Nghề Việt

Phỗng đất Bắc Ninh

Phỗng đất là món đồ chơi truyền thống của trẻ em Việt Nam thời xưa, cũng là món đồ được các đền, chùa sử dụng trong cúng bái. Nặn phỗng đất ở thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, bản sắc văn hóa Việt.
Trong mâm cỗ Trung thu ngày xưa, ngoài mâm ngũ quả, bánh kẹo… nhất định phải có một bộ phỗng đất, đèn ông sao và một ông tiến sĩ giấy.

Bộ phỗng đất truyền thống gồm 5 hình tượng: đứng giữa là Đức Phật, mang ý nghĩa tâm linh, mong muốn con cháu luôn phải sống có lương tâm, đạo đức; hình tượng thứ 2, 3 là ông già và em bé, tượng trưng cho sự tiếp nối giữa các thế hệ; thứ 4 là con chim, thể hiện cho khát vọng tự do, hòa bình; cuối cùng là con rùa, tượng trưng cho sức mạnh và sự trường tồn.

Để làm một bộ phỗng đất cũng khá kỳ công. Nguyên liệu làm phỗng đất là đất sét và giấy bản. Đất sét được đào ở độ sâu từ 2-2,5m, đem phơi khô, đập, giã thành bột mịn rồi sàng, đến khi sờ vào có độ mịn mát tay là được. Giấy bản ngâm trong nước 7 ngày, sau khi đã mủn hoàn toàn thì trộn đất và giấy với nhau, vừa trộn tay, vừa dùng chày đập cho đến khi hỗn hợp này quyện lại rồi mang ra nặn, nặn xong phơi ra ngoài ánh nắng mặt trời cho khô. 



Đất dùng để nặn phỗng là đất sét có độ mịn và sạch. Ảnh: Khánh Long


Việc tạo hình cho phỗng hầu hết làm bằng tay, chỉ có số ít được làm bằng khuôn. Ảnh: Khánh Long


Sử dụng que tre vót mỏng, nhọn để tạo hình phỗng. Ảnh: Công Đạt


Phỗng sau khi nặn được phơi dưới nắng to ít nhất 6 đến 7 ngày cho đến khi khô kiệt. Ảnh: Khánh Long


Màu chủ đạo để vẽ phỗng là trắng, vàng, xanh, đỏ, đen. Ảnh: Công Đạt


Một bộ phỗng đất truyền thống. Ảnh: Khánh Long

Phỗng đất sau khi phơi khô sẽ được sơn phủ một lớp hỗn hợp gồm bột điệp trắng, hồ (nấu từ bột gạo nếp) pha với nước theo tỉ lệ thích hợp. Sau đó lại mang phơi cho khô, rồi vẽ màu lên cho hoàn chỉnh. Đáng nói là dù không nung qua lửa, nhưng các sản phẩm phỗng có độ bền tốt, dai chắc. Màu để vẽ phỗng đất chủ yếu là trắng, vàng, xanh, đỏ, đen.

Hiện nay, ở thôn Đông Khê còn duy nhất gia đình ông Phùng Đình Giáp theo nghề nặn phỗng đất. Bắt đầu nặn phỗng đất từ năm lên 8,9 tuối, ông Giáp (67 tuổi) đã có hơn nửa thế kỉ gắn bó với nghề truyền thống của gia đình. 

Vài năm trở lại đây, ngoài những nhân vật phỗng truyền thống, gia đình ông Giáp còn làm thêm nhiều loại con giống và đồ chơi bằng đất sét như: búp bê, ôtô, máy bay, khủng long, siêu nhân… , đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thiếu nhi. Vào dịp nghỉ hè, nhà ông cũng là địa điểm đón tiếp các đoàn khách thiếu nhi từ Thủ đô về trải nghiệm nặn đồ chơi bằng đất sét.

“Nặn phỗng đất là nghề gia truyền của gia đình, tôi là đời thứ ba. Chẳng biết phỗng đất ra đời từ bao giờ, nhưng tôi nhất định sẽ không để phỗng biến mất. Cả nhà tôi gồm vợ và con trai tôi vẫn đã, đang và sẽ nặn phỗng đất. Trong bối cảnh nhiều người ngày càng ít mặn mà với đồ chơi dân gian, tôi lại càng phải giữ gìn hơn”, ông Phùng Đình Giáp chia sẻ./.



Bộ phỗng đất mô phỏng 12 con giáp. Ảnh: Khánh Long


Đôi đế nến hình chim bồ câu dùng cho việc thờ cúng. Ảnh: Khánh Long


Phỗng hình rồng trong bộ 12 con giáp. Ảnh: Khánh Long


Chú chim đậu trên lưng trâu, một hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam. Ảnh: Khánh Long


Chú gà trống được nặn và tạo hình khá tinh xảo. Ảnh: Công Đạt


Con tê giác được nặn và tạo hình bằng tay. Ảnh: Công Đạt


Chiếc gạt tàn độc đáo hình con rùa. Ảnh: Công Đạt


Những chú chó đá ngộ nghĩnh. Ảnh: Công Đạt


Hình ảnh ông Thần tài và ông Địa được khắc họa trên chất liệu đất. Ảnh: Công Đạt

Bài và ảnh: Khánh Long – Công Đạt

Bài và ảnh: Khánh Long – Công Đạt

Rau má Quảng Thọ - Điểm nhấn của nông nghiệp Quảng Điền

Rau má Quảng Thọ - Điểm nhấn của nông nghiệp Quảng Điền

Xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình mà còn được biết đến rộng rãi với một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng: rau má. Nhờ sự nỗ lực không ngừng của Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ 2, cây rau má đã trở thành “đặc sản” địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao và góp phần nâng cao đời sống người dân.

Top