMZ và tiềm năng du lịch biển

Trước 1975, trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, vĩ tuyến 17 ở Quảng Trị được cả thế giới biết đến là khu khu phi quân sự hay còn gọi là giới tuyến quân sự tạm thời (DMZ - Demilitarised Zone) chia cắt hai miền Nam – Bắc đáng sợ nhất trên thế giới.

Tại khu giới tuyết quân sự này, quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn không chỉ đã dội xuống hàng vạn tấn bom đạn, chất độc hóa học mà còn thí điểm, triển khai nhiều học thuyết chiến tranh điên rồ nhất hòng cắt đứt mọi đường tiến công của quân đội Bắc Việt cũng như để triệt tiêu khát vọng hòa bình, thống nhất non sông của đồng bào hai miền Nam – Bắc.

Chính tại nơi đây, nhiều cái tên, địa danh đã trở thành một phần kí ức không thể nào quên về một vùng DMZ đau thương và tàn khốc như: hàng rào điện tử McNamara, sân bay Tà Cơn, địa đạo Vịnh Mốc, làng Vây, đường 9 - Khe Sanh, cồn Tiên, dốc Miếu, cầu Hiền Lương – sông Bến Hải...

Chiến tranh đã lùi xa, những vết thương thời chiến đang dần liền sẹo, nhiều người trên thế giới trong đó có cả những cựu binh Mỹ đã quay lại Quảng Trị. Tại đây, họ tìm kiếm đi theo các “tour DMZ” với mong muốn được khám phá những điều bí ẩn về vùng đất từng được mệnh danh là “tọa độ chết” này.



Khu giới tuyến quân sự tạm thời cầu Hiền Lương (cầu nhỏ bên trái) và sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17, nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền Nam – Bắc
trong cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước, nay là Khu Di tích Quốc gia đặc biệt “Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải”. Ảnh: Hồ Cầu



Các loại vỏ bom đạn Mĩ còn sót lại từ thời chiến tranh ở Quảng Trị. Ảnh: Việt Cường / VNP



Chiếc loa khổng lồ được miền Bắc dùng để phát thanh tuyên truyền qua bên kia giới tuyến trong thời kì đất nước bị chia cắt. Ảnh: Thanh Hòa /VNP



Một góc di tích căn cứ sân bay Tà Cơn, cụm cứ điểm quan trọng thuộc hệ thống hàng rào điện tử McNamara do quân đội Mĩ xây dựng ở Quảng Trị.
Ảnh: Việt Cường /VNP



Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị - trong cuộc chiến 81 ngày đêm của “mùa hè đỏ lửa” năm 1972 nơi đây đã phải hứng chịu hơn 320 nghìn tấn bom đạn
của quân đội Mĩ, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử loại mà Mĩ đã thả xuống Hirosima Nhật Bản năm 1945. Ảnh: Hồ Cầu



Di tích Quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc. Ảnh: Hồ Cầu



Du khách nước ngoài tham quan và dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn ở tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Thanh Hòa/ VNP


Du khách nước ngoài tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc. Ảnh: Thanh Hòa /VNP



Thắng cảnh Mũi Trèo ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu



Vẻ đẹp thác Tà Puồng ở huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu


Nhịp sống buôn làng đồng bào dân tộc vùng cao Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu


Vẻ đẹp hoang sơ của biển Cửa Tùng tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu


Nếu như ở Hàn Quốc, các tour DMZ thường đưa du khách đến tham quan những khu vực hạn chế nhất định ở khu phi quân sự hiện nay giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, thì ở Quảng Trị các tour du lịch kiểu này sẽ đưa du khách đi tham quan, khám phá trực tiếp hệ thống di tích lịch sử đồ sộ những địa danh, căn cứ, tổ hợp quân sự của khu vực DMZ vĩ tuyến 17.
Ngày nay, trên thế giới loại hình tour DMZ có lẽ chỉ có ở Hàn Quốc và Việt Nam. Loại tour này luôn có sức thu hút đặc biệt, nhất là đối với du khách nước ngoài, bởi nó không chỉ khơi gợi trí tưởng tượng của con người về một khu vực đối đầu quân sự đầy nhạy cảm, nguy hiểm và chết chóc mà còn có cả những vấn đề mang tính lịch sử của thời đại.


