Chân dung

PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, nhà nữ khoa học nghiên cứu ra những giống lúa lai tiền tỷ

Được biết đến là người bán bản quyền các giống lúa lai nhiều nhất Việt Nam, PGS.TS. AHLĐ Nguyễn Thị Trâm đã tạo ra hàng chục giống lúa lai năng suất, chất lượng, đem tới những mùa vàng bội thu cho nông dân, đồng thời tạo ra hàng chục tỷ đồng cho nhà nước từ việc bán giống lúa, làm rạng danh nền nông nghiệp Việt Nam.

Từ những hợp đồng chuyển nhượng “khủng”…
Tháng 6/2008, PGS.TS. AHLĐ Nguyễn Thị Trâm khiến cả giới khoa học "chấn động", khi chuyển nhượng thành công giống lúa lai hai dòng TH3-3 cho Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định) với giá kỷ lục 10 tỷ đồng. Thông tin này đã tạo ra khích lệ lớn đối với ngành khoa học nông nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực giống.

Đây cũng là giống lúa thích hợp với nhiều vùng khí hậu khác nhau, có thời gian sinh trưởng ngắn (105-125 ngày/vụ), năng suất cao (7- 8 tấn/ha), đặc biệt được sản xuất trong nước nên giá giống lúa TH3-3 phù hợp với túi tiền của người nông dân. Bởi vậy, TH3-3 được rất nhiều nông dân từ miền núi phía Bắc đến đồng bằng, miền Trung và Tây Nguyên đón nhận.

Ngay sau khi được đưa tới tay người nông dân giống lúa này đã được nhân rộng tới 60% diện tích sản xuất lúa lai trong cả nước, tạo công việc và tăng thu nhập cho hàng vạn lao động nông nghiệp.

PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm được biết đến là người bán bản quyền các giống lúa lai nhiều nhất Việt Nam. Ảnh: Việt Cường
Ở tuổi 77, PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm vẫn trực tiếp đi thực địa khắp các vùng đồng bằng,
miền núi để nghiên cứu, tìm tòi các giống lúa mới. Ảnh: Tư liệu NVCC
Theo PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm, nghề nông ở Việt Nam hiện nay vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn
và luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro vì biến đổi khí hậu. Ảnh: Tư liệu NVCC
PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm đi thực địa tại những địa phương
gieo trồng các giống lúa lai của bà. Ảnh: Tư liệu NVCC
Được tận mắt chứng kiến những cánh đồng lúa bội thu chính là động lực
để PGS Nguyễn Thị Trâm tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khoa học khi đã ngoài 70. Ảnh: Tư liệu NVCC
  TH3-3, thời điểm đó được coi là “hoa hậu” trong số những “đứa con” của PGS Nguyễn Thị Trâm, với hạt gạo trắng, khi nấu thơm, dẻo, là kiểu cây bán lùn, thân cứng nên ít bị đổ khi gặp mưa bão, lại kháng được các bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá…

PGS Nguyễn Thị Trâm chia sẻ, giá trị 10 tỷ đồng đối với khoa học không phải là lớn, nhưng là lần đầu tiên trong nông nghiệp thấy rằng nghiên cứu khoa học có giá trị đích thực nào đó về mặt vật chất. Cái đánh giá bằng vật chất đã nói lên giá trị sử dụng ngoài sản xuất như thế nào.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm cũng đã nghiên cứu và cho ra đời hàng chục giống lúa lai khác nhau như: NN-9, NN-10, NN-23,… và chuyển nhượng thành công bản quyền giống lúa lai TH3-4 với giá chuyển nhượng lớn.

Năm 2016, PGS Nguyễn Thị Trâm lại tiếp tục mang đến bất ngờ khi cho ra đời 4 giống lúa thuần Hương Cốm. Đặc biệt, sau nhiều kết quả nghiên cứu, đánh giá thực địa từ nhiều vụ gieo trồng, các giống lúa này cho năng suất cao hơn các giống lúa thơm hiện đang gieo trồng. Hạt gạo thơm, thon dài, trong và bóng, tỷ lệ gạo nguyên cao, giàu dinh dưỡng, vị ngọt đậm,… Điểm đặc biệt nhất của lúa Hương Cốm phải kể đến chính là mùi hương của gạo: có giống thơm mùi dứa, có dòng thơm mùi bỏng ngô... Đây là giống lúa hứa hẹn có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập.

Tháng 12/2016, hai giống Hương cốm 1 và Hương cốm 4 của PGS Nguyễn Thị Trâm lại tiếp tục được chuyển giao bản quyền cho Công ty TNHH Cường Tân để mở vùng sản xuất lúa thơm hữu cơ, xây dựng chuỗi sản phẩm nông sản sạch chất lượng cao cung cấp ra thị trường.

Tính đến thời điểm hiện tại, bà là người bán bản quyền các giống lúa lai nhiều nhất Việt Nam, là một trong những nhà khoa học nữ thành công nhất trong lĩnh vực nông nghiệp.

