Chân dung

Phan Cẩm Thượng nặng lòng với văn hóa Việt

Năm 2011, tác phẩm "Văn minh vật chất của người Việt" dày gần 700 trang, khổ 18x24cm, chứa đựng 959 ảnh và 505 hình vẽ minh họa được xuất bản và tái bản ngay sau tháng phát hành đã làm xôn xao giới nghiên cứu văn hóa Việt. Tác giả công trình nghiên cứu này là họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, người đeo đuổi công việc nghiên cứu mỹ thuật Việt cổ suốt 30 năm qua.
Họa sĩ Phan Cẩm Thượng tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Ông thích nhất được vẽ về các di tích, di sản mỹ thuật cổ. Vì thế, ông lặn lội rong ruổi khắp mọi miền đất nước. Sau gần 3 năm biên soạn, năm 1989, họa sĩ Phan Cẩm Thượng cùng với người thầy của mình là nhà nghiên cứu Nguyễn Quân cho ra đời cuốn sách "Mỹ thuật của người Việt". Cuốn sách như sự khởi đầu cho chặng đường khoa học gắn bó với văn hóa dân tộc của họa sĩ Phan Cẩm Thượng.

Điều Phan Cẩm Thượng tâm đắc và luôn ghi sâu trong lòng là ông luôn nhận được sự quan tâm, động viên, hỗ trợ, giúp đỡ của những người thầy, bạn bè, đồng nghiệp trong các chuyến đi khảo sát các di tích ở địa phương. Từ những chuyến đi ấy ông đã chụp được rất nhiều ảnh, bản dập, xác định các tư liệu trên văn bia và thần phả, sắc phong ở từng di tích. Thế giới tinh hoa cổ vật Việt được Phan Cẩm Thượng dày công nghiên cứu, phân tích, cô đọng và hệ thống hóa lại qua những câu chuyện kể khúc chiết nhằm chuyển tải đến người nghe, người đọc những điều dễ hiểu nhất.

Trong những chuyến du hành lên vùng cao, Phan Cẩm Thượng phát hiện ra nhiều điều thú vị liên quan đến cuộc sống sinh hoạt của người Việt xưa. Ví dụ như cách dùng lá tranh lợp nhà phù hợp với đặc điểm sinh thái khí hậu vùng cao của người Thái, Mường, Cơ Tu...Trong sổ tay ghi chép của Phan Cẩm Thượng còn có cả bản vẽ kiến trúc nhà dong, nhà gươl, một loại nhà truyền thống của người Cơ Tu ở vùng Tây Giang (Quảng Nam). Dưới mái nhà gươl, nhà dong có chạm nổi nhiều hình nam nữ cách điệu như những khối trừu tượng và nhiều loại động vật núi rừng biển mà người Cơ Tu từng biết đến. Trở về với vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) ven biển miền Trung, Phan Cẩm Thượng lại phát hiện ra những chiếc đèn dầu cổ cao 20 - 22cm dạng hình ống loe, có từ 3.000 năm trước, cây đèn đã đem thứ ánh sáng kỳ diệu đưa con người từ hang động ra đồng bằng qua đi thuở hoang dại bước vào thời văn minh, và nhiều loại cổ vật có giá trị khác liên quan đến văn hóa Sa Huỳnh như mâm bồng, khuyên tai hai đầu thú... có đặc điểm mà người phương Tây gọi là phong cách Hy Lạp - Phật giáo (Buddhism - Greco).


Phan Cẩm Thượng tại cố đô YoJaKta của Indonesia. (Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn)

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng trong một chuyến khảo sát vùng cao Hòa Bình.(Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn)

Phan Cẩm Thượng khảo sát bia đá ở chùa Thuận Thành – Bắc Ninh. (Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn)

Nghiên cứu văn hóa cổ. (Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn)

Viết thư pháp. (Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn)

Họa sỹ Phan Cẩm Thượng vẽ tranh sơn mài. (Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn)

Làm tranh sơn mài là một trong những niềm đam mê và thế mạnh của Phan Cẩm Thượng. (Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn)

Bìa cuốn sách “Văn Minh vật chất của người Việt”  của Phan Cẩm Thượng. (Ảnh: Tư liệu)
 
Qua việc nghiên cứu các di tích cổ, ông cũng phát hiện ra nhiều điều độc đáo về văn hóa Việt cổ. Ví dụ như ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), ngôi chùa gắn liền với văn minh làng quê châu thổ sông Hồng, có những pho tượng Phật, tượng Quan Âm, tượng La Hán, tượng chân dung cổ sơn thếp rất độc đáo mang đậm dấu ấn nghệ thuật điêu khắc dân gian thời kỳ thế kỷ XVI - XVIII. Hay như ở chùa Dâu (Bắc Ninh) Phan Cẩm Thượng cũng đã tìm thấy những bản khắc gỗ có nội dung đề cập đến mối quan hệ xã hội, lễ nghĩa thời Lê Sơ (1428 - 1572).

Phan Cẩm Thượng đi mọi nơi nghiên cứu di sản văn hóa Việt cổ cùng với cây cọ. Trong tư cách họa sĩ, ông sở trường với tranh giấy dó, tranh đồ họa đen trắng, tranh lụa, tranh sơn mài. Ông kiên trì viết và vẽ tranh thư pháp (chữ Hán). Trên tranh giấy dó của họa sĩ xuất hiện con người, hoa sen gắn bó với truyền thống... Năm 2008, triển lãm "Họa sĩ Phan Cẩm Thượng và các học trò của ông" tổ chức tại New York có sự góp mặt 6 họa sĩ: Lê Quốc Việt có những bức thư pháp vẽ theo lối Tiền vệ của Trung Quốc hiện đại, Nguyễn Bạch Đàn vẽ theo lối thủy mặc, Trịnh Quốc Chiến phảng phất ảnh hưởng Phật giáo và phong cách truyền thống qua tranh sơn mài, tranh giấy, Đinh Thị Thăm Poong - họa sĩ dân tộc vẽ đời sống đồng bào dân tộc Việt Nam...

Hành trình đến với di sản văn hóa Việt cổ của Phan Cẩm Thượng là nỗi đam mê, khát vọng cháy bỏng. Ông từng bộc bạch: "Không viết sách có lẽ tôi đã có đến 3 - 4 cái nhà!". Hình ảnh về Phan Cẩm Thượng đọng lại trong các sự kiện hoạt động quảng bá văn hóa Việt cổ và đương đại là một nhà nghiên cứu điềm đạm, chất giọng nhỏ nhẹ, giản dị, dân dã trong bộ trang phục nhã nhặn. Câu chuyện về tinh hoa đất Việt cổ khúc chiết cuốn hút qua từng hình vẽ, giải trình của nhà nghiên cứu nhiệt huyết có bộ râu dài, đôi mắt đen sôi động sau đôi mắt kính trắng dày. Ẩn chứa trong góc nhìn và sự cảm nhận của họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng bao giá trị của di sản văn hóa Việt cổ đang được khơi dậy, tỏa sáng./.
Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: CTV Nguyễn Anh Tuấn & Tư liệu

Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: CTV Nguyễn Anh Tuấn & Tư liệu

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Nữ sĩ quan hai lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Châu Phi

Trong số khoảng 100 nữ quân nhân được Việt Nam cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thượng tá Nguyễn Thị Liên là người hai lần được cử đến Châu Phi. Không chỉ giỏi về chuyên môn, chị còn nhiệt tình, sáng tạo trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân nên đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng các đồng nghiệp quốc tế và người dân địa phương.

Top