Hành trình tour DMZ Quảng Trị rất hấp dẫn và thường diễn ra trong một ngày. Theo lộ trình, từ thành phố Đông Hà du khách sẽ được đưa đi thăm đường 9, cung đường diễn ra chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh được mệnh danh là "trận Điện Biên Phủ thứ hai" ở Việt Nam, nơi có đồi Rockpile, sân bay Tà Cơn, căn cứ Khe Sanh.... Tiếp đến du khách sẽ được đưa đi thăm địa danh Cồn Tiên - Dốc Miếu, nơi được coi là căn cứ tiền tiêu của Mỹ – ngụy, là “mắt thần” của hàng rào điện tử McNamara. Từ đây du khách sẽ đi tiếp đến Khu Di tích Quốc gia đặc biệt “Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải”, điểm dừng chân quan trọng và hấp dẫn nhất trên lộ trình tour DMZ ở vĩ tuyến 17. Nơi đây có cây cầu Hiền Lương biểu tượng của nỗi đau chia cắt hai miền Nam – Bắc, đồn công an giới tuyến, đài quan sát, dàn loa phóng thanh công suất lớn dùng để tuyên truyền đấu tranh với phía bên kia giới tuyến, nhà bảo tàng và cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất non sông”… Từ cầu Hiền Lương du khách sẽ đến thăm điểm cuối là Di tích Quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc, một công trình quân sự độc đáo với hệ thống đường hầm đào ngầm dưới lòng đất có tổng chiều dài hơn 2.000m, chia làm ba tầng, tầng sâu nhất cách mặt đất hơn 20m, được dùng làm nơi sinh sống, phòng tránh bom đạn và chiến đấu của quân dân huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Tour DMZ hiện là loại hình du lịch độc đáo tạo nên thương hiệu du lịch riêng có của tỉnh Quảng Trị nên đang được địa phương quan tâm đầu tư khai thác tạo thế mạnh riêng nhằm đem đến cho du khách trong và ngoài nước một sản phẩm du lịch trải nghiệm về chiến tranh có một không hai.

Bên cạnh thế mạnh tour DMZ, Quảng Trị hiện cũng đang nổi lên như một vùng đất có tiềm năng lớn về du lịch biển đảo khi sở hữu đường bờ biển dài hơn 75km với nhiều bãi biển đẹp còn hoang sơ chưa được khai thác hết như Cửa Việt, Cửa Tùng, Mỹ Thủy, Vĩnh Thái, Gia Đằng… và đặc biệt là đảo Cồn Cỏ, một hòn đảo hoang sơ tuyệt đẹp được ví là “đảo ngọc”, là ‘chiến hạm nổi” giữa Biển Đông.

Với tiềm năng này, Quảng Trị đang có chiến lược phát triển du lịch biển đảo thành thế mạnh của địa phương, trong đó lấy ý tưởng xây dựng “tam giác” du lịch biển Cửa Tùng – Cửa Việt – đảo Cồn Cỏ làm trọng tâm để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển Quảng Trị thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo hàng đầu khu vực Trung Trung Bộ.

Mở rộng cánh cửa Hành lang kinh tế Đông – Tây

Sau chiến tranh, Quảng Trị chỉ còn lại đống hoang tàn đổ nát. Cuộc sống người dân cơ cực, đất đai không những khô cằn mà đa phần còn bị ô nhiễm bom mìn không thể canh tác được. Thế nhưng hôm nay, đi dọc theo Quốc lộ 9, tuyến đường nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam với Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm nào giờ đã thay da đổi thịt khoác lên mình chiếc áo mới, bởi đây không chỉ là tuyến đường chính giao thương hai nước Việt – Lào mà còn là một đầu cầu quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây dài 1.450km liên kết 4 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan và Myanmar.