… Đến câu chuyện phía sau cây lúa
Bước ngoặt lớn trong sự nghiệp nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm đó là quãng thời gian tham gia khóa học ngắn ngày tại Trung tâm lúa lai Hồ Nam, Trung Quốc. Tại đây, bà được làm việc với GS.Viên Long Bình - một nhà khoa học nổi tiếng Trung Quốc và thế giới với giống lúa lai ba dòng. Những giống lúa của GS Bình đã giúp đảm bảo lúa gạo cho đất nước tỷ dân này. Đây là động lực lớn, là cơ hội để PGS Nguyễn Thị Trâm thực hiện mong muốn giúp đỡ người nông dân Việt Nam “xóa đói giảm nghèo”.

Sau khi về nước, với những kiến thức mới học được từ Trung tâm lúa lai Hồ Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm cùng các cộng sự đã tìm kiếm trong hàng trăm giống bản địa và ngoại nhập, tiến hành nhiều hướng nghiên cứu khác nhau để thử nghiệm và lai tạo.

Theo PGS Nguyễn Thị Trâm để xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp bền vững ổn định cần có đội ngũ các nhà khoa học nông nghiêp yêu nghề,
dám hy sinh suốt đời cho nghiên cứu khoa học. Ảnh: Tư liệu NVCC
PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm trong buổi tọa đàm của Hội Nữ trí thức Việt Nam.
Ảnh: Việt Cường

Với sự kiên trì, cần mẫn, PGS Nguyễn Thị Trâm đã thành công khi tìm ra loại giống thích hợp có loại gen lặn, bất dục đực, di truyền nhân mẫn cảm với nhiệt độ - TGMS (thermosensitive genic male sterility). Đây là loại giống bất dục theo nhiệt độ. Cụ thể nhiệt độ dưới 24°C thì cây lúa hữu dục, nhiệt độ trên 24°C thì cây lúa bất dục, rất phù hợp với các thời vụ sản xuất của vùng đồng bằng sông Hồng.

Từ dòng gen mới tìm ra, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm đã cho ra đời hàng loạt tổ hợp lúa lai hai dòng: TH3-1, TH3-4, TH3-11, ...

Danh hiệu và giải thưởng tiêu biểu:
-Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới;
-Nhà giáo nhân dân;
-Huân chương Lao động hạng ba; 
-
Huy chương Kháng chiến hạng nhì;
-
Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ;
-Giải thưởng Kovalevskaia 2000;
-Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục;
-
Huy chương Vì sự nghiệp Nông nghiệp;
-
Huy chương Vì thế hệ Trẻ.

Tháng 6/2021, bà đã xin cấp bằng bảo hộ thành công cho giống lúa lai ba dòng MV2 và giống lúa lai hai dòng Lai thơm Bên cạnh việc chọn tạo giống lúa, PGS.TS. AHLĐ Nguyễn Thị Trâm và đồng nghiệp còn lai tạo nhiều giống cây trồng khác. Cụ thể, năm 2019, giống Sacha inchi S18 do bà là tác giả chính đã được công nhận đặc cách giống dược liệu mới của Việt Nam. Thông tin này đã mở ra cơ hội để sản xuất, phát triển cây Sacha inchi giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.

Theo PGS Nguyễn Thị Trâm, trong bối cảnh hiện nay, diện tích đất trồng lúa ở nhiều địa phương ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho khu công nghiệp, khu đô thị, đường xá… việc nâng cao năng suất lúa bằng việc sử dụng các giống lúa lai, năng suất cao để bảo đảm an ninh lương thực càng trở nên cần thiết. Đặc biệt, cũng theo bà, nghề nông ở Việt Nam hiện nay vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn và luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro vì biến đổi khí hậu. Bởi vậy, để xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp bền vững ổn định cần có đội ngũ các nhà khoa học nông nghiêp yêu nghề, dám hy sinh suốt đời cho nghiên cứu khoa học.

Đó là lý do, ở tuổi 77, PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm vẫn trực tiếp đi thực địa khắp các vùng đồng bằng, miền núi để nghiên cứu, tìm tòi các giống lúa mới. Được trực tiếp lội ruộng, cầm nắm nâng niu những bông lúa vàng óng, nhìn thấy niềm hạnh phúc của người nông dân với những mùa màng bội thu, đó là động lực giúp PGS Nguyễn Thị Trâm tiếp tục làm việc, tiếp tục cống hiến. PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm là biểu tượng đẹp của đội ngũ những người làm khoa học trong thời kỳ đổi mới và hội nhập của Việt Nam./.

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường & Tư liệu NVCC

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Lương y Cao Văn Minh - Bàn tay vàng trong trị liệu xương khớp

Với bàn tay tài hoa và cái tâm của người thầy thuốc, Lương y Cao Văn Minh - người được kế thừa các bài thuốc quý gia truyền của dòng tộc Cao và được đào tạo bài bản tại trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, đã và đang điều trị các bệnh lý về xương khớp, đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ và bại liệt cho hàng chục ngàn bệnh nhân ở Việt Nam và nước ngoài.

Top