Dọc theo Quốc lộ 9 đoạn qua hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa khó khăn ngày nào giờ hai bên đường bạt ngàn màu xanh của hàng chục nghìn ha rừng trồng để khai thác gỗ, gần 5.000 ha cà phê, hơn 4.500 ha chuối cùng nhiều diện tích cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt, huyện Hướng Hóa đang dần trở thành trung tâm điện gió của khu vực miền Trung, thu hút 84 dự án với tổng công suất trên 4.000 MW, trong đó có 31 dự án đã được phê duyệt quy hoạch, 53 dự án đã trình Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch.



Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, điểm kết nối quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây. Ảnh: Hồ Cầu


Phát triển điện gió ở huyện miền núi Hướng Hóa được xem là hướng đi mới nhiều tiềm năng và lợi thế của tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu



Quảng Trị có tiềm năng, thế mạnh trong ngành công nghiệp khai thác và chế biến mủ cao su. Ảnh: Hồ Cầu


Ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu ở Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu


Ngành công nghiệp may xuất khẩu ở Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu



Quảng Trị là địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu nên rất có lợi thế trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Ảnh: Hồ Cầu



Cảng cá Cửa Việt, Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu


Mô hình những cánh đồng mẫu lớn cho năng suất cao ở Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu



Mùa thu hoạch tiêu ở huyện Vĩnh Linh. Ảnh: Hồ Cầu

Về thương mại, điểm đầu của Quốc lộ 9 có cảng biển Cửa Việt ở huyện Gio Linh với 03 cầu cảng và 01 bến phao có thể tiếp nhận các loại tàu có trọng tải từ 2.000 đến 40.000 tấn. Đó là chưa kể đến khả năng đường 9 có thể kết nối dễ dàng với cảng Chân Mây (Huế) và cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) nằm cách đấy không xa về phía Nam nên rất thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa bằng đường biển từ các nước thuộc khu vực EWEC với các nước khác trong khu vực.
Quốc lộ 9, tuyến đường nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam với Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm nào giờ đã thay da đổi thịt khoác lên mình chiếc áo mới. Bởi đây không chỉ là tuyến đường chính giao thương hai nước Việt – Lào mà còn là một đầu cầu quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây dài 1.450km liên kết 4 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan và Myanmar.


Bên cạnh đó, Quốc lộ 9 đoạn giáp biên giới Việt Nam – Lào có Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo và Khu kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo là đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa nhộn nhịp từ nhiều năm nay và đang được Chính phủ lựa chọn tập trung đầu tư mạnh hơn trong giai đoạn 2021 – 2025 giúp địa phương có thể khai thác được tiềm năng rất lớn từ nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, gắn liền với du lịch và hợp tác với các nước trong khu vực.

Theo định hướng phát triển chung, Quảng Trị phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030; Thu hút đầu tư, phát triển mạnh dịch vụ vận tải, mạng lưới kho tàng, bến bãi, dịch vụ logistic để sớm trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực vào năm 2030. Nghiên cứu phát triển Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo gắn với định hướng phát triển đô thị, thương mại dịch vụ logistic xuyên biên giới. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; kết nối du lịch lịch sử - chiến tranh cách mạng của Quảng Trị với du lịch các địa phương trong khu vực và Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Ông Lê Quang Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho biết, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Quảng Trị đặt mục tiêu trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025 và thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước vào năm 2030. Đường 9 năm xưa với những chiến công lừng lẫy sẽ trở thành trọng điểm phát triển của tỉnh với các định hướng phát triển về năng lượng, vận tải hàng hóa quốc tế, phát triển thương mại, du lịch, thu hút đầu tư và hội nhập kinh tế quốc tế./.

 
Bài: Thanh Hòa - Ảnh: Hồ Cầu, Thanh Hòa, Việt Cường

Dấu ấn Việt Nam trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Dấu ấn Việt Nam trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Trong hành trình 10 năm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn lan tỏa đến bạn bè quốc tế hình ảnh về người chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam trách nhiệm, thân thiện, nhân văn và yêu chuộng hòa bình.

Top